Do vậy, xu hướng nhu cầu khách du lịch là chỉ hướng tới lựa chọn những cơ sở dịch vụ có quan tâm thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ môi trường cung cấp các sản phẩm đảm bảo an toàn và chất lượng, từ đó nhiều cơ sở lưu trú du lịch chú trọng quản lý bảo vệ môi trường nhằm tăng cường sức hấp dẫn khách, nâng cao hiệu quả kinh doanh và sức cạnh tranh để phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia và chiến lược phát triển của ngành Du lịch giai đoạn 2006 - 2010, định hướng 2020 với mục tiêu: “Phát triển nhanh, bền vững ngành kinh tế mũi nhọn - du lịch, phấn đấu 2020 đưa Việt Nam vào nhóm các nước có du lịch phát triển hàng đầu trong khu vực”, ngành Du lịch xác định rõ quản lý, bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh doanh du lịch là nhiệm vụ tất yếu của toàn Ngành và của từng tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch. Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch đã phối hợp với Enerteam - Trung tâm nghiên cứu và phát triển về tiết kiệm năng lượng (TP. Hồ Chí Minh), được sự hỗ trợ kỹ thuật của ADEME (Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng Pháp), đã biên soạn và chuẩn bị cuốn sách “Hướng dẫn thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam”.
Cuốn sách nhằm mục đích cung cấp cho nhà đầu tư, các nhà quản lý khách sạn và nhân viên phục vụ trong các cơ sở lưu trú du lịch những thông tin, biện pháp kinh nghiệm hữu ích giúp thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, năng lượng, đồng thời hướng dẫn xây dựng và triển khai chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động bảo vệ môi trường của các cơ sở lưu trú du lịch.
Cuốn sách cung cấp những phương pháp cụ thể giúp cơ sở lưu trú du lịch tiết kiệm chi phí điều hành thông qua các chương trình sử dụng hợp lý năng lượng, tài nguyên, quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, hướng dẫn cơ sở lưu trú du lịch hướng tới “nhãn sinh thái” (chương trình quốc gia về nhãn môi trường) để tiếp cận được hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14000 với chi phí tối thiểu, giúp nâng cao sức cạnh tranh, thu hút khách của các sản phẩm du lịch Việt Nam, tăng cường hội nhập quốc tế và phát triển du lịch bền vững.
Cuốn sách được trình bày theo trình tự, hệ thống các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường, bắt đầu từ khâu “khởi động” đến “thực hiện”, “kiểm tra” và sau cùng là “cải tiến”. Tuy nhiên, công tác này thực chất mang tính lặp lại nhưng được nâng cao ở chu trình sau với quan điểm chính là liên tục cải tiến. Vì vậy, các biện pháp phải bắt đầu từ khâu “khởi động”.
Những biện pháp bảo vệ môi trường được nêu ra trong cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế của các cơ sở lưu trú du lịch trong và ngoài nước, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, tổ chức quản lý tốt công tác bảo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú du lịch bắt đầu từ các biện pháp đơn giản (không cần đầu tư hoặc đầu tư thấp) tiến đến các biện pháp nâng cao (đòi hỏi phải đầu tư kinh phí và tổ chức quản lý).
Đối với các biện pháp nâng cao về bảo vệ môi trường, yêu cầu cơ sở lưu trú du lịch phải chú trọng ngay từ khâu thiết kế, xây dựng cho tới vận hành, hoạt động của từng bộ phận dịch vụ trong cơ sở lưu trú du lịch mang tính tổng thể.
Cuốn sách gồm 6 chương có hướng dẫn cụ thể các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường theo từng bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ trong cơ sở lưu trú du lịch.
Ngoài ra, cuốn sách còn đưa ra các biểu mẫu phục vụ công tác quản lý môi trường, nhằm hỗ trợ cơ sở lưu trú du lịch trong quản lý sử dụng năng lượng, nước, chất thải, tiếng ồn... và các biểu tra cứu là những ngưỡng được rút ra từ khảo sát thực tiễn ở một số khách sạn ở Việt Nam và quốc tế làm căn cứ cho việc so sánh, áp dụng để quản lý công tác bảo vệ môi trường.
Kết cấu của cuốn sách thực hiện theo quy trình khép kín: Lập kế hoạch - Kiểm tra - Thực hiện - Cải tiến nhằm định hướng cho cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo hệ thống quản lý môi trường của quốc tế.
Cuốn sách “Hướng dẫn tự thực hiện quản lý và bảo vệ môi trường trong cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam” do Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch chủ trì biên soạn và phát hành sẽ góp phần thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường trong các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tăng cường hội nhập và nâng cao chất lượng phục vụ, tăng tính hấp dẫn, tạo uy tín và vị thế cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế, nâng cao hiệu quả kinh doanh của từng cơ sở lưu trú du lịch, góp phần bảo vệ môi trường chung.
NGUYỄN PHƯƠNG ANH
LÊ TUẤN ANH
Vụ Khách sạn - TCDL