Giá trị văn hóa truyền thống trong hoạt động du lịch Cao Bằng
Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đã được tỉnh Cao Bằng chú trọng thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học: nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn đám cưới, dân ca, dân vũ của người Dao đỏ; bảo tồn Lễ hội chùa Sùng Phúc - Hạ Lang, Lễ hội Nàng hai - Phục Hòa, Lễ hội Pháo hoa - Quảng Uyên, Lễ hội đền Kỳ Sầm - thành phố Cao Bằng, Lễ Thuổm Puôn của dân tộc Sán Chỉ, nghệ thuật tuồng dá hai... Các di dản văn hóa phi vật thể đặc sắc cũng đã được nghiên cứu lập hồ sơ để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trên địa bàn tỉnh có gần 40 lễ hội. Việc tổ chức lễ hội đều do làng, bản chịu trách nhiệm theo một chu kỳ thời gian, mùa vụ nhất định. Công tác tổ chức lễ hội ngày càng chu đáo hơn nên lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, đáp ứng nhu cầu trẩy hội của du khách thập phương. Tại các lễ hội, du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca đằm thắm mượt mà như: lượn slương, lượn cọi, lượn ngạn, hát then - đàn tính, hèo phươn, nàng ới, dá hai, páo dung... cùng những điệu múa sluông, múa chầu, múa quạt, múa khăn, múa chuông, múa trống, múa ô, múa khèn... Đặc sắc nhất trong số những loại hình dân ca kể trên là hát then - đàn tính, một hình thức sinh hoạt quan trọng trong tín ngưỡng của người Tày, Nùng vùng Việt Bắc. Hát then - đàn tính mang tính nghệ thuật độc đáo, khác biệt và giàu sức truyền cảm nên đã trở thành sản phẩm độc đáo của ngành Du lịch nói chung, du lịch cộng đồng (DLCĐ) Cao Bằng nói riêng. Việc phát triển du lịch gắn với các lễ hội, trò chơi dân gian vừa góp phần tạo sức bật cho Du lịch Cao Bằng vừa giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống kết tinh trong từng lễ hội. Điển hình như tại điểm DLCĐ ở Pác Rằng, Phja Thắp (Quảng Uyên); điểm DLCĐ làng Tày Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), việc tổ chức cho du khách tham gia các trò chơi tranh đầu pháo, tung còn, đánh yến… đã góp phần khôi phục, bảo tồn các trò chơi dân gian.
Một trong những không gian biểu hiện và hội tụ nhiều sắc thái văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng chính là chợ phiên. Đây không chỉ là nơi trao đổi, mua bán sản vật mà còn mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Đến chợ, du khách có thể bắt gặp những cô gái Mông diện chiếc váy xòe sắc màu rực rỡ thoăn thoắt dắt ngựa xuống chợ; cô gái Tày duyên dáng, mặt ửng hồng... Đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc Cao Bằng còn được thể hiện ở các sản phẩm nghề thủ công truyền thống, như sản phẩm thêu của người Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình. Các mặt hàng thổ cẩm của đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng, Lô Lô đã trở thành món quà lưu niệm quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Cao Bằng.
Bên cạnh đó, những di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ như các thành cổ Na Lữ, Phục Hòa, cố đô Cao Bình; các di chỉ khảo cổ Ngườm Bốc, Ngườm Vài... cũng là những nét văn hóa độc đáo của vùng đất cổ Cao Bằng, là tiềm năng du lịch hấp dẫn nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Phát triển DLCĐ bền vững dựa trên giá trị văn hóa dân tộc thiểu số
Hiện nay, Cao Bằng có một số CLB dân ca ở huyện Trùng Khánh, Quảng Uyên, Nguyên Bình… vừa truyền dạy các bài hát dân ca, các điệu múa cổ truyền vừa kết hợp phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khách du lịch tại các điểm DLCĐ. Chủ trương hình thành các đội văn nghệ truyền thống tại thôn bản cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm trình diễn, truyền dạy, phổ biến văn hóa truyền thống trong cộng đồng, gia đình, trường học, đồng thời hình thành sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của từng điểm đến DLCĐ tại Cao Bằng.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cần lựa chọn và phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu ở các bản, các chợ phiên nhằm bảo lưu, trao truyền các loại hình văn hóa truyền thống như: nhà ở, nghề thủ công, ẩm thực, các loại hình dân ca, dân vũ, lễ hội… tạo ra các sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu DLCĐ, du lịch văn hóa… Khuyến khích đội ngũ nghệ nhân trao truyền bí quyết, kiến thức di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ; quan tâm việc truyền dạy các giá trị văn hóa đặc sắc trong các trường học...
Dựa trên các đặc trưng văn hóa, các thế mạnh về sinh thái cảnh quan và yêu cầu của thị trường để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Cao Bằng trên thị trường. Trong đó cần chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, các tour du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh gắn với các di tích lịch sử, lễ hội truyền thống.
Xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số; ưu tiên đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ văn hóa cấp cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cách làm DLCĐ cho người dân bản địa ở các điểm du lịch.
Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp quảng bá giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, những tiềm năng du lịch của Cao Bằng; xây dựng quy hoạch chi tiết các điểm DLCĐ; lựa chọn các bản, các điểm cộng đồng dân cư có các sản phẩm văn hóa truyền thống đặc sắc để phát triển du lịch.
Cao Bằng cần tiếp tục tổ chức các hoạt động lớn như ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm văn hóa dân tộc gắn với thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của từng dân tộc, địa phương đến với du khách trong và ngoài nước; thu hút ngày càng nhiều dự án có quy mô đầu tư vào du lịch Cao Bằng nói chung, DLCĐ nói riêng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nông Hải Pín (2000), Địa chí Cao Bằng, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Cao Bằng.
2. Kỷ yếu hội thảo quốc tế (2016). Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. NXB Thanh Niên
3. Nguyễn Thị Yên (2010), Then Tày, NXN Văn hóa dân tộc, Hà Nội…
TS. Nguyễn Thị Tuyết Nhung
(Tạp chí Du lịch tháng 7/2022)