VQG Bái Tử Long có tổng diện tích 15.783 ha, trong đó diện tích lục địa là 6.125ha, diện tích biển và khu vực chịu ảnh hưởng của thuỷ triều là 9.658ha. Vườn gồm 3 đảo lớn Ba Mùn, Trà Ngọ, Sậu Nam và hơn 20 đảo nhỏ được cấu thành bởi đất, đá phiến và địa hình núi đá vôi kaxtơ. VQG Bái Tử Long là một trong bốn VQG trong cả nước vừa có rừng, vừa có biển tạo nên sự đa dạng cao về hệ sinh thái, môi trường sống đa dạng của rất nhiều loài động, thực vật khác nhau. Ngoài ra, trong khu vực VQG Bái Tử Long còn có hệ thống núi đá vôi tạo nên nhiều cảnh quan tuyệt đẹp, trong lòng núi có nhiều hang động, các bãi tắm Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng với bãi cát trắng, làn nước xanh trong hầu như còn hoang sơ. Rạn san hô ngầm quanh các đảo là nơi trú ngụ của nhiều loài rùa biển, rừng trâm nguyên sinh thuần loại nằm ngay cạnh bờ biển ở xã Minh Châu rất độc đáo và duy nhất có tại Việt Nam. Trong khu vực VQG Bái Tử Long còn có di tích khảo cổ đảo Soi Nhụ mang dấu tích người Việt cổ cách đây 2 vạn năm, thương cảng cổ Vân Đồn, hệ thống đình, chùa gắn với lịch sử nhà Trần…
![](/FileManager/mypicture/VQG-Bai-Tu-Long.jpg) |
Du khách đi bộ trong rừng trầm xã Minh Châu |
Tổng Thư ký
Hiệp hội các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam Lê Văn Lanh khẳng định VQG Bái Tử Long hội tụ nhiều điều kiện để phát triển đa dạng loại hình du lịch, đặc biệt là DLST. Đến nay, Hiệp hội và VQG Bái Tử Long đã thiết kế hệ thống đường mòn thiên nhiên đi bộ trong rừng, xây dựng Trung tâm du khách và cộng đồng, quy chế phát triển DLST cộng đồng tại Minh Châu, nâng cao nhận thức bảo vệ tài nguyên và môi trường thông qua các cuộc thi tìm hiểu thiên nhiên và môi trường ở các trường học trên địa bàn huyện Vân Đồn, mời chuyên gia nước ngoài truyền đạt kinh nghiệm bảo vệ môi trường, VQG đã xây dựng chương trình du lịch lồng ghép vào quy hoạch bảo tồn rừng và bảo tồn biển làm cơ sở thực hiện trong tương lai… Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở khu vực VQG Bái Tử Long mới ở giai đoạn đầu, chủ yếu là các đoàn nghiên cứu và nghỉ dưỡng biển. Đối tượng khách gồm các nhà khoa học và sinh viên các trường đại học tập trung vào mùa hè. Dưới sự tài trợ của các tổ chức quốc tế, Hiệp hội các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nấu ăn, cứu hộ, buồng, bàn, bar nhưng nhìn chung lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ ở VQG Bái Tử Long còn yếu cả về nghiệp vụ lẫn ngoại ngữ.
Một số định hướng phát triển DLST tại VQG Bái Tử Long
Theo Đề án phát triển khu kinh tế Vân Đồn đã được Chính phủ phê duyệt, phát triển DLST biển, đảo chất lượng cao là một trong bốn mục tiêu chính trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội huyện Vân Đồn những năm sắp tới. Trong đó, VQG Bái Tử Long được xác định là cơ sở chính để phát triển hoạt động DLST nhằm nâng cao mức sống cho cộng đồng địa phương, góp phần giảm áp lực khai thác tài nguyên thiên nhiên. Dựa trên tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch tại VQG Bái Tử Long, Ban Quản lý VQG Bái Tử Long cần phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan nghiên cứu thực hiện quy hoạch tổng thể và chi tiết phát triển du lịch tại VQG Bái Tử Long để làm cơ sở cho việc phát triển các loại hình du lịch. Mặt khác, cần tiến hành các hoạt động khảo sát cả về tài nguyên và cơ sở vật chất kỹ thuật để xây dựng sản phẩm du lịch. Theo đó, cần ưu tiên kết hợp với các doanh nghiệp du lịch thân thiện với môi trường để tổ chức các hoạt động du lịch tại VQG Bái Tử Long như xem rùa, ngắm san hô, trekking xuyên rừng, đạp xe, tìm hiểu các hệ sinh thái, cắm trại…; đào tạo nguồn nhân lực cả về nghiệp vụ và kiến thức về du lịch sinh thái, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nhằm loại bỏ các hoạt động khai thác và chế biến quá mức các loài hải; nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng địa phương… Trong quá trình kêu gọi đầu tư, chính quyền địa phương cần xây dựng quy chế bắt buộc các nhà đầu tư cam kết bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức cho các hộ dân ký cam kết quy định trong quy chế phát triển DLST cộng đồng… nhằm khai thác có hiệu quả và bền vững tiềm năng du lịch VQG Bái Tử Long.
HẢI DƯƠNG