Nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho quá trình chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch
Tham gia Diễn đàn Du lịch cấp cao có đồng chí Trần Hồng Hà - Phó Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia, Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch CHDCND Lào, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Du lịch châu Á Thái Bình Dương (PATA), các Tập đoàn Amadeus, Google, Traveloka, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty Cổ phần hàng không Vietjet, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel, cùng Lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Sở quản lý du lịch, Trung tâm Xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp du lịch cả nước.
Tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh
Phát biểu đề dẫn tại diễn đàn, Cục Trưởng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đại dịch COVID-19 đã tạo các xu hướng du lịch mới cho du lịch Việt Nam cũng như du lịch thế giới, trong đó có việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh và quản lý du lịch... Trong thời gian qua, đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh, ngành du lịch đã rất nỗ lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng linh hoạt và duy trì hoạt động. Nhiều sản phẩm du lịch thông minh đã ra đời, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Chính vì vậy, chuyển đổi số đang là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta với việc ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo. Tiêu biểu như Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có nêu rõ định hướng tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao trong đó có du lịch số.
Đặc biệt, Cục Trưởng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, tại các Hội nghị của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh, phương thức sống và làm việc của người dân, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia. Đồng thời, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đặt ra nhiệm vụ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng đến hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Theo đó, Cục Trưởng cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh mong muốn: “Với tinh thần đó, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh - ITE HCMC 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn du lịch cấp cao với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch” mong muốn nhận được những sự chia sẻ, góp ý của các chuyên gia, khách mời giúp quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch đạt hiệu quả góp phần thúc đẩy du lịch phát triển”.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, “Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến 2030” được TP. Hồ Chí Minh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.
Theo đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo ngành du du lịch triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, quảng bá du lịch như: vận hành ứng dụng phần mềm du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; triển khai Ứng dụng Công nghệ 3D; triển khai vận hành Cổng thông tin điện tử nhằm cung cấp, hỗ trợ các thông tin về du lịch, cũng như giúp du khách tương tác với chính quyền để phản ánh chất lượng, an ninh du lịch tại thành phố; cập nhật tài nguyên du lịch lên các nền tảng của Google; đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử; đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực; tích hợp thông tin dịch vụ du lịch, triển khai hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội; xây dựng ứng dụng OneApp cung cấp tất cả các thông tin và dịch vụ trực tuyến cho khách du lịch quốc tế đến thành phố; chuyển đổi số tại các khách sạn giới thiệu những sản phẩm công nghệ, những ứng dụng phần mềm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ngành khách sạn. Phối hợp với tổ chức xúc tiến du lịch tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương triển khai TPO Card và TPO Apps.
Để giúp quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch đạt hiệu quả, PGS. TS. Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch cần kết nối với các ngành liên quan, cụ thể: Cần sớm hình thành mạng lưới doanh nghiệp công nghệ số trong lĩnh vực du lịch (travel tech). Trong đó, các doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn dắt, hình thành hệ sinh thái du lịch; các doanh nghiệp công nghệ số tham gia tích cực vào các Hiệp hội, Hội liên quan đến du lịch để thúc đẩy chuyển đổi số ngành du lịch; ban hành các tiêu chuẩn, kỹ thuật kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu tức thời giữa các thành phần trong hệ sinh thái du lịch Travel Tech, hướng tới mang lại trải nghiệm du lịch toàn trình cho khách du lịch. Tất cả mọi thao tác đều được thực hiện qua một ứng dụng di động hợp nhất.
Đề cập đến vai trò của các nền tảng du lịch trong phát triển du lịch, bà Widyasari Lisyowulan – Phó Chủ tịch Quan hệ Chính phủ và chính sách công Traveloka đề xuất Chính phủ hỗ trợ môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và vai trò hợp tác của các nền tảng trong du lịch như: Hợp tác trong tiếp thị điểm đến; Thảo luận chính sách để thúc đẩy tăng trưởng du lịch với sự hỗ trợ của công nghệ; Giáo dục cộng đồng và các đối tượng nhiều hơn về công nghệ số trong lĩnh vực du lịch.
Những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm
Sau khi lắng nghe tiếp thu những chia sẻ và góp ý nêu trên từ các tham luận của chuyên gia, khách mời về vai trò của chuyển đổi số trong du lịch; Kinh nghiệm của về chuyển đổi số trong phát triển du lịch quốc tế; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực số phục vụ ngành du lịch; Vai trò của chương trình chuyển đổi số quốc gia trong kết nối du lịch và các ngành liên quan,… Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có nguồn lực, thời gian và các điều kiện cần thiết khác, song cũng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể. Quan điểm xuyên suốt là tập trung phát triển du lịch thông minh để nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; lấy khách du lịch làm trung tâm, thu hút ngày càng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam, thúc đẩy gia tăng khách du lịch nội địa; vừa là động lực, sức bật cho ngành Du lịch, vừa phát huy được những thành quả đã tạo dựng, vừa mở ra một không gian, tiềm năng mới cho ngành Du lịch phát triển xanh, hiệu quả, bền vững.
Để thực hiện được nhiệm vụ chuyển đổi số giúp thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: “Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về phát triển du lịch thông minh; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể, từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung phát triển một số nền tảng số căn bản của ngành Du lịch, hoàn thiện hệ thống thông tin số, dữ liệu số ngành Du lịch; phát triển các ứng dụng khai thác thông tin từ hệ thống dữ liệu du lịch nhằm hỗ trợ khách du lịch, hỗ trợ quản lý nhà nước về du lịch, quản lý điểm đến thông minh, quản lý doanh nghiệp thông minh; tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch kỹ thuật số; tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về du lịch thông minh, du lịch số và phát huy cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực số. Tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực”.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng mong muốn các doanh nghiệp du lịch cần đẩy nhanh việc đưa hoạt động kinh doanh lên môi trường số, thiết lập các kênh cung cấp dịch vụ số hiệu quả, nhất là thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến… Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng số dùng chung; chú trọng đầu tư cho nghiên cứu và phát triển.
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà mong muốn với vị trí, vai trò của mình trong nền kinh tế, du lịch thông minh, du lịch số phải là một trong những động lực chính của nền kinh tế số Việt Nam. Chính phủ mong muốn và hy vọng rằng du lịch sẽ thuộc nhóm ngành đi đầu về chuyển đổi số quốc gia, tạo sự phát triển mới cho ngành và mang lại cảm hứng cho cả đất nước về chuyển đổi số.
Với chủ đề “Chuyển đổi số thúc đẩy phát triển du lịch”, Diễn đàn năm nay đã tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, kết nối hợp tác, đề xuất các giải pháp sáng tạo, ý tưởng đem lại sự chuyển động mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi số du lịch; góp phần đẩy nhanh phục hồi, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, khách du lịch quốc tế trong tháng 8/2023 đón trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 17,2% so với tháng 7/2023. Đây là tháng đón lượng khách quốc tế cao nhất kể từ đầu năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt trên 7,8 triệu lượt, đạt 98% kế hoạch năm 2023. Khách nội địa: trong tháng 8/2023, đạt 9,5 triệu lượt khách, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có khoảng 6,3 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng số khách nội địa trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 86 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch 8 tháng năm 2023: ước đạt 482 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, nhu cầu tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng cao: Từ đầu năm 2023 đến nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10% đến 25%, xếp thứ 6 trên thế giới và là điểm đến duy nhất trong khu vực Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các điểm đến được du khách tìm kiếm nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Hà Nội, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu...
|
PHƯỚC QUANG – CAO PHƯƠNG