Sẵn sàng “bung” tour…
Thông tin tới PV Tạp chí Du lịch, đa phần các doanh nghiệp du lịch cho biết đều chờ đợi thời điểm mở cửa du lịch 15/3. Bởi, quyết định mở cửa sẽ là động lực giúp các doanh nghiệp tái sinh, phục hồi; đồng thời, cũng kịp thời thu hút nhân sự du lịch quay trở lại khi chưa quá muộn.
Theo Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vân Hải Xanh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng (VCTC) Phạm Hải Quỳnh, các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào đợt chính thức mở cửa này. Đây là sự khởi đầu cho việc khôi phục lại kế hoạch với các đối tác nước ngoài, tái khởi động lại hành trình du lịch Việt và những chương trình outboud.
Là một trong những đơn vị lữ hành có thâm niên, ngay khi chính thức được đón khách quốc tế trở lại, “Hanoi Tourism đã lập tức khảo sát, đánh giá lại toàn bộ dịch vụ chuỗi cung ứng. Đồng thời, xây dựng lại sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu hậu COVID-19” - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch (Hanoi Tourism JSC) Nhữ Thị Ngần thông tin.
Để đưa ra sản phẩm và thông tin tích cực này tới thị trường quốc tế, bà Ngần cũng cho hay, đơn vị này đã củng cố và kết nối lại với các Travel agency tại nhiều thị trường tiềm năng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới việc gây dựng lại, tạo ấn tượng về sự an toàn, hấp dẫn, mới lạ và phong phú cho khách.
Cụ thể, Hanoi Tourism đã xúc tiến tổ chức Fam Trip cho các doanh nghiệp đón khách Âu, Mỹ, Phi, Úc… đến một số địa điểm ấn tượng, hấp dẫn, mới lạ; kết nối với các địa phương có tài nguyên thích hợp để thiết kế sản phẩm du lịch mới... “Các Travel agency rất hào hứng và đánh giá cao hoạt động sớm này của Hanoi Tourism” - Tổng Giám đốc Hanoi Tourism thông tin.
Cũng như nhiều doanh nghiệp du lịch khác, Công ty cổ phần Thương mại và Phát triển Du lịch Hà Nội (Handetour) đã nhanh chóng tái khởi động hoạt động truyền thông quảng bá sản phẩm của mình với các đối tác quốc tế. “Khi Việt Nam chính thức mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế, chúng tôi đã thông báo ngay cho đối tác, khách hàng. Đặc biệt, trên các phương tiện truyền thông của doanh nghiệp đều được thông tin chính thức, đồng bộ về việc mở cửa. Trong đó, nêu rõ khách hàng cần phải làm gì khi muốn du lịch Việt Nam” - Giám đốc Handetour Nguyễn Tuấn Anh nói. Đồng thời, vị giám đốc này cũng cho hay, để chuẩn bị đón khách, Handetour đã tập trung việc đào tạo nhân lực, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm mới phù hợp đối với các thị trường Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Anh, Úc.
Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng (VCTC) Phạm Hải Quỳnh thông tin thêm, hầu hết các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, mới, linh hoạt theo từng thời điểm để chào bán tới các đối tác. Trong đó, cũng đã xây dựng kế hoạch đưa khách đến Việt Nam và ngược lại. Tuy nhiên, “hiện hoạt động trao đổi giới thiệu sản phẩm mới chỉ tập trung vào những thị trường chính thức mở cửa; thị trường có sự tương tác, hợp tác thuận lợi nhất cho du khách khi đến và trở lại thuận lợi nhất. Nhiều thị trường vẫn còn bỏ ngỏ” - ông Quỳnh chia sẻ.
… nhưng vẫn cần gỡ khó để hút khách quốc tế
Thông tin với PV, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch Sen Á Đông - Quảng Ninh Đoàn Văn Dũng cho hay, hầu hết các doanh nghiệp có tàu du lịch đón khách đều tạm dừng, nằm tại chỗ hoặc hoạt động cầm chừng. Doanh nghiệp không có doanh thu trong khi vẫn phát sinh chi phí duy trì bảo vệ, bảo dưỡng tàu, chi phí cho nhân viên, kỹ thuật chăm sóc, bảo hiểm cho người lao động... Cụ thể, chúng tôi có 15 chiếc tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, thời gian vừa qua chỉ có hai tàu hoạt động nhưng vẫn không có khách. Vì loại hình tàu nghỉ đêm đa số phục vụ khách quốc tế.
Với cương vị là doanh nghiệp trực tiếp khai thác dịch vụ, ông Dũng cũng trăn trở, Hạ Long thường đón khách vào mùa hè, khi mở cửa trở lại, vấn đề về nguồn nhân lực có chất lượng, cơ sở hạ tầng, vốn, giải quyết các khoản nợ, thuế... cũng là những khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp.
Địa phương, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thế nào? là câu hỏi mà ông Dũng đặt ra khi chia sẻ với PV. Đồng thời, ông cũng kiến nghị, việc mở cửa, thu hút khách cần có thông tin rõ ràng, cụ thể hơn. Đó là, mở cửa thị trường nào, dự báo lượng khách ra sao?… cần công bố để doanh nghiệp có thông tin và sẵn sàng khởi động.
Lý giải cho kiến nghị này, ông Dũng nêu: “Đến giờ vẫn chưa có chính sách rõ ràng về đón khách quốc tế để các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch xúc tiến, quảng bá. Khách Âu, Mỹ thường đi vào dịp cuối năm, họ thường lên kế hoạch trước ít nhất vài tháng. Các doanh nghiệp vẫn tự nghe ngóng, chờ đợi, nắm tình hình… đây là những vướng mắc mà doanh nghiệp không thể tự giải quyết. Do vậy, để đón khách hiệu quả, cần tập trung giải bài toán, tháo gỡ những bất cập, khó khăn này của doanh nghiệp”.
Cùng nêu quan điểm về những khó khăn, vướng mặc đối với các doanh nghiệp du lịch hiện nay, Tổng Giám đốc Hanoi Tourism JSC cho hay, các điểm đến còn nhiều dịch vụ chưa sẵn sàng đón khách. Do đó, thiếu đi độ hấp dẫn để có thể truyền tải, quảng bá đến du khách về sự sẵn sàng. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực thiếu, yếu và đứt gãy do nghỉ dịch quá lâu cũng là những khó khăn của doanh nghiệp. Việc thiếu nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng lớn đến cả quá trình cung ứng lẫn truyền thông, quảng bá sản phẩm.
Bà Ngần nêu, “một số quốc gia, trong đó có Mỹ vẫn khuyến cáo về đỉnh dịch của Việt Nam khiến tạo ra tâm lý e ngại cho du khách. Do đó, cần một chiến dịch cộng hưởng giữa doanh nghiệp với chiến lược truyền thông quốc gia để tạo ra sức hút cho du khách. Sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước về truyền thông, quảng bá, xúc tiến hoạt động du lịch quốc tế ở các thị trường tiềm năng nhằm tạo thông điệp đồng bộ, tích cực, nhất quán là rất quan trọng lúc này”.
Giám đốc Công ty Mr Linh’s Adventures Nguyễn Tuấn Linh cho rằng, hầu hết các đối tác cũ là các Công ty du lịch còn lại không nhiều; xu thế thị trường thay đổi, thói quen của du khách đi du lịch, đặt tour không còn tập trung như trước. Doanh nghiệp phải xây dựng lại từ đầu hệ thống bán hàng, bắt kịp với công nghệ trên thế giới. Đây là khó khăn lớn nhất trong việc xúc tiến, quảng bá.
Do đó, vị giám đốc này cũng mong muốn, Chính phủ có những phương hướng rõ ràng về việc cấp visa thị thực cho khách du lịch; ngoài 13 nước với thời gian lưu trú 15 ngày nên miễn visa cho khách vào Việt Nam từ các thị trường khác; kéo dài thời gian lưu trú lên 30 ngày; xây dựng kế hoạch xúc tiến tại các điểm đến, các Hội chợ quốc tế trong năm 2022...
Nhìn nhận về những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp du lịch, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng (VCTC) Phạm Hải Quỳnh cho rằng, khó khăn lớn nhất là nhiều nước chưa hoàn toàn mở cửa trở lại. Do đó, còn nhiều chính sách vướng mắc trong hợp tác triển khai sản phẩm. Đối với Việt Nam, kê khai y tế bằng PC-COVID cũng còn bất cập.
Lý giải cho nhận định này, ông Quỳnh nêu: Phần mềm PC- COVID chỉ phù hợp đối với những điện thoại ở Việt Nam. Du khách trong khi chờ nhập cảnh chưa thể có sim-số để kê khai. Không phải khách nào cũng chuyển vùng quốc tế để có thể cập nhật ngay được. Đặc biệt, PC- COVID chưa có bản tiếng Anh; các địa danh điểm đến yêu cầu đánh sao bắt buộc; địa chỉ chi tiết mà phần mềm yêu cầu còn khó khai báo…
Vì vậy, ông Quỳnh đề xuất “để giảm thiểu các thủ tục một cách tốt nhất, cần cho đại diện đơn vị đón khách ở Việt Nam kê khai y tế cho cả đoàn bằng một lần khai, kèm danh sách. Phần khai đại diện cho cả đoàn, phần mềm PC-COVID cũng cần cập nhật để phù hợp với du khách, các đơn vị lữ hành trong quá trình thực hiện tour”.
Tuấn Hải