Một góc đảo Cát Bà
Sở dĩ du lịch biển, đảo của chúng ta chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và chưa mang lại hiệu quả cao là vì khâu quy hoạch, đầu tư, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết cho việc phát triển du lịch còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó có 3 hạn chế lớn nhất, đó là: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thiếu tư duy chiến lược phát triển du lịch biển, đảo hợp lý.
Tiềm năng đang bị bào mòn, tàn phá
Nhiều năm trước đây, bãi biển Trà Cổ thuộc TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có chiều dài gần 20km, được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất ở Việt Nam. Thế nhưng cho đến nay, vẻ đẹp và sự quyến rũ ấy đã bị biến dạng hoàn toàn. Khắp nơi trên bãi biển Trà Cổ tràn ngập vỏ cua, vỏ ghẹ, vỏ sò, vỏ ốc và các loại rác, túi nilon. Người dân kê bàn, dựng ô và bày bán hàng hóa vô tội vạ ở mọi nơi. Bãi biển Trà Cổ bề bộn như là một cái chợ quê lúc tan tầm. Đây là hậu quả của sự thiếu quản lý của chính quyền và cách làm du lịch, dịch vụ manh mún, lộn xộn, không có quy hoạch, hướng dẫn, mạnh ai nấy tiến của người dân nơi đây.
Trong chiến lược phát triển du lịch tổng thể tỉnh Thái Bình giai đoạn 2001 - 2010 và định hướng đến 2020, khu vực bãi biển Đồng Châu đã được xác định xây dựng trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, trung tâm du lịch, dịch vụ thể thao biển, nghỉ dưỡng chữa bệnh của Tỉnh. Mục đích đã được xác định rõ ràng như vậy, nhưng do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và đặc biệt là thiếu sự quản lý, bảo vệ nên đến nay, môi trường, bộ dạng của khu du lịch Đồng Châu (xã Đông Minh, huyện Tiền Hải) đã bị xâm hại, phá vỡ nghiêm trọng. Trong đó, nguy hại nhất là tình trạng người dân đua nhau ra đào hố, hút cát làm bãi nuôi ngao, dựng nhà. Mặt bãi biển Đồng Châu bỗng chốc trở nên loang lổ, tan hoang. Bãi biển Đồng Châu giống như một công trường đang xây dựng dở dang.
Cách bãi biển Đồng Châu không xa là khu du lịch Cát Bà thuộc TP. Hải Phòng. Nơi đây được xác định là một trong những trung tâm du lịch biển, đảo lớn của Việt Nam. Những năm gần đây, TP. Hải Phòng và nhiều thành phần kinh tế khác đã liên tục đầu tư cho Cát Bà về cơ sở hạ tầng. Thế nhưng, cứ đến mùa du lịch biển là ở đây xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt và “cháy” phòng nghỉ. Hầu hết những người làm du lịch ở Cát Bà đều chưa được đào tạo. Các cơ sở lưu trú ở đây chủ yếu là do nhà dân cơi nới rồi tự gắn biển khách sạn và “phong sao” cho mình. Giao thông kết nối giữa đất liền và khu du lịch đảo Cát Bà thực sự còn nhiều hạn chế. Chính vì điều này mà du lịch Cát Bà vẫn ì ạch không sao bứt phá lên được.
Về thăm Hải Phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn cho rằng: Du lịch Hải Phòng chưa phát triển cùng tốc độ với sự phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Hạ tầng du lịch chưa được đầu tư tương xứng, nhất là hai trọng điểm du lịch biển, đảo Đồ Sơn và Cát Bà. Du lịch Hải Phòng vẫn mang nặng tính thời vụ khi tập trung “khai thác” vài tháng mùa hè nên khó tránh khỏi kiểu làm du lịch chụp giật. Điều đó kéo theo việc đầu tư cho du lịch cũng ít được quan tâm, nếu có cũng manh mún, mạnh ai nấy làm và chưa có hướng đi đột phá để tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao. Cái vòng luẩn quẩn vẫn chưa có lối thoát.
Thực ra không riêng gì du lịch biển, đảo của Hải Phòng đang ở trong vòng luẩn quẩn, lãng phí tiềm năng mà rất nhiều các địa phương khác có lợi thế về du lịch biển, đảo cũng đang ở trong tình trạng như vậy. Chính vì điều này mà tại hội thảo quốc gia về phát triển du lịch Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thành lậpngành Du lịch Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan đã phải thốt lên rằng: ông cảm thấy buồn và tiếc lắm khi các bãi biển của Việt Nam, từ Trà Cổ, Đồ Sơn đến Cửa Lò đều đang đánh mất dần vẻ đẹp vốn có.
Ông Bally - một chuyên gia du lịch Pháp đã nhiều lần đến Việt Nam cho rằng: Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng du lịch biển, đảo đa dạng vào loại bậc nhất trên thế giới. Thế nhưng Việt Nam chưa khai thác được lợi thế này một cách bài bản và đang để tiềm năng, lợi thế biển, đảo bị tàn phá từng ngày do sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường, cảnh quan của người dân. Theo ông, đã đến lúc Việt Nam cần làm ngay một quy hoạch tổng thể có tầm nhìn dài hạn cho khu vực biển, đảo Việt Nam, trong đó những bãi biển đẹp, hòn đảo có tiềm năng du lịch phải được khoanh vùng bảo vệ. Hiện giờ, Việt Nam còn hạn chế về vốn, kinh nghiệm thì nên đầu tư tập trung cho từng điểm du lịch biển, đảo một. Làm đến đâu chắc đến đó, tránh tuyệt đối sự dàn trải, manh mún. Những bờ biển, hòn đảo đẹp có tiềm năng du lịch nhưng chưa có điều kiện đầu tư phát triển thì phải có kế hoạch giữ gìn, bảo vệ tuyệt đối, tránh sự tàn phá về môi trường và cảnh quan.
Biển đẹp, đảo xanh chờ ngày đánh thức
Theo thống kê, hàng năm, các khu du lịch biển, đảo của nước ta thu hút khoảng 70% số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trên 50% số lượt khách du lịch nội địa, đóng góp khoảng 70% tổng thu nhập từ du lịch của cả nước.
Mặc dù đã có bước phát triển mạnh mẽ nhưng cho đến nay, du lịch biển, đảo Việt Nam vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Bên cạnh đó, du lịch biển Việt Nam chưa thu hút được nhiều du khách quốc tế đi bằng đường biển. Việt Nam chưa được xem là điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch tàu biển khu vực và quốc tế. Điều này chứng tỏ du lịch biển Việt Nam chưa hình thành những sản phẩm du lịch biển đặc sắc, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế.
Hiện nay, cả nước chưa có khu du lịch biển tổng hợp đạt trình độ quốc tế; tình trạng trùng lặp về sản phẩm du lịch ảnh hưởng đến mức độ hấp dẫn và thu nhập du lịch. Ngoài ra, việc đầu tư khai thác hệ thống các đảo, trước hết là đầu tư phát triển du lịch cho các đảo ven bờ còn nhiều hạn chế. Việc khai thác tài nguyên du lịch ở vùng ven biển còn thiếu bền vững do tình trạng chồng chéo trong quản lý. Biểu hiện cụ thể nhất là việc khai thác rừng ngập mặn, vật liệu xây dựng (cát biển, núi đá…), nước ngầm, thủy sản… làm suy giảm tài nguyên vùng ven biển, ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch bền vững…
Trong chiến lược biển Việt Nam xác định: phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP cả nước, trong đó du lịch biển và kinh tế đảo đóng góp khoảng 14 - 15% GDP của nền kinh tế biển quốc gia; đồng thời là một trong 5 đột phá về kinh tế biển, ven biển.
Để đạt được mục tiêu đề ra, đã đến lúc du lịch biển, đảo của Việt Nam cần được quan tâm đầu tư, phát triển hợp lý và chuyên nghiệp. Theo các chuyên gia về kinh tế biển, cần có những giải pháp đồng bộ như vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển du lịch biển, đảo. Phải tăng cường đầu tư phát triển các loại hình du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường biển, đảo; đồng thời củng cố và mở rộng thị trường khách du lịch tàu biển. Để du lịch biển, đảo phát triển chuyên nghiệp, hiệu quả cần tiến hành xây dựng hoàn thiện chương trình đào tạo toàn diện nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch biển. Phát triển du lịch biển, đảo dứt khoát phải coi trọng sự tham gia của cộng đồng cư dân.
Cùng với đó, để du lịch biển, đảo Việt Nam phát triển bền vững phải nhanh chóng xây dựng các tiêu chí về du lịch biển, đảo phân theo vùng, như: du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch thể thao giải trí biển, du lịch biển, đảo dã ngoại, du lịch biển bình dân, du lịch biển phức hợp... Trên cơ sở những tiêu chí đó, các địa phương muốn khai thác du lịch biển, đảo sẽ quy hoạch, khai thác đảm bảo phát triển bền vững; các cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào những tiêu chí đó để đánh giá, xếp hạng... cho từng vùng du lịch biển, từng khu du lịch cũng dễ dàng hơn. Mặt khác, sự phân vùng này sẽ giảm thiểu sự thiếu đồng bộ trong đầu tư phát triển du lịch biển, đảo tạo nên sự đa dạng trong các sản phẩm du lịch biển, góp phần thu hút, kéo dài thời gian lưu trú du khách và tăng thu nhập từ du lịch cho các địa phương…
Ths. Nguyễn Thị Tình