Du lịch mở toang
Ngày 15/3 vừa qua, du lịch đã chính thức mở cửa toàn diện cả hoạt động du lịch quốc tế và nội địa. Ngay trong ngày 15/3, Bộ VHTTDL đã ban hành phươg án số 829/PA-BVHTTDL về mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, Bộ VHTTDL hướng dẫn mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa trong điều kiện bình thường mới thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19; đối tượng là khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài, khách du lịch nội địa.
Chính sách thị thực đối với khách quốc tế được thực hiện theo Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc miễn thị thực cho công dân các nước Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Liên hiệp Anh - Bắc Ireland, Nga, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Belarus, Nhật Bản, Hàn Quốc và Công vấn số 1606/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ ngày 15/3/2022 về việc khôi phục chính sách xuất nhập cảnh của Việt Nam như trước khi áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm phòng, chống dịch COVID-19. Như vậy, Việt Nam sẽ miễn thị thực cho công dân tổng cộng 101 nước.
Yêu cầu đối với khách quốc tế nhập cảnh là phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Trường hợp chưa có thì xét nghiệm ngay tại cửa khẩu, kết quả xét nghiệm âm tính thì được phép nhập cảnh tham gia hoạt động du lịch, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Trẻ em dưới 2 tuổi miễn xét nghiệm. Khách phải sử dụng ứng dụng PC-COVTD khai báo y tế trước khi nhập cảnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định trong thời gian lưu trú tại việt Nam. Trong quá trình du lịch, khách tự theo dõi sức khỏe và báo cho cơ sở y tế nếu có các triệu chứng nghi nhiễm bệnh; thường xuyên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Khách du lịch phải có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 10.000 USD. Đối với khách du lịch ra nước ngoài, phải tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh, y tế và các quy định liên quan của Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thồ tham quan du lịch.
Hoạt động du lịch nội địa được triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đồng thời, triển khai chương trình kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch nội địa trên toàn quốc; tổ chức xúc tiến, quảng bá điểm đến, xây dựng sản phẩm đa dạng, hấp dẫn.
Đặc biệt, tối ngày 15/3, Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Ngoại Giao tổ chức hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả đến cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương cũng như cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Ngay sau đó, Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa hoạt động du lịch và đón khách du lịch quốc tế. Bạc Liêu phát động “Mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới” và liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Ấn tượng Việt Nam: Làm mới để đón khách”. Hà Nội mở lại phố đi bộ từ ngày 18/3. Đà Nẵng chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, ổn định chất lượng dịch vụ, dịch vụ “không tiếp xúc” trong phục vụ khách; thí điểm chương trình “Phố đêm biển Mỹ An”, tuyến phố đi bộ Bạch Đằng – cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo, khu phức hợp vui chơi giải trí nghỉ dưỡng Mikazuki, tổ chức thí điểm các dịch vụ du lịch nông nghiệp tại Hòa Vang… để sẵn sàng đón và phục vụ du khách.
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp cũng đã có động thái tích cực hưởng ứng. Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam họp báo về Hội chợ du lịch quốc tế VITM với mục tiêu thúc đẩy du lịch bứt phá, góp phần khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19. CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội đã phát động Chương trình “Trở lại Bắc Trung Bộ 2022” và công bố tour caravan “Khám phá cung đường miền Tây Nghệ An”. Tập đoàn Mường Thanh mở bán chương trình Mega Sale 2022 với mức ưu đãi lên tới 70% cho các combo nghỉ dưỡng áp dụng cho tất cả các khách sạn trên toàn quốc với thông điệp “Hello summer, Giá thật bất ngờ”. Công ty Trực thăng Miền Bắc huấn luyện tốt phi công, thiết kế lại hành trình bay tối ưu cho các lựa chọn của khách hàng, sẵn sàng 2 máy bay Bell 505 chuyên dụng để bay du lịch ngắm cảnh; khai trương dịch vụ bay ngắm cảnh tại Đà Nẵng vào dịp lễ 30/4-1/5 và giảm giá đến 30% vé bay cho khách trong dịp lễ này. Hay như Sun World Ba Na Hills đưa vào hoạt động tuyến tàu hỏa leo núi số 2 dài gần 430m từ 30/4 nối Vương quốc Mặt trời tới Lâu đài Mặt trăng, tuyến cáp Hội An - Marseille lên thẳng Cầu Vàng, con đường Carnival, Hội chợ châu Âu” đậm màu sắc Trung cổ…
Doanh nghiệp cần hỗ trợ nhiều hơn
Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch toàn diện, Bộ VHTTDL đã có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã triển khai hoạt động hưởng ứng. Hầu hết doanh nghiệp đều bày tỏ phấn khởi trước quyết sách mạnh dạn của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn không thiếu những doanh nghiệp chưa thật sự an tâm với chính sách lâu dài của Nhà nước, do thiếu nhân sự nên vẫn hoạt động với tư thế “cầm chừng”, “nghe ngóng”. Các doanh nghiệp phần lớn đều thiệt hại nặng nề trong hai năm qua, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để có bước khởi đầu lại thuận lợi.
Ông Nguyễn Sơn Thuỷ, Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương cho biết, trong hai năm qua, nhân sự chúng tôi cũng tan tác, rời rạc. Công ty cố gắng trả lượng được năm đầu, nhưng năm thứ hai kéo dài thì buông hết, nhân sự phải đi tìm công việc tạm thời khác dù rất yêu ngành Du lịch. Khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn trở lại, chúng tôi đã cơ bản kích hoạt lại các chức năng nhiệm vụ của các bộ phận, hoàn thiện sản phẩm, sửa soạn vệ sinh văn phòng công ty, cơ sở lưu trú khách sạn; cập nhật thông tin diễn biến du lịch trong nước cho đối tác nước ngoài; xây dựng sản phẩm du lịch mới, đào tạo lại các nhân sự, làm quen với các kỹ năng online mới… “Tuy nhiên chúng tôi cũng mất một phần nhân lực trước đây làm công nghệ IT, quản trị website, thiết kế ấn phẩm do bị các doanh nghiệp khác thu hút trong thời gian dịch. Thời gian đến, chúng tôi cũng sẽ tìm kiếm tuyển dụng thêm các nhân sự có kỹ năng tốt bổ sung vào các bộ phận cần thiết.” – Ông Thuỷ chia sẻ.
Các địa phương vẫn chưa chuẩn bị bệnh viện tiêu chuẩn quốc tế để đón khách du lịch quốc tế dương tính! Các khách sạn vẫn chưa có phương án nếu khách quốc tế dương tính ở thể nhẹ thì có được cách ly tại khách sạn không? Hệ thống bảo hiểm quốc tế về bệnh COVID-19 có được kích hoạt thông suốt tại việt Nam, nếu khách thanh toán thì có chấp nhận rộng rãi không?... – Ông Nguyễn Sơn Thuỷ cũng bày tỏ lo lắng.
Cũng theo ông Thủy, hiện có rất nhiều đơn vị kinh doanh chưa mở cửa trở lại, các khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao chưa mở hoàn toàn, các nhà hàng, dịch vụ du lịch cũng chưa nhiều. Họ đang đợi xem tín hiệu của thị trường, ổn định thì họ mới mở cửa trở lại. Rút kinh nghiệm 2 năm trước, mở cửa ra không có khách, hoặc không ổn định thì sẽ bị lỗ, thiệt hại nhiều hơn việc đóng cửa. Do vậy lần này các doanh nghiệp rất thận trọng để mở cửa trở lại. Ông Thủy cho rằng, việc Việt Nam công bố mở cửa trở lại, sẽ là mốc quan trọng cho doanh nghiệp chủ động phục hồi và hy vọng lần này sẽ ổn định và lâu dài. Ông Thủy đồng thời đề xuất các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài công bố thông tin rõ ràng; mở ngay các hệ thống tiếp nhận xin cấp thị thực online; tạo điều kiện thông thoáng nhất để du khách tiếp cận chính sách, đơn giản hoá thủ tục hành chính; xây dựng một nền tảng số để khách đăng ký và giám sát tất cả các hoạt động trong quá trình khách du lịch tại Việt Nam.
Trên thực tế, các doanh nghiệp dù lớn, dù nhỏ, dù xu hướng kinh doanh khác nhau, thị trường khác nhau, cũng đều luôn hướng về một tâm thế, như chia sẻ của đại diện Vietravel: “Mọi thứ sẽ dần khởi sắc trong giai đoạn bình thường mới năm 2022”. Điều này cho thấy, mọi sự khởi đầu, dù là khởi đầu lại, đều không phải là điều dễ dàng. Vietrantour chỉ chuẩn bị nhân sự cho 3 thị trường trọng điểm: khách đoàn nhóm nhỏ, khách nghỉ dưỡng biển, khách đoàn truyền thống; sản phẩm theo đúng đối tượng: nhóm nhỏ đi 3-4 ngày, bộ khách sạn resort cao cấp cho nghỉ dưỡng, tour trọn gói khách truyền thống. Đại diện Vietrantour cho biết doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động mới, vì lương khởi điểm thấp, du lịch chưa có tính ổn định, nhưng công việc lại đòi hỏi cao; vốn cũng là một vấn đề khó khăn. Hayditour thì càng khó khăn hơn khi năng lực đón và phục vụ khách hiện tại chỉ bằng 10-20% so với trước khi có dịch COVID-19 do thiếu hụt nhân sự và nguồn vốn hoạt động. Hayditour đang xem xét thuê lại văn phòng cho một số nhân sự làm việc trước mắt, tích lũy thêm vốn, sau đó mới tính đến việc tuyển dụng thêm nhân sự mở rộng kinh doanh. Mr Linh’s Adventures còn gặp khó khăn bởi khách quốc tế của doanh nghiệp này khó xin cấp thị thực, vì các doanh nghiệp đầu mối du lịch cung cấp thị thực chưa sẵn sàng.
Ông Nguyễn Viết Linh - Giám đốc điều hành Công ty du lịch Bạn đồng hành cho biết: “Chúng tôi đã phải cho 85% nhân viên nghỉ không lương chỉ giữ lại những nhân lực trụ cột để duy trì hoạt động ít ỏi đang có. Điều cần làm nhất cho du khách lúc này của công ty chúng tôi là xúc tiến quảng bá, tạo gói sản phẩm kích cầu, đẩy mạnh thông điệp “Live fully in Vietnam - Sống trọn vẹn ở Việt Nam” tới du khách trong và ngoài nước”. Cũng theo ông Linh, giá dầu hiện tăng đến 43,69% kéo theo giá các dịch vụ đều tăng, là khó khăn rất lớn của các doanh nghiệp hiện tại. Ông Linh lo lắng các dịch vụ nhà hàng, khách sạn, resort cũng mới mở lại nên đứt gãy nguồn nhân lực, khiến các dịch vụ kém chuẩn, kém chuyên nghiệp; việc báo giá kích cầu và đa dạng sản phẩm cũng gặp vấn đề lớn chưa từng có bởi các điểm, các resort, nhà hàng có nơi còn chưa mở lại. Việc tăng giá, thay đổi giá khiến việc cập nhật vô cùng khó khăn, làm cho việc báo giá kích cầu trở thành vô nghĩa, doanh nghiệp rơi vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, thậm chí có sản phẩm còn khiến doanh nghiệp chịu lỗ.
“Có một điều tôi coi là thuận lợi, đó là việc Bộ VHTTDL cùng TCDL đã làm rất tốt để việc mở cửa đón du khách quốc tế được diễn ra thuận lợi. Cùng với đó thì Bộ Y tế cũng kịp thời ra quy định và hướng dẫn cụ thể cho ngành du lịch không bị vướng chân. Dù vậy, cũng phải nói rõ, phải sang tháng sau hoặc 2-5 tháng nữa mới đón được khách quốc tế đến Việt Nam”. - Ông Nguyễn Viết Linh nói.
Tình hình khả quan nhất có lẽ phải kể đến “ông lớn” Vietravel. Bên cạnh việc đã triển khai loạt sản phẩm mang tính liên kết “5 xanh” gồm thẻ thông hành xanh, doanh nghiệp xanh, hành lang xanh, điểm đến xanh và dịch vụ xanh, Vietravel tiếp tục đẩy mạnh việc gia tăng tính an toàn, tăng cường khảo sát, xây dựng các bộ sản phẩm mới hơn nữa. Vietravel đang nâng cấp, tung các sản phẩm mới dành cho nhiều độ tuổi khác nhau; giới thiệu sản phẩm du lịch liên kết 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang; sáng tạo đưa vào khai thác sản phẩm trekking hang động ở Quảng Bình dành riêng cho giới trẻ…; từng bước khôi phục việc đưa khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài với kỳ vọng loại hình này sẽ khởi sắc vào khoảng giai đoạn hè 2022. Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy nhận định: “Để các việc triển khai đón khách quốc tế được thuận lợi, nhanh chóng hơn, Chính phủ cùng các cơ quan ban, ngành nên công bố sớm nhất kế hoạch xây dựng các chính sách kích cầu, các chiến dịch tiếp thị truyền thông đến các thị trường trọng điểm và kiểm soát dịch tốt. Đặc biệt, việc tăng cường tần suất các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đến Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi về các thủ tục xuất nhập cảnh Việt Nam là hết sức quan trọng”.
Phước Hà