Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thời kỳ 2001 - 2005
nhiều tín hiệu khả quan
Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thời kỳ 2001 - 2005
nhiều tín hiệu khả quan
Thứ sáu, 12/05/2006 | 14:01 GMT+7 “Nguồn vốn ngân sách để tập trung cho sự phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại các tỉnh - thành phố trong giai đoạn 2001 - 2005, đại bộ phận đầu tư đúng mục đích và hiệu quả”. Đó là tổng kết chung của ủy viên TW Đảng, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ thị Thắng trong Hội nghị tổng kết đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thời kỳ 2001 - 2005 đã được tổ chức tại khách sạn Hương Giang - TP.Huế.
Tiền đề cho sự phát triển
Từ năm 2001, thực hiện chủ trương tập trung cho phát triển du lịch theo công văn số 1095/CP - KTTH ngày 28/11/2000 về việc xây dựng các khu du lịch, ngân sách Nhà nước đã được bố trí hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng (CSHT) du lịch cho các địa phương. Dù không phải là nguồn vốn lớn nhưng được đánh giá rất quan trọng, là nguồn vốn “mồi” để thu hút các nguồn lực khác.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng cho biết: “Từ các tiêu chí đầu tư của nguồn vốn “mồi” này, các địa phương sẽ có các kế hoạch, mục đích sử dụng riêng của từng vùng miền để đầu tư sao cho hiệu quả trong sự phát triển cả về cơ sở hạ tầng và đầu tư du lịch của mỗi tỉnh thành”.
Qua 5 năm thực hiện, việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch được tạo tiền đề từ nguồn vốn “mồi” này đã có hiệu quả với gần 60 hạng mục, dự án đã đưa vào hoạt động và nhiều dự án sẽ được triển khai khi nguồn vốn ngân sách này tiếp tục giải ngân về cho các địa phương trong giai đoạn tiếp theo. Từ việc chỉ hỗ trợ cho 13 tỉnh thành trong năm 2001 với số vốn là 266 tỷ đồng thì tính đến hết năm 2005, đã có 58 tỉnh, thành phố được hỗ trợ vốn đầu tư là 550 tỷ đồng. Riêng 4 tỉnh thành Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương có khả năng tự cân đối nguồn vốn này nên từ năm 2004, các địa phương này không thuộc đối tượng nhận hỗ trợ nguồn vốn “mồi” này.
Khẳng định giao thông chính là huyết mạch của sự phát triển du lịch. Với tổng vốn đầu tư 2.146 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch thời kỳ 2001-2005, đường vào các khu du lịch và đường trong khu du lịch được đầu tư 1.933,3 tỷ đồng chiếm 90% tổng số của nguồn vốn. Còn lại là cấp điện nước cho các khu du lịch và các công tác bảo vệ môi trường chiếm 10% với tổng vốn 212,70 tỷ đồng.
Tuy vẫn còn một số bất cập trong việc triển khai nguồn vốn này trong giai đoạn từ năm 2001 - 2005 tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trương Văn Đoan khái quát: “5 năm qua có nhiều dự án nên ngưng lại 5 - 6 năm rồi triển khai hay các dự án mà đường ô tô vào chưa hoàn chỉnh thì nên dừng lại. Bên cạnh đó giai đoạn trước, nguồn vốn chủ yếu được đầu tư cho giao thông, 5 năm tới nguồn vốn nên được đầu tư đa dạng hơn. Về đầu tư hạ tầng du lịch cần có tỷ lệ cụ thể để tránh chồng chéo với sự phát triển cơ sở hạ tầng chung”. Nhưng nhìn chung thì nhiều dự án và hạng mục được triển khai thông qua nguồn vốn “mồi” này đã cải thiện rõ rệt không gian du lịch tại các địa phương như dự án đường khu du lịch Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), đường Liên Chiểu - Thuận Phước - Sơn Trà - Điện Ngọc (Đà Nẵng), đường vào khu du lịch di sản văn hoá thế giới Mỹ sơn (QuảngNam) và nhiều dự án tại các tỉnh thành khác. Điển hình có các dự án như đường du lịch Langbiang (khu du lịch Đà Lạt) sau khi hoàn thành đã thu hút lượng khách du lịch đến khu vực này tăng 30% so với trước đây. Tại Ninh Bình, sau khi đầu tư hoàn thành một số hạng mục của khu du lịch Tam Cốc - Bích Động thì đã “mang đến” cho nơi đây nhiều dự án du lịch mới của các nhà đầu tư với mức đăng ký hơn 400 tỷ.
Tăng tốc cho giai đoạn tiếp theo
Nguồn vốn ngân sách này được xem là “bàn đạp” cho sự phát triển du lịch, là cơ sở để thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch cũng như đầu tư các cơ sở kinh doanh du lịch, thúc đẩy việc xã hội hóa đầu tư. Nhưng, đánh giá trên mặt bằng tổng kinh phí xây dựng các dự án du lịch thì nguồn vốn “mồi” ngân sách hỗ trợ đầu tư du lịch còn thấp so với nhu cầu đầu tư CSHT du lịch thực tế. Vì vậy, vấn đề bức thiết được đặt ra trong giai đoạn tiếp theo là Chính phủ dành cho ngành Du lịch nguồn vốn ngân sách nhiều hơn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch tại địa phương hoàn thiện hơn, góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, phải xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn và phải có định hướng cụ thể từ Trung ương về địa phương sao cho nguồn vốn được phát huy hiệu quả.
Định hướng phát triển cho giai đoạn tiếp theo ngành Du lịch sẽ dành ưu tiên cao cho các dự án thuộc các địa phương có khu du lịch quốc gia, xác định miền Trung - Tây Nguyên là địa bàn trọng điểm phát triển, khai thác các điểm du lịch có khả năng thu hút khách du lịch của vùng phụ cận từ trung tâm du lịch và quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch gắn với các điểm du lịch thuộc các tỉnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Các mục tiêu cụ thể phát triển du lịch với các chỉ tiêu năm 2010 khách quốc tế vào Việt Nam đạt 5,5 - 6,0 triệu lượt người, khách nội địa từ 25 - 26 triệu lượt người, thu nhập du lịch đạt 4-4,5 tỷ USD, GDP bình quân của thời kỳ 2001 - 2010 đạt 11-11,5%, trong đó GDP du lịch chiếm 6,5% GPD cả nước. Để đạt được kế hoạch dài hạn đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Trương Văn Thu và Giám đốc Sở Du lịch Quảng Nam - Đinh Hài cũng nêu lên vấn đề “cần có chính sách ưu đãi trong cơ cấu bố trí vốn cơ sở hạ tầng ngành Du lịch đối với các dự án vừa và nhỏ tạo sức thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương”. Đồng thời, tạo động lực cho ngành Du lịch cất cánh trong giai đoạn tiếp theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Võ Thị Thắng nhấn mạnh: “Ngành Du lịch ngoài việc đề nghị Chính phủ tăng nguồn vốn để cải tạo cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ thì vẫn cần sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa của 3 cơ quan trung ương Tổng cục Du lịch - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Văn phòng Chính phủ trong việc phát triển Du lịch Việt Nam.”
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới, với đà tăng tốc hiện nay thì doanh thu của du lịch toàn thế giới trong năm 2006 sẽ là 6,5 ngàn tỷ USD, tăng 4,6%, tạo ra 2,5 triệu việc làm mới, nâng tổng số công nhân viên thuộc chuyên ngành này lên 76,7 triệu người, chiếm 2,8% tổng số việc làm trên thế giới. Tín hiệu lạc quan chung của du lịch toàn cầu kết hợp với việc giải quyết những bất cập còn tồn tại trong giai đoạn trước, tăng tốc cho giai đoạn tiếp theo kết hợp cùng “bộ máy” cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng được hoàn thiện, Luật Du lịch đã được triển khai đóng vai trò chế tài cho một môi trường du lịch lành mạnh và phát triển, cùng sự hợp tác chặt chẽ giữa các cấp, Bộ, Ngành Trung ương, có thể nói ngành Du lịch Việt Nam đang đứng trước vận hội tăng tốc. Hoạch định trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 sẽ thành công. Qua đó, khẳng định vai trò ngành kinh tế mũi nhọn của Du lịch Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động.
�� MINH HẠNH