THỰC TRẠNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC KHU DU LỊCH
Về đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch
Tính đến cuối năm 2006 có 6.813 dự án đã được cấp giấy phép với số vốn đăng ký lên tới 60, 47 tỷ USD, trong đó ngành Du lịch có 188 dự án (chỉ tính các dự án còn hiệu lực) với số vốn đăng ký là 4, 311 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2007 đã có thêm 1.013 dự án được cấp giấy phép với số vốn đăng ký lên tới 11 tỷ USD, trong đó có 17 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn đăng ký là 0, 776 tỷ USD.
Đầu tư nước ngoài trong ngành Du lịch đã có mặt tại 23 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh: 45 dự án (chiếm 23,9% cả nước); Hà Nội 34 dự án (chiếm 18,1%); Quảng Ninh 19 dự án (chiếm 10,1%); Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận có cùng 15 dự án (chiếm 8%)...
Trong số 28 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực du lịch, Hồng Kông đứng đầu với 33 dự án và vốn là 570, 6 triệu USD; tiếp theo là Singapore 20 dự án với số vốn đầu tư 466, 82 triệu USD; Pháp 18 dự án với số vồn đầu tư hơn 214 triệu USD; Nhật Bản 14 dự án; Hàn Quốc 13 dự án; Đài Loan 12 dự án...
Trong số 188 dự án có 31 dự án với số vốn là 498, 13 triệu USD đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài; tiếp theo là đầu tư theo hình thức liên doanh với 152 dự án, tổng vốn là 3.777, 016 triệu USD; còn lại là 5 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổng vốn là 36, 27 triệu USD.
Trong số 188 dự án có 127 dự án với số vốn là 3.510, 19 triệu USD đầu tư vào khách sạn; 19 dự án với số vốn là 25, 78 triệu USD vào lữ hành vận chuyển; 15 dự án vào lĩnh vực quản lý và dịch vụ du lịch với số vốn là 29, 51 triệu USD; 12 dự án đầu tư vào lĩnh vực giải trí và 15 dự án đầu tư sân golf với số vốn là 455, 042 triệu USD.
Đầu tư trong nước vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở các khu du lịch: Từ năm 2000 đến 2007, nhà nước đã đầu tư 3.516 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó vùng du lịch Bắc bộ được hỗ trợ 1.806, 5 tỷ đồng chiếm 51,38%; vùng du lịch Bắc Trung bộ là 680, 5 tỷ đồng chiếm 19,35%; vùng du lịch Nam Trung bộ và Nam bộ là 1.029, 0 tỷ đồng chiếm 29,27%. Các tỉnh, thành phố nhận được sự hỗ trợ nhiều nhất là Ninh Bình, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Hà Tây, Quảng Nam, Quảng Ninh, Lâm Đồng (mỗi tỉnh, thành phố trên 130 tỷ đồng).
Phần lớn nguồn vốn được tập trung để phát triển các khu du lịch quốc gia với 2.300 tỷ đồng, chiếm 65,4%, trong đó, hỗ trợ phát triển giao thông: 1.794 tỷ đồng (78%), hỗ trợ phát triển hệ thống cấp nước: 50, 83 tỷ đồng (2,21%), hỗ trợ phát triển hệ thống cấp điện cho các khu du lịch: 50, 6 tỷ đồng (2,2%), hỗ trợ phát triển hệ thống xử lý chất thải, bảo vệ môi trường: 122, 8 tỷ đồng (5,6%), hỗ trợ nâng cấp hệ thống lưu trú: 240, 35 tỷ đồng (10,45%), các hạng mục khác: 35, 42 tỷ đồng (1,54%).
Sự hỗ trợ trên còn tập trung cho một số địa phương vùng sâu, vùng xa gắn phát triển du lịch với mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Thời kỳ 2001 - 2007, đã có 20 tỉnh được hỗ trợ 487 tỷ đồng (chiếm 13,85%) cho mục đích nêu trên.
MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÁC KHU DU LỊCH Ở VIỆT NAM
+ Nhóm giải pháp về công tác tổ chức, quản lý các khu du lịch:
- Chuyển các khu du lịch có nhiều chủ thể quản lý thành khu du lịch có một chủ thể quản lý.
- Thành lập Ban quản lý khu du lịch để tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch có hiệu quả.
- Thành lập Hiệp hội các khu lịch quốc gia Việt Nam để tạo môi trường trao đổi thông tin, kinh nghiệm quản lý kinh doanh và phát huy vai trò chủ động của các Ban quản lý khu du lịch.
+ Nhóm giải pháp về xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch các khu du lịch:
- Tổng cục Du lịch chỉ đạo xây dựng quy hoạch các khu du lịch quốc gia. Về kinh phí, đề nghị được cân đối trong nguồn kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.
- UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo lập quy hoạch các khu du lịch địa phương, có sự tham gia ý kiến của Tổng cục Du lịch cũng như các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành ở Trung ương.
- Sau khi quy hoạch các khu du lịch được phê duyệt, cần tổ chức công bố quy hoạch và cung cấp các thông tin liên quan để các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện.
+ Nhóm giải pháp về quyền sử dụng đất đai ở các khu du lịch:
- Lồng ghép quy hoạch du lịch với quy hoạch kinh tế – xã hội và quy hoạch sử dụng đất ở mỗi địa phương.
- Công bố công khai các vị trí, các khu vực, các danh mục dự án dành cho phát triển khu du lịch theo quy hoạch để kêu gọi các nhà đầu tư.
- Thống nhất các cơ chế chính sách trong việc giao đất, cho thuê đất, thời gian và giá cho thuê đất ở các khu du lịch đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Đối với các khu du lịch quốc gia ở vùng núi xa xôi, ở các hải đảo..., cần có cơ chế đặc thù riêng trong việc giao đất, thu hồi và giao đất cho nhà đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất, thuế đất.
- Đối với khu du lịch địa phương, UBND tỉnh (TP) chỉ đạo việc khảo sát nghiên cứu ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn để ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai cho phù hợp.
+ Nhóm các giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư:
- Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng
điểm vào cơ sở hạ tầng ở các khu du lịch làm cơ sở kích thích thu hút các nguồn vốn đầu tư
khác.
- Thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển các khu du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh ở các khu du lịch dưới các hình thức khác nhau
+ Nhóm các giải pháp về thuế trong đầu tư phát triển các khu du lịch, chú trọng đối với những loại thuế chủ yếu: thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế xuất, nhập khẩu; thuế sử dụng đất, thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế giá trị gia tăng
Th.s. LÊ VĂN MINH