Để ấp đảo Thiềng Liềng trở thành một điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn và bền vững
Những tín hiệu vui ban đầu
Trong quá trình thực hiện việc phát triển điểm đến ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh thành sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng, giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của Cần Giờ giai đoạn 2, năm 2023, đã cho thấy sự hứng khởi và quyết tâm của bà con ấp Thiềng Liềng nhất là các hộ trực tiếp tham gia vào chuỗi điểm đến của mô hình.
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2 đi vào hoạt động cũng là kết quả của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phong trào thi đua "Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa trên địa bàn vùng nông thôn TP. Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021 - 2025, từ đó góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Cần Giờ nói riêng và của Thành phố nói chung.
Cũng theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, sau một năm tổ chức thành công lễ công bố điểm đến du lịch cộng đồng giai đoạn 1, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2 đã hoàn thành và có thể đưa vào khai thác một cách trọn vẹn. So với giai đoạn trước, giai đoạn 2 chúng tôi mong muốn gia tăng sự trải nghiệm cho du khách và kéo dài thời gian lưu trú nên đã vận động bà con xây dựng thêm homestay Hoàng Tử Nhím, homestay view sông Ba Huyền, không gian hội tụ Út Ngọc,... đặc biệt mở rộng kh��ng gian du lịch cộng đồng đến khu vực núi Giồng Chùa, hộ giữ rừng Út Đẹp. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, chúng tôi đã nâng tổng số điểm đến từ 16 ở giai đoạn 1 lên thành 24 điểm đến. Có thể nói, đến nay mọi công tác chuẩn bị và tổ chức đã hoàn thành, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng giai đoạn 2 đã có thể đưa vào hoạt động vào dịp cuối năm 2023, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một điểm đến mới, thu hút khách trong dịp Tết Dương lịch và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.
Đề cập đến những tín hiệu vui đối với người dân tại ấp đảo Thiềng Liềng khi tham gia phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, điểm du lịch cộng đồng Thiềng Liềng chỉ thì mới đưa vào hoạt động 1 năm và qua thực tế trải nghiệm đã được đánh giá rất là cao của du khách, đa số khen và dự kiến sẽ quay trở lại để trải nghiệm tiếp những phần còn lại của các điểm đến. Và theo thống kê của hợp tác xã Thiềng Liềng qua 1 năm thực hiện thì đã thu hút khoảng trên 3000 lượt khách cả trong và ngoài nước, với doanh thu hơn 600 triệu đồng. Kết quả bước đầu đã thể hiện được sự vận hành trơn tru và tạo được điều thú vị cho du khách cảm nhận, qua đó nhận được sự hứa hẹn quay trở lại của du khách.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân kỳ vọng, việc đưa vào hoạt động của giai đoạn 2 khi bổ sung thêm các điểm đến để góp phần hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng này, qua đó sẽ thu hút ngày càng đông hơn du khách đến với Thiềng Liềng.
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân tham gia vào việc phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp đảo này đã bày tỏ sự vui mừng, khi cơ bản bước đầu có được thêm nguồn thu nhập tăng thêm ngoài việc hàng ngày phải bán lưng cho trời, bán mặt cho dất với các công việc như làm muối, đánh bắt thủy hải sản…
Theo chị Trịnh Thị Ngọc Kiều – Hộ kinh doanh nước uống xứ biển chia sẻ: “Trước đây làm muối vất vả lắm một năm làm đến 6 tháng nay đã rút lại làm có 4 tháng cũng do sự thay đổi thời tiết bất thường hầu như tháng nào trời cũng có mưa. Và cũng nhờ có thêm việc tham gia vào du lịch cộng đồng này chúng tôi có thêm chi phí để trang trải cho cuộc sống hàng ngày nên cuộc sống đỡ vất vả hơn, tuy bước đầu mỗi tháng riêng hộ của tui mới chỉ đón khoảng 40 đến 50 lượt khách chưa phải là con số lớn, đa số khách là nhóm khách lẻ 4 đến 5 người chưa có khách đoàn”.
Còn đó những mong muốn và sự trăn trở
Trải qua một năm hình thành và phát triển, hình thái du lịch cộng đồng đã góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao nhận thức, đóng góp vào mục tiêu phát triển con người toàn diện và bao trùm trên địa bàn Ấp đảo Thiềng Liềng. Thành quả tiếp theo là sự lan tỏa các giá trị sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn tại Thiềng Liềng đến với du khách gần xa. Du lịch thật sự như một cơ hội và cách thức để Thiềng Liềng ngày càng xanh tươi và phát triển theo định hướng bền vững góp phần đa dạng hóa, đặc thù hóa các sản phẩm du lịch trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, TS. Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch cho rằng, hiện nay việc triển khai các công tác kết nối thị trường và giải nén các nguồn lực phát triển du lịch tại Thiềng Liềng còn gặp phải một số khó khăn và thách thức nhất là kết nối giao thông và tiếp theo nữa là vấn đề đảm bảo sức chứa để phục vụ các đoàn khách có số lượng lớn đến với Thiềng Liềng. Điều đáng lưu tâm ở đây là chi phí vận chuyển từ đất liền đến Thiềng Liềng còn cao (trung bình chi phí dao động từ 600.000 – 800.000 khi du khách sử dụng dịch vụ ca nô để đi từ bến phà Tắc Suất hoặc Khu du lịch Dần Xây để đến với Thiềng Liềng) đã tạo rào cản lớn cho sự tiếp cận của du khách.
Theo TS. Dương Đức Minh để khắc phục vấn đề này, cần có động thái đa dạng hóa các loại hình vận chuyển đặc biệt là việc đưa vào sử dụng các phương tiện vận chuyển thân thiện và an toàn. Hiện nay, phía UBND xã Thạnh An cũng đã có những đề xuất với UBND huyện Cần Giờ về việc triển khai thêm chuyến đò vận chuyển du khách từ bến phà Tắc Suất đến Thiềng Liềng nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của du khách và đa dạng hóa các hình thức vận chuyển cho du khách đến với Thiềng Liềng. Ngoài ra, ý định kêu gọi xã hội hóa đầu tư phà/đò di chuyển đón khách đến Thiềng Liềng cũng đang được thương thảo nhằm góp phần cung ứng các trải nghiệm tích cực và có chi phí phải chăng dành cho du khách đến với Thiềng Liềng.
Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, điểm khó của du lịch Thiềng Liềng là chưa có một tuyến đò cố định hàng ngày để đi đến, cho nên mới chỉ tổ chức đón tiếp được những khách đoàn, có tour đặc trước với hợp tác xã khi đó mới bố trí được phương tiện để đón khách, còn lại những khách lẻ và bạn trẻ muốn tự mình đi trải nghiệm thì rất khó vì do không có một phương tiện cố định hàng ngày. Cho nên, huyện Cần Giờ đang xây dựng môt phương án kêu gọi xã hội hóa để xây dựng những tuyến đò cố định hàng ngày để phục vụ đưa đón người dân qua lại và phục vụ cho du khách. Và chúng tôi cũng hỗ trợ đầu tư cho ấp về đường xá ở những nơi bị xuống cấp để làm sao đảm bảo không gian vừa tự nhiên và thuận lợi cho việc di chuyển của người dân và du khách khi trải nghiệm, và đẩy mạnh phối hợp với người dân và ấp, xã để trồng thêm cây xanh và hoa, tạo thêm không gian xanh hơn nữa.
“Phát triển du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng là cơ hội để người dân mở rộng quan hệ hoạt động kinh tế của mình, đồng thời mở rộng giao lưu làm phong phú thêm đời sống. Vì vậy chúng tôi tin tưởng với việc phát triển hoạt động du lịch cộng đồng sẽ phát triển phong phú thêm đời sống văn hóa của người địa phương chứ không làm mất đi cái nét hoang sơ cũng như đời sống văn hóa đặc trưng của người dân miền biển của ấp đảo Thiềng Liềng” ông Nguyễn Ngọc Xuân – Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Đỗ Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Du lịch Vietmark đánh giá cao sự quan tâm và ủng hộ của các bên liên quan đã góp phần thu hút 3000 khách đến với ấp đảo Thiềng Liềng này trong thời gian một năm vừa qua. Nhưng trong số này chiếm đến 80% là khách của cơ quan ban ngành và các đơn vị ủng hộ và đây là một con số cho thấy đang có sự quan tâm, ủng hộ đến Thiềng Liềng. Theo đó, ông Đỗ Tuấn Anh vẫn còn vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở về sự phát triển du lịch của ấp đảo Thiềng Liềng này, khi TP. Hồ Chí Minh mở ra 16 tuyến du lịch đường sông nhưng trong đó không có sự góp mặt của Thiềng Liềng thì sao giúp du lịch ở đây phát triển tốt hơn được và đưa du khách đến.
Theo ông Đỗ Tuấn Anh giải pháp tình thế để phát triển điểm du lịch cộng đồng ấp đảo Thiềng Liềng này là nhắm vào đối tượng du khách là gen Z, họ là những người thích xê dịch khám khá và chịu chi, vì thấy lạ, thấy đẹp và thích là sẵn sàng xách ba lô lên và đi. Nhưng để tìm ra một giải pháp sâu xa, thì thông qua giai đoạn 2 của việc phát triển du lịch cộng đồng ở Thiềng Liềng này phải đem đến được cho du khách sự trải nghiệm, nghỉ qua đêm, ngắm trăng… và hưởng thụ được luồng không khí trong sạch mà thiên nhiên mang lại.
“Ngoài ra, còn đó những trở ngại mà khiến du khách khó lòng đến được với Thiềng Liềng trong việc thu hút du khách nước ngoài. Bởi khi khách nước ngoài muốn xuống phải xin giấy phép rất vất vả và cần có cơ chế để du khách người nước ngoài họ có thể đến với nơi đây dễ hơn. Thứ 2 là bến phà và bến bãi chưa được cấp phép và cần nghiên cứu một tuyến đường di chuyển tránh đi trực tiếp ngoài phía biển mà men các con sông để từ Cần Giờ đi ra Thiềng Liềng. Cần phải nghiên cứu và di chuyển bằng cano, phương tiện thủy vận chuyển khách ra ấp đảo xuất phát tại vườn quốc gia của khu bảo tồn ở bến bãi của khu du lịch sinh thái Dần Xây, một bến bãi đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn và được di chuyển dọc theo con sông cũng chỉ mất 25 phút và không ra cửa biển nên sẽ không bị nổi nguy hiểm do sóng biển…” ông Đỗ Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Phước Quang