Giải pháp phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng
Để xây dựng và phát triển trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn, được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (Tripadvisor, Telegraph, Business insider...) đánh giá và bình chọn, Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng.
Ngay sau khi tái lập, tỉnh đã xây dựng và kiên trì, kiên định với định hướng, sứ mệnh, tầm nhìn phát triển du lịch và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch. Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước và khu vực; đồng thời, đã ban hành 4 Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn và bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.
Đến nay, nhiều sản phẩm du lịch đặc thù đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, trụ cột của tỉnh, góp phần tạo dựng thương hiệu Du lịch Ninh Bình. Theo kết quả khảo sát của Sở Du lịch Ninh Bình, cả hai nhóm khách du lịch nội địa (với 90% tổng số khách được hỏi) và khách du lịch quốc tế (88% tổng số khách được hỏi) đều có cùng quan điểm, lựa chọn khu du lịch sinh thái Tràng An gắn với thương hiệu du lịch của Ninh Bình, sau đó lần lượt là các khu, điểm du lịch: Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Cúc Phương... Hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm này gắn liền với hình ảnh, thương hiệu Du lịch Ninh Bình.
Xác định môi trường du lịch là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến, bởi chính sự ứng xử thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương, sự chuyên nghiệp của người lao động sẽ tạo nên những ấn tượng tốt đẹp, yêu mến và sự tin cậy của khách du lịch, Ninh Bình đã chỉ đạo tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa văn minh với khách du lịch, hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ di sản cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch; người lao động, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch…; đồng thời, xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch và Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2006, Ninh Bình đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng Du lịch Ninh Bình, đã chọn được biểu tượng (logo) hình núi Non Nước, được cách điệu hóa từ hai chữ Ninh Bình và tiêu đề (slogan) “Ninh Bình Non nước hữu tình”. Từ năm 2018 đến nay, du lịch Ninh Bình chuyển sang sử dụng biểu trưng của tỉnh được cách điệu hóa từ hình ảnh long sàng và cột đồng trụ đền vua Đinh Tiên Hoàng.
Công tác truyền thông quảng bá hình ảnh, thương hiệu luôn được Ninh Bình quan tâm, chú trọng thực hiện thông qua nhiều cách thức, phương tiện: báo chí, truyền hình, bộ phim, các nền tảng số, mạng xã hội, trang tin điện tử, tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức các chương trình xúc tiến, famtrip, presstrip đến tổ chức các sự kiện.
Xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình – Vấn đề đặt ra
Về nhận diện hình ảnh, thương hiệu: Ninh Bình chưa có bộ nhận diện hình ảnh thương hiệu du lịch mới một cách chuyên nghiệp. Theo kết quả điều tra, có 71,8% đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được phỏng vấn cho rằng hệ thống nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình chưa nổi bật, chưa thể hiện tính riêng có; 77% chưa biết đến biểu trưng logo du lịch của tỉnh. Việc không có bộ nhận diện hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, nhất quán đã làm giảm sự nhận biết của thương hiệu du lịch Ninh Bình trong môi trường cạnh tranh điểm đến trong nước và khu vực.
Về các sản phẩm du lịch đặc thù: Ninh Bình đang thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch, sản phẩm văn hóa có chất lượng, mang chiều sâu văn hóa, các dịch vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, nên hình ảnh thương hiệu mới chỉ gắn với thị trường khách phổ thông.
Do vậy, vấn đề đặt ra là cần xem xét một cách tổng thể về xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Từ việc xác định giá trị cốt lõi, giá trị thương hiệu du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế, tỉnh cần lựa chọn, tập trung vào những sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng… có lợi thế, mang đặc trưng riêng để xây dựng và phát triển thành các thương hiệu du lịch mạnh, từ đó thúc đẩy, tạo nên thương hiệu điểm đến du lịch của tỉnh.
Giải pháp phát triển thương hiệu Du lịch Ninh Bình
Một là, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhận diện hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình, trong đó cần lựa chọn một số sản phẩm du lịch đặc thù, tiêu biểu như khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động... Thương hiệu điểm đến du lịch không chỉ gồm biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan), hình ảnh đặc trưng, mà gồm các yếu tố truyền thông, quảng bá thương hiệu, hình ảnh, quan hệ công chúng, marketing...
Hai là, tập trung các nguồn lực để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu mạnh của tỉnh. Trước hết là khai thác các giá trị di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư và Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng và mang chiều sâu văn hóa. Đi đôi với việc này là xây dựng hình ảnh văn hoá con người Ninh Bình thân thiện, hiếu khách, khoan dung và văn minh… Bên cạnh đó, cũng cần khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, làng nghề thủ công truyền thống, các loại hình kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc, di sản tư liệu (văn bia núi Non Nước), các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phong phú của tỉnh để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo.
Ba là, cần tiếp tục có chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Trước hết, cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng mới, cao cấp từ 5 sao trở lên, đô thị dịch vụ… Tiếp đến là quan tâm phát triển hệ thống lưu trú sinh thái, homestay; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vui chơi giải trí, thể thao tổng hợp; các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đại, chất lượng cao… để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao.
Bốn là, cần xây dựng và triển khai một chiến lược hoặc kế hoạch truyền thông quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp, dài hạn, bài bản và nhất quán, từ việc nghiên cứu thị trường, tổ chức các hoạt động truyền thông nội bộ, xây dựng hình ảnh, thương hiệu ngay bên trong điểm đến (nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo môi trường du lịch an toàn, sự thân thiện và hiếu khách của người dân địa phương…) đến việc truyền thông quảng bá hình ảnh thương hiệu du lịch Ninh Bình tới các thị trường khách du lịch mục tiêu và tiềm năng (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng du lịch thông minh, hội chợ triển lãm du lịch, sự kiện lễ hội, tuần du lịch, chương trình roadshow, famtrip, presstrip, liên kết hợp tác phát triển du lịch…).
Việc xây dựng và phát triển thương hiệu là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, nỗ lực và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Do vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp để triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
TS Bùi Văn Mạnh
ThS. Phạm Thị Hồng Quyên