Tác giả bài báo đề cập đến thực trạng nhân lực du lịch có trình độ đào tạo về chuyên ngành du lịch từ sơ cấp đến cao đẳng chỉ chiếm chưa đầy 20%, trình độ đại học và trên đại học là 3,11% tổng số lao động toàn Ngành; đào tạo mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu về số lượng lao động; chất lượng đào tạo không đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ý kiến là Bộ Giáo dục & Đào tạo và Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội cần phối hợp thành lập đơn vị có chức năng dự báo nhu cầu lao động của ngành Du lịch và thực hiện một số giải pháp phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng ra cho bài toán nhân lực ngành Du lịch. Ý kiến của Phó Thủ tướng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Giáo dục & Đào tạo trước thực trạng nguồn nhân lực du lịch hiện nay. Tuy nhiên, việc điều tra, nắm vững thực trạng và dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực là việc làm mang tính vĩ mô, đồng bộ, bao gồm tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà du lịch chỉ là một trong số đó. Muốn phát triển nguồn nhân lực du lịch, về quản lý nhà nước, không chỉ cần sự tham gia của một số Bộ, Ngành liên quan trực tiếp như Giáo dụ & Đào tạo, Lao động - Thương binh & Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch mà cần có sự quan tâm, phối hợp hành động của rất nhiều Bộ, Ngành, địa phương, cơ sở. Do đó, để giải bài toán phát triển nguồn nhân lực du lịch, ngoài sự cố gắng nỗ lực chủ quan của ngành Du lịch, Nhà nước cần quan tâm, thực hiện những giải pháp chung đồng bộ từ cơ chế, chính sách, đầu tư, tài chính đến chương trình, nội dung giảng dạy, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên...
Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, ai cũng biết một điều giản dị rằng học cần phải đi đôi với hành, tức là yếu tố rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cần học sinh, sinh viên ra trường phải làm được việc ngay, có kỹ năng nghề nghiệp thực sự chứ không phải chỉ biết một mớ lý thuyết chung chung để rồi nhận người vào làm việc lại phải mất một thời gian để đào tạo lại. Nhưng với cơ chế, chính sách về giáo dục đào tạo như hiện nay thì cơ sở đào tạo khó có thể tạo ra được học sinh, sinh viên có kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Một số bất cập đã tồn tại từ nhiều năm nay là: Nhà nước quy định mức thu học phí cứng nhắc, không phù hợp, cơ sở đào tạo chỉ có thể cố gắng để đào tạo cho học sinh về lý thuyết là chủ yếu, không có kinh phí để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp; quy định chương trình khung bắt buộc cho các chương trình đào tạo chuyên nghiệp chỉ phù hợp để trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức chung chung, tản mạn, không tập trung cho rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp; cơ chế xã hội hóa trong giáo dục đào tạo không phù hợp, hiệu quả thấp; hệ thống quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập; chính sách, chế độ đối với cán bộ, giảng viên chưa khuyến khích, huy động được những người thực sự có trình độ khả năng nghề nghiệp, những chuyên gia lành nghề cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Giải pháp liên kết giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với cơ sở đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu là rất cần thiết, quan trọng, không còn là vấn đề mới, nhiều cơ sở trong ngành Du lịch đã làm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, kết quả không được như mong muốn. Lý do chính của những hạn chế trong hoạt động giáo dục đào tạo chủ yếu xuất phát từ cơ chế, chính sách và hoạt động quản lý về giáo dục đào tạo còn nhiều hạn chế, bất cập. Vấn đề phát triển nguồn nhân lực cần có sự quan tâm giải quyết cụ thể, khoa học, đồng bộ, tích cực hơn từ Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương, của cả hệ thống giáo dục đào tạo; có sự phối hợp thực sự chặt chẽ, nghiêm túc với các doanh nghiệp, người sử dụng lao động mới hy vọng tìm được lời giải cho bài toán về nguồn nhân lực nói chung và nhân lực ngành Du lịch nói riêng.
TRẦN QUANG HẢO