Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết: Bên cạnh những giá trị nổi bật của cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, cùng với những chính sách thu hút đầu tư nổi bật của tỉnh, hiện tại nhiều công trình hạ tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị tầm cỡ quốc tế tại Vĩnh Phúc đã được hình thành và phát triển như: Flamingo Đải Lải Resort, FLC Vĩnh Phúc Resort, Sông Hồng resort; khách sạn Dic Star, Westlake, hệ thống khách sạn - nhà hàng - sân golf của Công ty Lạc Hồng cùng các sân golf nổi tiếng như: Tam Đảo, Đầm Vạc, Thanh Lanh… Hệ thống cơ sở lưu trú của Vĩnh Phúc rất phong phú phục vụ tốt nhu cầu đa dạng của du khách. Tính đến 30/10/2021, trên địa bàn tỉnh có 517 cơ sở lưu trú du lịch với 8.697 buồng, 2.945 công nhân viên người lao động. Trong đó, có 4 khách sạn 5 sao; 01 khách sạn 4 sao; 08 khách sạn 3 sao; 48 khách sạn 2 sao; 21 khách sạn 1 sao và 435 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2009. Ngoài ra, Vĩnh Phúc được đánh giá có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức các sự kiện lớn tầm quốc gia, quốc tế như: Giải Bóng chuyền hạng A quốc gia - Cúp FLC năm 2021, Giải vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2021, giải vô địch MUAY toàn quốc năm 2020, Seagame 2022… Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành trong nước gặp gỡ, trao đổi, hợp tác đầu tư, kết nối phát triển du lịch; là cầu nối thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch Vĩnh Phúc giới thiệu sản phẩm, kết nối với các hãng lữ hành; là cơ hội để Vĩnh Phúc tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch. Việc đẩy mạnh sản phẩm du lịch MICE sẽ góp phần hoàn thiện các sản phẩm du lịch Vĩnh Phúc, đồng thời là cơ thể để Vĩnh Phúc hướng tới mục tiêu đón 10 triệu khách du lịch trong thời gian tới.
Theo bà Trần thị Minh Lợi – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc, hiện tại việc thu hút khách du lịch MICE đến Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh, trong đó nguyên nhân chủ yếu là việc phát triển du lịch MICE của địa phương còn mang tính tự phát; chưa có mô hình chuyên hoạt động MICE, nhà tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên nghiệp và các công ty cung cấp các dịch vụ đa tính năng... Đề xuất cho những giải pháp đẩy mạnh phát triển sản phẩm Du lịch MICE, bà Lợi cho rằng Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng và chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch MICE; có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các khách sạn có quy mô lớn tại Vĩnh Phúc; tăng cường công tác quảng bá tiếp thị du lịch trong đó xây dựng Kế hoạch quảng bá đồng bộ từ cơ quan chức năng của tỉnh, tới doanh nghiệp để thúc đẩy Vĩnh Phúc là một điểm đến hấp dẫn cho du lịch MICE phát triển cho từng giai đoạn cụ thể.
Hiến kế cho du lịch Vĩnh Phúc, Giám đốc Sun Vina Travel Tạ Hữu Chiến cho rằng, hiện nay vấn đề nóng đang được cả xã hội và thế giới quan tâm đó chính là hồi phục sức khỏe hậu COVID-19. Vĩnh Phúc nên kịp thời nắm bắt xu hướng và tâm lý của du khách để đẩy mạnh sản phẩm này. Đây cũng là nhu cầu mà các đoàn khách MICE đặc biệt quan tâm và kết hợp sử dụng trong thời gian tới.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Trương Quốc Hùng cam kết sẽ luôn đồng hành với Du lịch Vĩnh Phúc trong việc hỗ trợvận động các đơn vị lữ hành thành viên CLB đưa khách du lịch và đặc biệt là khách hội nghị, hội thảo đến với Vĩnh Phúc; phối hợp tuyên truyền các lợi thế du lịch Vĩnh Phúc với các địa phương để liên kết xây dựng các tour, tuyến mới... Theo ông Hùng, thời gian tới, ngành Du lịch Vĩnh Phúc cần đồng bộ các kế hoạch, phối hơp chặt chẽ với các hiệp hội, CLB, nhanh chóng có những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn để tận dụng thời điểm vàng Du lịch Việt Nam mở cửa thu hút khách du lịch.
Muốn đẩy mạnh phát triển du lịch MICE, theo Giáo sư Dương Văn Sáu, Vĩnh Phúc cần có kết nối sự kiện với các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội, bộ, ban, ngành… để trao đổi th��ng tin và xây dựng các kế hoạch tiếp thị sản phẩm sớm. Bên cạnh đó, cần có định hướng về nhu cầu đối với khách hàng.
Đại diện Tổng cục Du lịch, Vụ trưởng Vụ lữ hành, ông Nguyễn Quý Phương ghi nhận những nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh, phục hồi du lịch của Vĩnh Phúc và chia sẻ những kết quả chung của ngành Du lịch cả nước thông qua những giải thưởng du lịch quốc tế uy tín và những đánh giá cao về các điểm đến của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông nổi tiếng của thế giới. Theo ông Phương, việc Chính phủ quyết định cho phép mở cửa lại toàn bộ các hoạt động du lịch của Việt Nam tại thời điểm này là vô cùng ý nghĩa và kịp thời. Đối với Vĩnh Phúc, để đạt được những kế hoạch đặt ra, việc đưa ra những sản phẩm cạnh tranh và đẩy mạnh truyền thông là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cần có những phương án xử lý đối với mọi tình huống và sự cố phát sinh nếu có nhằm đảm bảo sự an toàn và tạo dựng sự an tâm đối với du khách; tăng cường các hoạt động du lịch; làm mới các sản phẩm cũ, xây dựng sản phẩm mới hấp dẫn, tăng cường trải nghiệm cho du khách; cần có những chính sách ưu đãi cho người lao động trong ngành Du lịch tỉnh và đội ngũ hướng dẫn viên... Tổng cục Du lịch luôn đồng hành và sẵn sàng phối hợp với địa phương trong công tác tuyên truyền quảng bá; chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác quản lý du lịch…
Trong khuôn khổ chương trình tọa đàm, đại diện các đơn vị cung cấp dịch vụ, lưu trú tại Vĩnh Phúc đã có những phát biểu đóng góp trong việc đẩy mạnh Du lịch MICE tại Vĩnh Phúc và cung cấp các thông tin, chương trình ưu đãi tới đoàn khảo sát.
Phương Nhi