Học và tự nấu món ăn dân tộc
Chúng tôi đến Bản Tùy, TP. Hà Giang sau chặng đường hơn 300km từ Hà Nội. Bản nằm ngay vùng ven thành phố với những nếp nhà sàn cổ còn khá nguyên vẹn xen lẫn vào những sườn núi đá.
Một đêm trải nghiệm văn hóa ẩm thực Tày và nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn ở Bản Tùy trước khi tiếp tục hành trình chinh phục cao nguyên đá Đồng Văn, với chúng tôi thật bất ngờ và nhiều điều thú vị. Tôi đã gặp hai khách nước ngoài đang học nấu các món ăn đặc trưng của dân tộc Tày tại bản. Họ được hướng dẫn để tự chế biến ngay trên nhà sàn, thưởng thức những món ăn do mình nấu và uống loại rượu thóc đặc sản.
Bà chủ nhà sàn người dân tộc Tày chia sẻ với tôi cách làm món thịt lam (nứa lảm) và măng quấn thịt (mảy nhưởng). Đây là hai món ăn đặc trưng của người Tày thường được dùng trong những bữa cơm đãi khách cùng với xôi ngũ sắc, khâu nhục, thịt gác bếp, rượu thóc, rêu nướng và các loại rau rừng.
Món mảy nhưởng được làm từ măng vầu tươi, luộc chín, tách riêng phần lá măng rồi cắt khúc chừng 5cm. Thịt lợn ba chỉ băm nhuyễn rồi trộn với hành lá thái nhỏ, bột nếp và thêm một ít hành khô băm, nêm thêm gia vị vừa phải. Tất cả nhồi vào những khúc măng còn nguyên dạng ống hoặc gói bằng những lá măng đã tách rời rồi cho vào nồi hấp chừng 30 phút là dùng được.
Món nứa lảm chế biến có phần phức tạp hơn. Thịt lợn bản luộc chín, cắt miếng rồi ướp thảo quả, hoa hồi, dấm, hạt tiêu cùng gia vị trong vòng 2-3 giờ cho ngấm. Sau đó nhồi vào ống tre, bịt hai đầu và nướng trên bếp lửa chừng 1 giờ cho tới khi phần vỏ tre cháy hết và có mùi thơm của thịt từ trong ống. Lúc ấy bóc vỏ tre, lấy thịt ra sẽ thấy thịt có màu đậm và vị thơm.
Cả hai món trên đều được ăn cùng rau sống và nước mắm tỏi, ớt. Cách làm tuy mất nhiều thời gian nhưng không khó, nên người địa phương thường hướng dẫn để du khách tự chế biến món ăn trên chính mâm cơm họ sẽ thưởng thức vào bữa tối. Cũng bởi vậy mà bữa tối trên bản dù muộn nhưng vẫn rất vui và thoải mái.
Đi qua mùa hoa trẩu, mùa của những phiên chợ phong lưu
“Mùa hoa trẩu là mùa của lứa đôi
Chợ tình gần xa ngày đêm gọi bạn
Khúc lượn Slương níu bước chân về
Người từng yêu nhau gần lòng, xa núi
Người đang yêu, hoa trẩu nở trong lòng”.
Những câu thơ của Thanh Sơn như đưa chúng tôi đến với mùa hoa trẩu, mùa cao nguyên đá sang màu, màu của những phiên chợ tình yêu.
Chúng tôi tiếp tục hành trình tháng tư trên con đường huyền thoại mang tên Hạnh phúc, qua những khúc cua tay áo với dốc bảy tầng, đèo chín khoanh với cảm giác chênh vênh cao vút trên đầu núi, con đường như dải lụa mềm, bồng bềnh lãng mạn, trong hương hoa trẩu lan tỏa khắp núi rừng. Tháng tư là mùa hoa trẩu trắng tinh khôi, thuần khiết, mùa của những phiên chợ tình phong lưu ở cao nguyên đá. Hoa nở thành chùm phủ lên trên những vòm lá xanh non tạo nên một vẻ đẹp đơn sơ, mộc mạc thay cho sắc màu xám xanh buồn bã gần như quanh năm của vùng cao nguyên đá. Hoa trẩu trắng đến nao lòng. Trên những con đường đất còn nhiều gập ghềnh, bên những bản làng thưa thớt và núi rừng hoang sơ, những bông hoa tươi tắn như báo hiệu mùa nước đã về nơi khô cằn đá, mùa đá lại nở hoa.
Mùa hoa trẩu cũng là mùa của những phiên chợ tình yêu. Mỗi phiên chợ đều có những câu chuyện huyền sử và độc đáo riêng. Chợ tình trên cao nguyên đá Đồng Văn ngày nay đã trở thành phiên chợ chung của cộng đồng các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… Nhưng tựu trung, những câu chuyện về phiên chợ tình vẫn bắt nguồn từ những bản người Tày. Chợ tình Khau Vai, chợ tình Du Già – Đường Thượng, Lũng Làn – Sơn Vĩ đều diễn ra ở nơi có bản người Tày sinh sống. Phiên chợ tình mỗi năm chỉ có một lần, và cũng chỉ có thể tìm thấy những phiên chợ ấy dưới màu trắng tinh khôi của hoa trẩu trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn.
Trong chuyến đi tìm tiếng khèn gọi bạn đêm chợ phong lưu, trên con đường trắng uốn lượn quanh co rộn ràng hương hoa trẩu, tôi đã đi qua mùa hoa trẩu cùng xúc cảm như thế để đến với những đêm chợ tình trên cao nguyên đá.
Vũ Thanh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch)