Đại dịch đã và sẽ làm thay đổi nhiều xu hướng tiêu dùng du lịch, có thể kể đến như:
Xu hướng “không chạm”/ hạn chế tiếp xúc: Các nhu cầu và yêu cầu hạn chế tiếp xúc, sự e ngại của thị trường, cộng thêm xu hướng phát triển và thích ứng nhanh của ứng dụng công nghệ đang dẫn dắt đến xu hướng tiêu dùng “không chạm”. Xu hướng và nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ theo hướng ít tiếp xúc này khiến chúng ta phải tư duy lại rất nhiều về cách xây dựng sản phẩm du lịch trong tương lai cũng như việc thay đổi, cơ cấu lại nguồn nhân lực du lịch.
Xu hướng cá nhân hóa dịch vụ: Xu hướng này đã dần hình thành từ một số năm trở lại đây trong nhiều phân đoạn thị trường, nhưng với tác động của đại dịch thì nó đã hình thành rõ rệt ở phạmvi rộng hơn. Trước đây, xu hướng cá nhân hóa đã có nhu cầu cung cấp các sản phẩm du lịch tailor made (tour riêng biệt thiết kế riêng) hoặc là à la carte (đáp ứng theo yêu cầu), thì nay xu hướng cá nhân hóa không chỉ là đảm bảo vừa vặn nhu cầu, sở thích riêng mà còn là để đảm bảo sự yên tâm, an toàn, riêng tư, nhu cầu “đi trốn” của du khách.
Xu hướng đi theo đoàn nhỏ, không tham gia các đoàn du lịch lớn: Không chỉ xuất phát từ sự e dè tiếp xúc với đám đông do dịch bệnh mà sau một khoảng thời gian quá dài của sự yên tĩnh, thị trường sẽ dần hình thành thói quen e ngại với đám đông. Đây cũng có thể là điều tích cực để thay đổi xu hướng của du lịch đại trà. Nghiên cứu của PATA (2020) chỉ ra, 73,2% khách du lịch được hỏi có xu hướng này.
Xu hướng đi du lịch gần, “du lịch tại chỗ” (staycation): Sau một thời gian dài không đi du lịch xa cùng với những bất an về tâm lý do dịch bệnh kéo dài, khách du lịch sẽ mong muốn đi tới các điểm du lịch gần hơn là chọn các điểm đến xa. Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO (2020) cũng cho rằng đây sẽ là xu hướng của những năm đầu sau đại dịch. Tuy nhiên, cho đến khi tâm lý khách du lịch được ổn định và thoải mái thì xu hướng này có thể còn kéo dài khá lâu.
Xu hướng du lịch cuối tuần: Cùng với việc đi du lịch gần, cá nhân hóa nhu cầu thì xu hướng du lịch cuối tuần cũng hình thành. Theo đó, các sản phẩm, dịch vụ ở các vùng ven đô, các khu đô thị vệ tinh sẽ được tìm kiếm nhiều hơn.
Xu hướng tới những vùng thiên nhiên hoang sơ: Đây cũng là xu hướng xuất phát từ nhu cầu “đi trốn”, nhu cầu cá nhân hóa và tránh các địa điểm du lịch đại trà, tập trung đông.
Xu hướng quan tâm hơn đến chăm sóc sức khỏe: Khách du lịch sẽ chú ý hơn đến những tiêu chí tiêu dùng gắn với bảo vệ sức khỏe, đến các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe hoặc gắn với các điều kiện chăm sóc sức khỏe.
Xu hướng khắt khe hơn trong yêu cầu dịch vụ: Từ nỗi e dè từ đại dịch, khách du lịch cũng sẽ có xu hướng khắt khe hơn trong kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn, đảm bảo dịch vụ.
Xu hướng “sống gấp” hoặc “sống chậm”: Đại dịch khiến người ta tư duy và chuyển các thói quen tiêu dùng theo cả hai xu hướng: xu hướng “sống gấp” theo cách cần trải nghiệm, tận hưởng thật nhiều, thật nhanh và xu hướng “sống chậm” theo chiều sâu, không dàn trải, tránh xô bồ. Bên cạnh đó, xu hướng của dịch vụ, tiện ích liên quan cũng thay đổi:
Xu hướng số hóa gia tăng: Các hình thức đặt dịch vụ, thanh toán trực tuyến trở thành phổ biến. Trong một khoảng thời gian ngắn, các dịch vụ, tiện ích phải nhanh chóng được triển khai đáp ứng yêu cầu giãn cách xã hội và đã được xã hội đón nhận.
Xu hướng gia tăng các loại tiện ích: Tiện ích ngân hàng như ví điện tử trở thành thông dụng, tiện ích thẻ điện tử, quét mã QR làm thay đổi phương thức tiêu dùng.
Thay đổi sản phẩm, dịch vụ, cách thức phân phối của các bên cung ứng: Thay đổi trong các kênh phân phối, vận chuyển hàng hóa, sản phẩm; tăng cường ứng dụng công nghệ; tăng cường các hình thức của kinh tế chia sẻ…
Những biến động trong xu thế cầu và cung này tác động rất lớn đến khả năng tồn tại của các doanh nghiệp. Để thích ứng, hồi phục và đáp ứng được ngay sau khi đại dịch đi qua thì các điểm đến, doanh nghiệp đều cần hiểu rõ được thị trường, tìm kiếm thu hút các thị trường dễ khôi phục để tạo thuận lợi tốt nhất cho thị trường, duy trì năng lực và duy trì được định vị thương hiệu, tập trung cho tư duy về tái cấu trúc mô hình kinh doanh, đổi mới sản phẩm phù hợp với xu thế nhu cầu mới của thị trường. Đây cũng là những khuyến nghị của Ngân hàng thế giới (2021). Đồng thời, Ngân hàng thế giới cũng khuyến nghị việc cần tập trung vào các tiêu chuẩn về sức khỏe và vệ sinh; đầu tư vào sự đổi mới và các công nghệ gắn với phân phối, tiếp cận thị trường; ưu tiên thị trường nội địa và thị trường gần; chú trọng các hình thức phát triển du lịch bền vững để phù hợp với yêu cầu của thị trường trong giai đoạn tới.
Trong tất cả những khuyến nghị đó, khâu khó khăn nhất chính là tư duy, phương thức chuyển mình, nghiên cứu, điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường mới để có thể nhanh chóng khôi phục, bắt kịp được xu thế cạnh tranh. Sau đây là một số giải pháp mà các điểm đến, doanh nghiệp có thể nghiên cứu để tái cấu trúc mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ của mình:
Áp dụng hình thức tự check-in tại các cơ sở lưu trú. Nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đã áp dụng từ nhiều năm nay hình thức tự check-in cả với các khách sạn lớn để giảm bớt thời gian check-in cho du khách. Hình thức này trong bối cảnh hiện nay rất phù hợp vì giúp hạn chế tiếp xúc, thuận tiện và cá nhân hóa. Từ các khách sạn lớn tới từng phòng trọ homestay đều có thể áp dụng.
Đẩy mạnh áp dụng công nghệ và tự động hóa ở nhiều khâu của dịch vụ như lựa chọn món ăn trong nhà hàng trên màn hình tại bàn, sử dụng băng chuyền để phục vụ món ăn; lựa chọn dịch vụ thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe qua các màn hình quầy dịch vụ; lựa chọn mua sắm qua các hình thức thực tế ảo, mô phỏng; tăng cường các máy bán hàng tự động cho nhiều mặt hàng hơn...
Các khách sạn lớn, resort cần nghiên cứu đầu tư sử dụng robot để đón tiếp, chăm sóc khách du lịch. Việc áp dụng các robot thân thiện này đã được Nhật Bản áp dụng tại nhiều khách sạn, resort, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng từ chục năm nay. Các bạn robot thân thiện này có thể sử dụng hơn 40 ngôn ngữ khác nhau để giao tiếp với khách nước ngoài.
Đối với các dịch vụ du lịch MICE cũng cần tính đến việc thay đổi phương thức tổ chức. Trong bối cảnh đại dịch, các hình thức hội họp trực tuyến đã là hình thức bắt buộc và dần trở thành quen thuộc, từ đó cũng dẫn đến những tiện lợi nhiều người lựa chọn. Sau này, có thể tính đến nhiều gói dịch vụ sự kiện sáng tạo kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, từ hội họp đến các sự kiện giải trí lớn.
Cùng với xu hướng sử dụng các dịch vụ trực tuyến kèm theo các tiện ích công nghệ ngày càng phát triển, có thể nghiên cứu đưa ra các hình thức tour tương tác đa chiều, đa không gian trong cùng một thời gian thực để vừa tạo sức hấp dẫn, sáng tạo, vừa tránh việc di chuyển và tụ tập.
Đồng thời, có thể phát triển các hình thức du lịch thực tế kết hợp hình thức trải nghiệm thực tế ảo. Ví dụ, những khách du lịch không muốn tham gia lặn biển thì có thể trải nghiệm thám hiểm đáy biển bằng cách thả nổi trên mặt nước, đeo thiết bị công nghệ trải nghiệm thực tế ảo có chứa đầy đủ hình ảnh thật dưới đáy biển, hay thám hiểm hang động.
Với yêu cầu cá nhân hóa dịch vụ và tránh tiếp xúc, hạn chế tham gia các đoàn khách lớn cũng cần tính đến các tour nhỏ lẻ hơn. Tại các cơ sở lưu trú cần tính toán thời điểm phục vụ từng đoàn khách, có hướng dẫn luồng đi lại để khách có được cảm giác thoải mái và cá nhân hóa nhất. Đồng thời, cần tính toán đến các tour với các hoạt động trải nghiệm mang tính cá nhân hóa.
Để đáp ứng xu hướng gần gũi với thiên nhiên, tránh tiếp xúc, tránh xa các đám đông thì các hình thức du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại/cắm trại sẽ được quan tâm, ưa chuộng. Theo đó, khách du lịch có thể tự tới khám phá các vùng đất còn khá hoang sơ. Vì vậy, các địa phương cần chú trọng đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ, hệ thống biển báo, thiết bị vệ sinh…tại các địa điểm mới (trong bán kính 150km của các trung tâm đô thị). Tại các khu, điểm du lịch, cần có những biện pháp để kiểm soát và điều tiết số lượng du khách, tránh sự tập trung lượng khách ồ ạt ở các khu, điểm du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch cần thay đổi mô hình sản phẩm du lịch theo hướng đón các nhóm nhỏ, thúc đẩy các sản phẩm du lịch sinh thái đúng nghĩa. Ngay cả với các sản phẩm lễ hội, tâm linh cũng cần có các hình thức thiết kể sản phẩm để giảm tải sự tập trung vào một thời điểm, một địa điểm bằng cách kết nối các dịch vụ, hoạt động du lịch bổ trợ làm thay đổi hướng tuyến.
Về xu hướng du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe, cần chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng gắn với chăm sóc sức khỏe như du lịch thiền, du lịch tìm hiểu thực dưỡng, du lịch suối khoáng nóng, trong đó chú trọng hơn đến các sản phẩm phù hợp với yêu cầu, sở thích cá nhân hóa.
Như vậy, với những xáo trộn mà đại dịch đang tạo ra, chúng ta cũng nhìn thấy những cơ hội cho sự thay đổi vượt bậc để tạo ra sự cạnh tranh và thay đổi trong sáng tạo sản phẩm. Chỉ có những hướng đi, cách làm mới, hiện đại nhưng hướng đến sự bền vững mới có thể nắm bắt cơ hội, tạo dựng lợi thế cạnh tranh và phục hồi.
TS. Đỗ Cẩm Thơ
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)