Liền anh, liền chị với khúc hát quan họ làm mê đắm lòng người
Thứ nhất, tổ chức, tuyên truyền quảng bá về du lịch lễ hội
Cần có sự giới thiệu về công đức của các danh nhân, giá trị kiến trúc, mỹ thuật của di tích, truyền thống lịch sử lễ hội, khơi dậy nét đẹp văn hóa, tôn vinh các bậc tiền nhân có công với dân, với nước, phát huy tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân. Để làm được điều này tỉnh Bắc Ninh cần thường xuyên cập nhật các thông tin mới, có tính thời sự đưa lên trang website về lễ hội và di tích; tổ chức tập huấn, triển lãm quảng cáo bằng pa-nô, áp phích; in tờ rơi, sách giới thiệu về di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh; tuyên truyền về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, gắn lễ hội với việc quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm, sản vật của địa phương; phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường thiên nhiên, nội quy phòng, chữa cháy qua hệ thống đài phát thanh, truyền thanh, niêm yết trên bảng tin để nhân dân địa phương và du khách biết thực hiện.
Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Bắc Ninh cần phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch, không chỉ du lịch lễ hội đến các đình, chùa mà còn phải kết hợp thêm với những thế mạnh du lịch làng nghề (làng tranh Đông Hồ), du lịch sinh thái (du thuyền trên sông Cầu), thưởng thức những làn điệu quan họ… để làm đa dạng hóa các sản phẩm, tour tuyến, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của du khách.
Thứ ba, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng
Tỉnh Bắc Ninh cần chỉ đạo các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng khách đến với các mục đích khác nhau. Cần tổ chức triển khai quy hoạch, nâng cấp sản phẩm du lịch tại các khu du lịch sinh thái, di tích lịch sử văn hóa lễ hội, tập trung khai thác du lịch tại các làng nghề truyền thống trên cơ sở đầu tư cơ sở hạ tầng thuận tiện cho việc tham quan của du khách.
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn lực lao động
Để đáp ứng nhu cầu đặt ra và đưa du lịch phát triển bền vững, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch phải được đào tạo chuyên ngành du lịch, những cán bộ học ở ngành khác phải được tham gia các lớp đào tạo ngắn ngày về du lịch, đặc biệt phải khuyến khích cán bộ ngành Du lịch đi học trên đại học chuyên ngành về du lịch.
Chú trọng giáo dục và nâng cao nhận thức về du lịch, về môi trường cho nhân dân các vùng có điểm di tích lịch sử, phát huy tính cộng đồng vào khai thác du lịch. Cần gắn việc đào tạo nghiệp vụ du lịch với việc đào tạo về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Có chiến lược tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân về ngành kinh tế du lịch để người dân không chỉ là những người tham gia vào các lễ hội mà còn là những người làm du lịch.
Thứ năm, bảo tồn và phát triển các khu di tích lịch sử, các giá trị văn hóa
Bắc Ninh cần có các biện pháp bảo tồn và phát triển như tăng cường bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương; tiếp tục tiến hành đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo những di tích lịch sử văn hóa có giá trị đặc biệt như lăng và đền thờ Kinh Dương Vương, khu di tích Đền Đô, Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Dâu, chùa Tam Sơn, chùa Phật Tích, đền thờ Lê Văn Thịnh…; đồng thời, tiếp tục xây dựng và triển khai các dự án khu văn hóa du lịch như khu văn hóa quan họ Cổ Mễ (TP. Bắc Ninh), khu du lịch sinh thái Thiên Thai, khu văn hóa du lịch đền Đầm, khu văn hóa du lịch Phật Tích…; từng bước kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản văn hóa; xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể đối với Ban Quản lý di tích ở cơ sở để hoạt động có hiệu quả hơn.
Đặc biệt, để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản dân ca quan họ Bắc Ninh, Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về những giá trị đặc sắc và độc đáo của dân ca quan họ Bắc Ninh dưới nhiều hình thức, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, nâng cao ý thức tự tôn, trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể, các cộng đồng dân cư về bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh. Cần có các hình thức công nhận và tôn vinh các nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân làm tốt vai trò lưu giữ và truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh trong cộng đồng; chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng, quy mô các hoạt động sinh hoạt văn hóa quan họ như liên hoan, hội thi, hội diễn, lễ hội... Xây dựng các dự án quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo các không gian, những di tích lịch sử văn hóa, các thiết chế văn hóa, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán... trong các cộng đồng - nơi đã từng là môi trường, là không gian sản sinh và gắn kết với sự trường tồn của dân ca quan họ. Nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh để làm nòng cốt trong các hoạt động trình diễn, giới thiệu dân ca quan họ Bắc Ninh với công chúng; nghiên cứu xây dựng đề án thành lập Nhà hát quan họ nhằm đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá về dân ca quan họ Bắc Ninh.
Đỗ Thị Thu Huyền*