Du lịch có trách nhiệm và vai trò của doanh nghiệp
Phát triển du lịch bền vững từ lâu đã là một định hướng quan trọng, được quan tâm và thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới. Mục tiêu phát triển du lịch bền vững khá rõ ràng: để việc tiêu dùng và phát triển du lịch hiện tại không ảnh hưởng tới việc tiêu dùng của các thế hệ tương lai. Du lịch bền vững dựa trên cả ba trụ cột về kinh tế, xã hội và môi trường, để đảm bảo rằng các thế hệ con cháu chúng ta sẽ có được đầy đủ các giá trị mà du lịch đem lại như thế hệ cha ông được hưởng.
Cũng với mục tiêu phát triển bền vững, du lịch có trách nhiệm được xem là một thuật ngữ mang tính ứng dụng cao, tiếp cận trực tiếp và cụ thể các vấn đề trong phát triển du lịch bền vững. Xuất phát từ hành vi và trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đối với môi trường tự nhiên và xã hội, du lịch có trách nhiệm đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với các bên tham gia trong hoạt động du lịch. Theo đó, du lịch có trách nhiệm được xác định bởi:
- Giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế, môi trường và xã hội;
- Tạo ra lợi ích kinh tế lớn hơn cho người dân địa phương, tăng cường phúc lợi cho cộng đồng và cải thiện điều kiện làm việc và phát triển du lịch;
- Lôi cuốn sự tham gia của người dân địa phương trong việc ra quyết định có ảnh hưởng và thay đổi đời sống của họ;
- Đóng góp tích cực trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên, văn hóa và duy trì tính đa dạng của thế giới;
- Đem đến những trải nghiệm lý thú hơn cho khách du lịch thông qua những kết nối nhiều hơn và ý nghĩa hơn với người dân địa phương; hiểu biết về văn hóa, xã hội và môi trường nhiều hơn;
- Tạo khả năng tiêu dùng các dịch vụ du lịch cho những người thiệt thòi về thể chất;
- Tôn trọng những vấn đề về giới, văn hóa giữa người dân địa phương và khách du lịch; góp phần xây dựng niềm tự hào và t tin của người dân địa phương.
Với mục tiêu tạo ra những nơi tốt hơn để người dân sống và tới du lịch, du lịch có trách nhiệm đưa ra những viễn cảnh và chuẩn mực cụ thể và “thực tế” để khách du lịch, nhà kinh doanh du lịch, nhà quản lý và các bên liên quan khác định hướng hoạt động cũng như trong các hành động của mình. Qua đó, mối quan hệ hài hòa giữa hoạt động du lịch với các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội; giữa khách du lịch, người dân, doanh nghiệp, địa phương, thiên nhiên và văn hóa… được hình thành. Du lịch bền vững được tạo lập chính từ những hành động có trách nhiệm của tất cả các bên tham gia trong phát triển du lịch.
Khác với khái niệm “du lịch bền vững” mang tính phổ quát, không rõ ràng và dễ bị lạm dụng, du lịch có trách nhiệm chỉ ra những yêu cầu cụ thể mà ngành du lịch phải thực hiện xoay quanh ba khía cạnh về kinh tế, văn hóa và xã hội. Chính vì lẽ đó, du lịch có trách nhiệm được thúc đẩy trong những năm gần đây tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Trong phát triển du lịch có trách nhiệm, các doanh nghiệp du lịch đóng vai trò bản lề bởi các doanh nghiệp nằm ở vị trí trung tâm kết nối các bên trong hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp tác động trực tiếp hoặc gián tiếp qua các đối tượng khác tới việc thực hiện du lịch có trách nhiệm tại một điểm đến. Cách thức các doanh nghiệp du lịch khai thác các giá trị tự nhiên và nhân văn của điểm đến và biến nó thành các sản phẩm du lịch ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế - xã hội - môi trường của địa phương. Là người tổ chức cho khách du lịch đi du lịch, cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch ảnh hưởng đến cách thức trải nghiệm và hành vi tiêu dùng có trách nhiệm hay không của du khách.
Một điều đáng lưu ý là các bên tham gia hoạt động du lịch luôn có tác động, chi phối lẫn nhau, trong đó có việc thực hiện du lịch có trách nhiệm. Một doanh nghiệp du lịch kinh doanh tại nơi yêu cầu tính trách nhiệm cao với môi trường và xã hội sẽ phải điều chỉnh hoạt động của mình theo hướng đó. Khách du lịch có ý thức, có trách nhiệm môi trường, xã hội cao cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải có những sản phẩm và dịch vụ du lịch có trách nhiệm. Sự tương tác trong hoạt động du lịch giữa khách du lịch, cộng đồng địa phương, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trở thành những “lực kéo”, “lực đẩy” để các doanh nghiệp thực hiện du lịch có trách nhiệm.
Từ nhận thức tới thực hiện du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp
Quá trình thực hiện du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp không chỉ là một hoạt động nhất thời mà là cả một quá trình thay đổi từ nhận thức cho tới cách thức tổ chức kinh doanh tại doanh nghiệp. Quá trình này cũng không chỉ gắn với một giai đoạn, một chu kỳ kinh doanh mà gắn với doanh nghiệp trong dài hạn. Du lịch có trách nhiệm không phải là một chiến thuật kinh doanh, một công cụ nhất thời, một biện pháp tuyên truyền mà là một cách thức tiếp cận, một tầm nhìn của doanh nghiêp.
Quá trình thực hiện du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp bắt đầu từ nhận thức, đặc biệt của cấp quản lý cao nhất. Từ tầm nhìn của doanh nghiệp, hệ thống các chính sách được đưa ra thể hiện cam kết thực hiện du lịch có trách nhiệm. Sau khi được cụ thể hóa, các chính sách đó được phổ biến trong nội bộ công ty và giới thiệu với đối tác của doanh nghiệp để thực hiện. Quá trình phổ biến bao gồm nhiều hoạt động từ đào tạo, hội thảo, tổng kết, báo cáo tới các các hình thức tuyên truyền nội bộ. Từ đó, các hoạt động du lịch có trách nhiệm được thực hiện tại doanh nghiệp. Các kết quả ghi nhận thực tế hoạt động du lịch có trách nhiệm. Từ các kết quả, doanh nghiệp đánh giá hiệu quả thực hiện du lịch có trách nhiệm, tiếp tục hoàn thiện nhận thức và các chương trình hoạt động. Đây là quá trình phản hồi, kết thúc một chu trình thực hiện du lịch có trách nhiệm và cũng mở ra một chu trình thực hiện mới (hình 1).
Quy trình thực hiện du lịch có trách nhiệm

Nguồn: phát triển của tác giả
Có nhiều yếu tố tác động đến việc thực hiện du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp, từ những yếu tố bên ngoài tới những yếu tố bên trong nội bộ doanh nghiệp. Định hướng và mức độ phát triển của du lịch có trách nhiệm tại một quốc gia, một địa phương xác định mức độ phổ biến của thông tin, kiến thức, công cụ và mô hình du lịch có trách nhiệm. Những ràng buộc pháp lý, những yêu cầu của khách hàng và cộng đồng liên quan tới du lịch có trách nhiệm cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp. Trong khi đó, quy mô, lĩnh vực hoạt động, kinh nghiệm cũng như năng lực thực hiện du lịch có trách nhiệm trực tiếp chi phối khả năng nhận thức và thực hiện du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, tại mỗi giai đoạn thực hiện du lịch có trách nhiệm, những quan tâm và vấn đề của doanh nghiệp gặp phải cũng khác nhau (bảng 1).
Bảng 1: Các giai đoạn thực hiện du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp
TT
|
Giai đoạn
|
Câu hỏi
|
Vấn đề
|
1
|
Tầm nhìn
(Nhận thức)
|
Tại sao phải thực hiện du lịch có trách nhiệm?
|
Thông tin về du lịch có trách nhiệm, việc thực hiện; điều kiện, khó khăn, thuận lợi và lợi ích của việc thực hiện.
|
2
|
Cam kết
(Định hướng)
|
Du lịch có trách nhiệm ở đâu trong kinh doanh?
|
Định hướng hoạt động dài hạn của công ty, những ràng buộc nội bộ công ty, chi phí và lợi ích.
|
3
|
Phổ biến
(Tổ chức)
|
Triển khai du lịch có trách nhiệm thế nào?
|
Hiện trạng kinh doanh của doanh nghiệp; năng lực doanh nghiệp, năng lực về du lịch có trách nhiệm
|
4
|
Hành động
(Thực hiện)
|
Các hoạt động cụ thể gì?
|
Điều kiện kinh doanh và năng lực hoạt động của doanh nghiệp; quản lý, lợi ích và chi phí
|
5
|
Kết quả
(Đánh giá)
|
Tác động với môi trường, xã hội và doanh nghiệp thế nào?
|
Hệ thống báo cáo và đánh giá các hoạt động du lịch có trách nhiệm, mức độ ghi nhận và thể hiện kết quả (trong và ngoài doanh nghiệp)
|
6
|
Phản hồi
(Điều chỉnh)
|
Làm gì để có du lịch có trách nhiệm hiệu quả hơn?
|
Chi phí và lợi ích, định hướng kinh doanh, năng lực và kinh nghiệm (kể cả từ ngoài doanh nghiệp) về du lịch có trách nhiệm
|
Nguồn: phát triển của tác giả
Nhận thức về du lịch có trách nhiệm và xác định tầm nhìn phát triển du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp là bước khởi đầu quan trọng đối với doanh nghiệp. Trong giai đoạn triển khai du lịch có trách nhiệm như tại Việt Nam hiện nay, việc tập trung xây dựng nhận thức doanh nghiệp làm cơ sở tạo lập tầm nhìn là việc làm cần thiết.
Để thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện du lịch có trách nhiệm
Nếu doanh nghiệp đóng vai trò bản lề trong việc phát triển du lịch có trách nhiệm thì khách du lịch có vai trò động cơ, nhà nước và cộng đồng có vai trò đòn bảy và các bên tham gia (các tổ chức môi trường, xã hội, các tổ chức quốc tế …) đóng vai trò là chất xúc tác. Từ góc độ quản lý nhà nước, có thể phát triển nhiều công cụ khác nhau nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện du lịch có trách nhiệm. Một số công cụ phổ biến là:
- Tuyên truyền: bao gồm các hoạt động truyền thông khác nhau nhằm phổ biến thông tin và kiến thức về du lịch có trách nhiệm;
- Hướng dẫn: các tài liệu thông tin và chỉ dẫn các doanh nghiệp thực hiện và đánh giá du lịch có trách nhiệm;
- Quy chuẩn: những yêu cầu và chỉ tiêu cụ thể để đánh giá việc thực hiện du lịch có trách nhiệm được thống nhất sử dụng và phổ biến tại một quốc gia, một khu vực;
- Giải thưởng: những hình thức khuyến khích, cổ động, tuyên dương các doanh nghiệp thực hiện tốt du lịch có trách nhiệm;
- Tư vấn: những hỗ trợ về kỹ năng và kiến thức về thực hiện du lịch có trách nhiệm;
- Điển hình: những mô hình doanh doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp, câu lạc bộ thực hiện tốt du lịch có trách nhiệm.
Các công cụ thúc đẩy du lịch có trách nhiệm khác nhau có tác động tới doanh nghiệp ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình thực hiện du lịch có trách nhiệm (bảng 2).
Bảng 2: Các công cụ thúc đẩy du lịch có trách nhiệm tại các giai đoạn thực hiện du lịch có trách nhiệm tại doanh nghiệp
TT
|
Giai đoạn
|
Yêu cầu của doanh nghiệp
|
Các công cụ chủ yếu
|
Tuyên truyền
|
Hướng dẫn
|
Quy chuẩn
|
Giải thưởng
|
Tư vấn
|
Điển hình
|
1
|
Tầm nhìn
(Nhận thức)
|
Thông tin
|
X
|
|
|
|
|
|
2
|
Cam kết
(Định hướng)
|
Lợi ích và chi phí
|
|
X
|
|
|
|
|
3
|
Phổ biến
(Tổ chức)
|
Công cụ
|
|
X
|
X
|
|
X
|
X
|
4
|
Hành động
(Thực hiện)
|
Năng lực
|
|
X
|
|
|
X
|
X
|
5
|
Kết quả
(Đánh giá)
|
Hiệu quả
|
|
|
X
|
X
|
X
|
|
6
|
Phản hồi
(Điều chỉnh)
|
Kinh nghiệm
|
X
|
|
|
X
|
|
X
|
Nguồn: phát triển của tác giả
Thay cho lời kết
Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội mới được giới thiệu tại Việt Nam không lâu và đang dần được phổ biến rộng rãi, nhận được sự ủng hộ của Nhà nước, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Phát triển du lịch có trách nhiệm là một định hướng thiết thực cho du lịch Việt Nam để phát triển bền vững. Các công cụ thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện du lịch có trách nhiệm đang từng bước được xây dựng. Nhưng phát triển du lịch có trách nhiệm tại Việt Nam mới chỉ ở những bước đầu. Cần nhiều hơn nữa những định hướng và chính sách của nhà nước, những nỗ lực của các bên liên quan và nhất là nhận thức và tầm nhìn của các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam.
PGS. TS. Phạm Trương Hoàng
(Tạp chí Du lịch)