Bối cảnh du lịch thế giới và Việt Nam trong đại dịch COVID-19
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của COVID-19, ngành Du lịch thế giới đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Năm 2020, phần lớn các quốc gia trên thế giới dừng đón khách du lịch quốc tế. Ngành Du lịch chỉ duy trì hoạt động du lịch nội địa hoặc tại một số địa phương ít bị ảnh hưởng hoặc kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch. Theo ước tính của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trước đại dịch, ngành công nghiệp không khói toàn cầu mang lại 8.000 tỷ USD, chiếm 10,4% GDP và 10,6% tổng số lao động toàn cầu; với lượng khách du lịch quốc tế đạt trên 1,5 tỷ lượt, chi tiêu của khách du lịch quốc tế đạt 1.700 tỷ USD. Đến năm 2020, sự sụt giảm trong du lịch quốc tế khiến cho ngành “xuất khẩu tại chỗ” này thiệt hại khoảng 1.300 tỷ USD, mức thiệt hại lớn gấp 11 lần mà ngành Du lịch đã trải qua trong cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2009.
Năm 2021, UNWTO dự báo ngành Du lịch thế giới tiếp tục sụt giảm khoảng 75% so với năm 2019 và doanh thu từ du lịch mất đi khoảng 2.000 tỷ USD, trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn sụt giảm lớn nhất, giảm 95% so với năm 2019. Đến tháng 12/2021, trên toàn thế giới vẫn còn 46 quốc gia đóng cửa hoàn toàn đối với khách du lịch quốc tế, 55 quốc gia mở cửa một phần.
Đối với Việt Nam, năm 2021 là năm khó khăn hơn cho ngành Du lịch, cả về du lịch quốc tế lẫn du lịch nội địa. Đối với du lịch quốc tế, nếu như hết quý 1/2020 Du lịch Việt Nam vẫn đón được khoảng 3,7 triệu lượt khách du lịch quốc tế thì đến năm 2021, hoạt động du lịch quốc tế ngưng trệ hoàn toàn đến thời điểm Việt Nam bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ giữa tháng 11/2021. Hoạt động du lịch nội địa cũng sụt giảm hơn nhiều so với năm 2020 do đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ cuối tháng 4/2021. Nhiều doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhiều địa phương, điểm đến đến nay vẫn đóng cửa hoặc hạn chế đón khách du lịch. Ngày 11/10/2021, Chính phủ có Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” (Nghị quyết 128), hoạt động du lịch nội địa bắt đầu được một số địa phương xúc tiến trở lại nhưng đi kèm với các quy định chặt chẽ về phòng chống dịch.
Một số xu hướng du lịch thế giới năm 2022
Thứ nhất, về đi lại quốc tế: Năm 2021 vắc xin COVID-19 đã được tiêm phủ ở hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới. Nhiều quốc gia đã bắt đầu mở cửa trở lại một phần hoặc toàn bộ hoạt động du lịch quốc tế đi kèm với các quy định an toàn về phòng chống dịch như hộ chiếu vắc xin, xét nghiệm trước khi nhập cảnh. Năm 2022, hoạt động du lịch và hàng không quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục được khôi phục dần ở nhiều quốc gia. Nhiều quốc gia đã lên kế hoạch nới lỏng và mở cửa rộng hơn đối với hoạt động du lịch quốc tế. Nhiều hội chợ và sự kiện du lịch quốc tế lớn đã lên kế hoạch tổ chức trực tiếp trở lại trong năm 2022. Tuy nhiên, theo UNWTO thì các quy định liên quan đến việc xét nghiệm, hộ chiếu vắc xin và việc đi lại giữa các nước vẫn bị hạn chế, đặc biệt sự xuất hiện của biến chủng Omicron gần đây đã khiến không ít quốc gia thận trọng hơn trong chính sách mở cửa du lịch và hàng không quốc tế để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách.
Thứ hai, về sản phẩm du lịch: Năm 2022, cùng với xu hướng tăng lên về nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng, du lịch xanh, du lịch sinh thái, sự tăng lên về nhu cầu du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc sức khỏe cũng sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Các cơ quan y tế trong và ngoài nước đến nay đã ghi nhận khoảng 200 di chứng khác nhau mà người mắc COVID-19 có thể gặp phải, phổ biến là các di chứng liên quan đến phổi, hô hấp như đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, mỏi mệt, chóng mặt, đau đầu cùng nhiều di chứng về tâm lý khác. Đặc biệt, kể cả những người chưa bị mắc COVID-19 cũng có thể có những ảnh hưởng về tâm lý sau đại dịch. Theo GlobalData, năm 2019, thế giới có khoảng 14 triệu lượt khách du lịch quốc tế đi theo các chương trình du lịch chữa bệnh (đây là thị trường khách du lịch có tốc độ phục hồi nhanh nhất) và thị trường này có thể phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2022 với số lượng người đi du lịch chữa bệnh bằng năm 2019. Ngay từ tháng 11/2021, một số quốc gia trên thế giới đã xúc tiến quảng bá các sản phẩm du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cùng với quá trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế như Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ…
Thứ ba, về hành vi tiêu dùng của khách du lịch: Do ảnh hưởng của đại dịch nên khách du lịch có xu hướng lựa chọn các điểm đến du lịch an toàn, du lịch xanh, du lịch sinh thái và các điểm nghỉ dưỡng cách biệt. Nhận thức của khách du lịch về hành vi du lịch có trách nhiệm được nâng cao, ý thức về bảo vệ môi trường đang thúc đẩy du khách lựa chọn các điểm đến, các sản phẩm du lịch ít có tác động tiêu cực lên hệ sinh thái hơn. Do đó, các điểm đến gần với thiên nhiên, các điểm đến ngoài trời thường được khách du lịch lựa chọn nhiều hơn. Bên cạnh đó, xu hướng du lịch đến các điểm đến gần, đi theo nhóm nhỏ hoặc nhóm gia đình tiếp tục là lựa chọn của nhiều khách du lịch trong năm 2022. Theo nghiên cứu mới đây của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), 80% khách du lịch đặt phòng và dịch vụ du lịch trong vòng 2 tuần trước chuyến đi, ngắn hơn nhiều so với trung bình 36 ngày trước chuyến đi ở thời điểm năm 2019. Xu hướng staycation là xu hướng được ưa chuộng trong năm 2021 và sẽ tiếp tục phổ biến trong năm 2022. Đối với các chuyến đi tới các điểm đến xa, khách thường có nhu cầu nghỉ dưỡng nên có xu hướng lựa chọn ít điểm hơn trong một chuyến đi và thời gian lưu trú cũng dài hơn tại một điểm đến.
Thứ tư, xu hướng về việc tận dụng nhiều hơn các lợi thế của công nghệ thông tin trong kinh doanh và quản lý du lịch: Trong những năm vừa qua, du lịch là một trong những ngành có sự phát triển phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ thông tin nhiều nhất. Nhiều ứng dụng đã được sử dụng để quảng bá và bán sản phẩm du lịch, tăng trải nghiệm của khách du lịch đối với các sản phẩm, dịch vụ và điểm đến du lịch như công nghệ thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR)… Trong bối cảnh COVID-19, các công nghệ này càng được các doanh nghiệp du lịch sử dụng nhiều hơn để thúc đẩy nhu cầu và tạo điều kiện cho việc đi lại an toàn cũng như tổ chức và bán các tour livestream trực tuyến cho khách trải nghiệm điểm đến cách xa hàng ngàn kilomet. Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI), Robot, các dịch vụ không chạm (Touchless Services) cũng được sử dụng triệt để trong việc quản lý và phục vụ khách hàng của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý du lịch cũng đang tận dụng các ưu thế của công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý du lịch, tạo ra các ứng dụng di động về du lịch an toàn, về hộ chiếu vắc xin điện tử... Về phía khách du lịch, theo thống kê của Roller Software, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ du lịch, tỷ lệ đặt dịch vụ trực tuyến của khách du lịch tăng vọt trong thời gian đại dịch COVID-19 vừa qua: khu vực Bắc Mỹ là 90%, khu vực châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương lên đến 130%. Lợi nhuận trên đầu khách đặt dịch vụ trực tuyến các doanh nghiệp thu được cũng tăng khoảng 10 - 15% so với khách đặt trực tiếp tại đại lý.
Triển vọng du lịch Việt Nam trong năm 2022
Trước bối cảnh và các xu hướng phát triển của du lịch thế giới nêu trên, sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2022 cũng vẫn sẽ bị chi phối và tác động của các yếu tố liên quan đến dịch COVID-19 như kiểm dịch, xét nghiệm, đặc biệt là biến chủng mới Omicron vẫn chưa xác định được mức độ nguy hiểm. Tuy nhiên, với chủ trương sống chung và thích ứng với bệnh dịch một cách có kiểm soát như hiện nay, hoạt động du lịch tại Việt Nam vẫn có thể thấy nhiều điểm sáng và khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2022.
Một là, hoạt động du lịch nội địa tại nhiều địa phương đang dần được phục hồi cùng với các quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát bệnh dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế. Việc di chuyển nội địa cũng đang trở lên thuận tiện hơn với việc tăng cường các chuyến bay giữa các thành phố, các điểm đến trong nước từ đầu tháng 12/2021. Các ngành kinh tế, sản xuất và dịch vụ cơ bản hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện cho hoạt động du lịch dần được khôi phục, đặc biệt là các hoạt động du lịch nội tỉnh hoặc đến các điểm đến kiểm soát tốt bệnh dịch và có khả năng tiếp cận dễ dàng
Hai là, triển vọng mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế ngày càng trở nên sáng rõ hơn khi Chính phủ đồng ý cho phép đón khách du lịch quốc tế đến 5 địa phương từ tháng 11/2021 (Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh) cùng với chủ trương dần khôi phục lại các đường bay thương mại quốc tế từ cuối năm 2021. Đây l�� chủ trương đúng đắn nhằm khơi thông lại các thị trường nguồn khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực đã và đang có những động thái mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế như Thái Lan, Ấn Độ, Singapore và một số nước Tây Âu khác. Ngành Du lịch Việt Nam hy vọng có thể mở cửa hoàn toàn, đón khách du lịch theo các chuyến bay thương mại đến tất cả các điểm đến trong nước từ tháng 6/2022.
Ba là, về phát triển sản phẩm du lịch, ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là những sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh chung sống cùng dịch bệnh thì Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mới hoặc đẩy mạnh phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau COVID-19 sử dụng các dược liệu, các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc. Đây là những sản phẩm du lịch có triển vọng phát triển, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch cả trong nước và quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển du lịch trên thế giới trong thời gian tới.
Bốn là, triển vọng chuyển đổi số trong ngành Du lịch. Chuyển đổi số là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số, phát triển du lịch tại Việt Nam và đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thích ứng với đại dịch. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là căn cứ và điều kiện quan trọng để năm 2022 ngành Du lịch Việt Nam tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ nhằm phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch. Việc số hóa các dịch vụ du lịch cũng như phát triển các dịch vụ không chạm, không tiếp xúc sẽ mang lại cơ hội đi du lịch nhiều hơn cho người dân cũng như du khách quốc tế đến Việt Nam.
Năm là, nguồn lực cho việc phục hồi và phát triển du lịch bao gồm các nguồn ngân sách, nguồn đầu tư đến từ Chính phủ và các doanh nghiệp du lịch. Trong năm 2022, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch dự kiến được cấp kinh phí hoạt động chính thức sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm và xúc tiến du lịch trong cũng như ngoài nước. Bên cạnh đó, các gói kích thích, phục hồi kinh tế của Chính phủ cũng tiếp tục được trình Quốc hội thông qua và dự kiến triển khai sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong đó có du lịch trong năm 2022 và các năm tiếp theo. Ở phạm vi doanh nghiệp, các doanh nghiệp du lịch cũng đang tập trung chỉnh trang lại cơ sở vật chất, nguồn lực để chuẩn bị cho một giai đoạn phục hồi và phát triển mới.
Nhìn chung, xu hướng và triển vọng phục hồi của du lịch thế giới và Việt Nam trong năm 2022 là rõ nét trong bối cảnh vắc xin COVID-19 đang tiếp tục được tiêm phủ cũng như nhận thức về việc sống chung với virus corona ngày càng được các quốc gia trên thế giới ghi nhận và thể hiện qua các chính sách cụ thể.
Tài liệu tham khảo:
1. https://news.un.org/en/story/2021/11/1106712
2. https://www.unwto.org/news/global-tourism-sees-upturn-in-q3-but-recovery-remains-fragile
3. https://www.medicaldevice-network.com/comment/medical-tourism-recover-covid-19/
4. https://www.hlb.global/the-current-state-of-global-tourism-and-factors-shaping-the-industryin-2022-and-beyond/
5. https://www.roller.software/blog/rise-of-online-bookings
TS. Vũ Nam
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)