Khai thác tiềm năng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Nằm ở trung tâm của vòng cung Tây Bắc, có cảnh quan tự nhiên đa dạng, văn hóa tộc người đặc sắc, phong phú, hội tụ những điều kiện thuận lợi cả về tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên, đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Lào Cai đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch thể thao và du lịch mạo hiểm.
Nằm trên tuyến hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Lào Cai đóng vai trò “cửa ngõ”, “cầu nối” của Việt Nam với các nước ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.
Lào Cai có khí hậu nhiệt đới, á nhiệt đới, mát mẻ quanh năm, trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng (Sa Pa thành phố trong sương; cao nguyên trắng Bắc Hà; Bát Xát;...); là lợi thế cho Lào Cai phát triển các loại nông sản, dược liệu, cây ăn quả đặc sản xứ lạnh phục vụ đắc lực cho ngành Du lịch.
Các dân tộc vùng cao với bản sắc văn hóa truyền thống, như tập quán canh tác (ruộng bậc thang), bản làng, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, ẩm thực, lễ hội truyền thống, chợ phiên vùng cao, tôn giáo, tín ngưỡng,… là sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn khách du lịch đến Lào Cai, đặc biệt là khách du lịch quốc tế.
Bên cạnh đó, Lào Cai khá phong phú về các di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ: có 54 di tích được xếp hạng, trong đó có 22 di tích được xếp hạng là di tích cấp quốc gia, 32 di tích được xếp hạng là di tích cấp tỉnh; đã phát hiện được 17 di chỉ văn hóa Đông Sơn; 33 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần phải bảo tồn (trong đó “Nghi lễ kéo co Tày, Giáy” và “Nghi lễ then Tày, Nùng Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).
Lào Cai hiện có 1.545 cơ sở lưu trú với khoảng 15.526 phòng; 36 khu, điểm du lịch, trong đó 01 khu du lịch quốc gia Sa Pa, 02 khu du lịch cấp tỉnh (Khu du lịch thành phố Lào Cai và Khu du lịch Bắc Hà), 33 điểm du lịch; khoảng 2.436 cơ sở gồm (dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch).
Giai đoạn vừa qua, Du lịch Lào Cai đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá” của tỉnh, Lào Cai là địa phương dẫn đầu khu vực Tây Bắc về thu hút đầu tư, lượng khách du lịch và nguồn thu từ hoạt động du lịch. Giai đoạn 2015 - 2019 du lịch Lào Cai đạt tốc độ tăng trưởng cao, với mức tăng trưởng bình quân khách du lịch đạt 22,6%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 44,2%/năm.
Lào Cai đã thu hút trên 40 dự án đầu tư quy mô lớn vào hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp của các tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào Lào Cai, với tổng nguồn vốn thu hút đầu tư toàn xã hội về du lịch đạt trên 50.000 tỷ đồng (Tập đoàn Sungoups, Bitexco, Anphanam, Victoria, Aristo,...). Nhiều dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, Khu du lịch sinh thái, Du lịch cộng đồng chất lượng cao tiêu chuẩn quốc tế được du khách trong nước và quốc tế đón nhận như: Khu du lịch Cáp treo Sun World Fansipan Legend được tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế trao tặng giải thưởng “Điểm đến du lịch hấp dẫn nhất Việt Nam”; Khu sinh thái Topas; Khu du lịch cộng đồng Lá Dao; Sapa Jade Hill Resort,…
Đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng hiệu quả, bền vững
Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, Quyết định 316/QĐ-TTg 29/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế. Phát triển Khu du lịch quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế; xây dựng Y Tý (Bát Xát), Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc hướng tới trở thành khu du lịch quốc gia. Phát triển khu vực Bảo Hà (Bảo Yên) - Tân An (Văn Bàn) trở thành trung tâm du lịch văn hóa tín ngưỡng cấp vùng và quốc gia.”.
Chiến lược phát triển du lịch Lào Cai cũng đã xác định “Tầm nhìn”: Đến năm 2050 Lào Cai trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực gắn với bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vùng núi, nơi du khách sẽ có được những trải nghiệm khác biệt và đích thực vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình”. Những giá trị cốt lõi của “Tầm nhìn” này sẽ bao gồm: Điểm đến hàng đầu; Điểm đến du lịch xanh và thông minh; Trải nghiệm đích thực về thiên nhiên, văn hóa và con người: Phát triển bền vững và công bằng xã hội.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng. Do đó, liên kết du lịch là yêu cầu cũng là giải pháp để phát triển du lịch. Trong những năm qua, Lào Cai là “điểm sáng” ở khu vực Tây Bắc trong hoạt động liên kết du lịch. Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) được Lào Cai khởi xướng từ tháng 11/2008 (05 năm đầu Lào Cai là Trưởng nhóm, sau theo hình thức luôn phiên). Chương trình hợp tác trong xây dựng cơ chế, chính sách quản lý và phát triển du lịch địa phương; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; hợp tác phát triển nhân lực du lịch giữa 08 tỉnh). Hiện tại 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đang hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng; hợp tác song phương với các tỉnh khu vực Đông Bắc trong hành lang kinh tế: Côn Minh – Lào Cai – Hải Phòng – Quảng Ninh; hợp tác song phương với các địa phương: Hà Nội, Thái Bình, Lai Châu, Ninh Bình, Huế, Lâm Đồng,...; hợp tác Đồng Bắc - Tây Bắc; hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch.
Thời gian tới, Lào Cai sẽ đẩy mạnh phát huy những tiềm năng, thế mạnh vốn có; tiếp tục tìm tòi, xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc sắc. Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất du lịch, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường phát triển du lịch thông minh. Đặc biệt, Lào Cai cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch; tích cực tham gia các hội chợ, hội nghị, kết nối quảng bá du lịch tại các tỉnh, thành trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu, quảng bá du lịch, sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu doanh nghiệp để thu hút du khách. Từ đó, thúc đẩy ngành Du lịch phát triển hiệu quả, bền vững; vừa giúp tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.
Lễ kỷ niệm 120 năm Du lịch Sa Pa được long trọng tổ chức ngày 23/9 tại sân vận động thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai nhằm tôn vinh những giá trị bản sắc văn hóa, mang đậm tính nhân văn cao đẹp truyền thống của đồng bào các dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc và góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Lan Phương