Một chiến lược định vị thương hiệu phù hợp cho Du lịch Hạ Long sẽ tạo ra giá trị và sự khác biệt được khắc sâu trong suy nghĩ của du khách. Đồng thời, việc định vị giúp định hướng các hoạt động tiếp thị, truyền thông và chiến lược thương hiệu cho điểm đến Du lịch Hạ Long không chỉ dừng lại ở địa phương mà mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế. Khi đã xác định được phương pháp tiếp cận thị trường, bước kế tiếp là tìm cách thu hút du khách đến với giá trị của thương hiệu Du lịch Hạ Long.
Dù sản phẩm du lịch Hạ Long là gì đi chăng nữa thì yêu cầu thiết yếu nhất đối với sản phẩm du lịch phải là: có nét đặc trưng độc đáo và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường; bảo tồn và tôn vinh được các giá trị tài nguyên và môi trường khu vực; đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Đó là một trong những con đường ngắn nhất để Du lịch Hạ Long khẳng định mình trong xu thế hội nhập. Bởi vậy, những việc cần làm là thực hiện các nguyên tắc khai thác tài nguyên du lịch và tiến trình phát triển sản phẩm du lịch hợp lý.
Nguyên tắc khai thác tài nguyên du lịch
Muốn phát triển sản phẩm du lịch, khai thác tài nguyên du lịch trở thành yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mỗi doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương. Vì tài nguyên du lịch dạng tiềm năng sẽ không trở thành sản phẩm du lịch, chỉ có tài nguyên du lịch hiện thực mới có sức hấp dẫn và cuốn hút khách. Vì vậy, cần quan tâm khai thác hợp lý tài nguyên du lịch Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Để đảm bảo khả năng phát triển và khai thác tài nguyên du lịch trong khả năng kiểm soát cần phải xác định nguyên tắc khai thác sau: nguyên tắc phù hợp với nhu cầu khách; nguyên tắc lợi ích kinh tế; nguyên tắc đặc sắc; nguyên tắc tổng thể; nguyên tắc bảo tồn và giữ gìn.
Tiến trình phát triển sản phẩm du lịch
Phát triển sản phẩm du lịch có thể trải qua các bước cơ bản sau:
Bước 1: Nghiên cứu sản phẩm tại Hạ Long
Nghiên cứu sản phẩm du lịch gắn với Di sản Thiên nhiên vịnh Hạ Long là giai đoạn khởi đầu được tính từ khi hình thành ý tưởng sản phẩm mới đến khi các ý tưởng đó được phân tích, đánh giá một cách tổng hợp về mọi mặt hoạt động liên quan như kinh tế, tự nhiên, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, pháp luật... Giai đoạn này bao gồm các khâu: hình thành ý tưởng sản phẩm mới; lựa chọn một số đặc trưng của sản phẩm mới; phân tích, đánh giá và nhận định một cách tổng hợp các đặc trưng của sản phẩm được lựa chọn trên cơ sở tham khảo và tư vấn nhiều ý kiến.
Trong đó, vấn đề hình thành ý tưởng sản phẩm là quan trọng nhất. Nên xuất phát điểm ý tưởng cần hướng từ thị trường du lịch, tức là từ nhu cầu của khách du lịch, xem xét từ những mong muốn của họ để có một sản phẩm du lịch vừa ý, hợp thị hiếu và khả năng thanh toán.
Bước 2: Thiết kế, xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch
Sau khi đã có những luận cứ chắc chắn, nhà cung cấp sẽ ra quyết định triển khai thiết kế, xây dựng sản phẩm kể từ đây, công việc này diễn ra chủ yếu trong các đơn vị, bộ phận và các đối tác hỗ trợ của nhà cung cấp. Khi đó cần xác định rõ định hướng tài nguyên du lịch gắn liền với sản phẩm du lịch. Cụ thể là:
Sự phù hợp của tài nguyên du lịch Hạ Long với mục đích đi du lịch của khách: mỗi tài nguyên du lịch đều có thể mang lại cho du khách các giá trị về mặt tinh thần, tri thức, cảm giác... nhưng những giá trị đó chỉ có ý nghĩa khi chúng có thể đáp ứng những gì mà khách du lịch trông đợi.
Giá trị của tài nguyên du lịch: giá trị của tài nguyên du lịch được thể hiện ở các mặt giá trị của tài nguyên và mức độ giá trị của mỗi mặt. Mức độ giá trị của tài nguyên thường được thể hiện qua sự đánh giá chuyên môn của các nhà nghiên cứu hoặc cũng có thể dễ nhận biết nhất là qua sự đánh giá của chính khách du lịch, thể hiện rõ nét nhất ở số lượng khách đến với điểm du lịch đó. Mức độ giá trị của tài nguyên càng lớn thì khả năng thu hút khách của điểm du lịch càng cao.
Khả năng liên kết với các tuyến điểm du lịch khác: Đối với hoạt động du lịch, sự tương quan về vị trí địa lý giữa một điểm du lịch với các điểm du lịch khác có thể tác động trực tiếp tới lượng khách du lịch đến với điểm đó. Nếu điểm du lịch của Hạ Long có vị trí gần các điểm du lịch nổi tiếng khác, thuận tiện về giao thông thì có thể cho phép điểm du lịch đó kết hợp với các điểm du lịch còn lại để tạo nên những tuyến tham quan hấp dẫn, tạo ra nhiều chương trình du lịch khác nhau với nhiều hoạt động tham quan du lịch, giúp khách có nhiều cơ hội khác nhau khi lựa chọn sản phẩm, tăng khả năng thu hút khách của chính điểm du lịch đó và ngược lại. Những điểm du lịch có vị trí là đầu mối giao thông luôn có nhiều khả năng trong việc liên kết với các điểm du lịch khác để tạo nên nhiều tuyến tham quan du lịch khác nhau.
Môi trường tự nhiên - xã hội của Hạ Long bao gồm rất nhiều nhân tố khác nhau. Các nhân tố của môi trường tự nhiên xã hội có ảnh hưởng nhiều nhất tới hoạt động tham quan du lịch. Tình hình an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo luôn là tiền đề cho sự phát triển hoạt động du lịch. Trong các nhu cầu của con người nói chung và nhu cầu của khách du lịch nói riêng thì sự đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản luôn được đặt lên hàng đầu.
Các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước, của địa phương về phát triển du lịch là các yếu tố thuộc môi trường kinh doanh vĩ mô nhưng có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động du lịch. Chúng có thể kích thích hay kìm hãm sự phát triển của hoạt động du lịch nói chung, hay đối với một loại hình du lịch cụ thể nói riêng. Bên cạnh đó, nhiều địa phương còn cân nhắc hoặc lúng túng giữa một bên phát triển công nghiệp, một bên phát triển dịch vụ du lịch. Mà thông thường các chính sách, lợi ích và hiệu quả mang lại có những nghịch lý, mẫu thuẫn lẫn nhau. Điều này cũng đã từng xảy ra đối với những địa phương có nhiều tiềm năng như Quảng Ninh. Việc xác định lợi ích trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đôi khi phải cân bằng các giá trị mang lại gắn với phát triển du lịch.
Tiếp đến, cần phải xác định rõ các loại hình dịch vụ đi kèm với sản phẩm du lịch đã lựa chọn như giao thông vận chuyển khách du lịch; điều kiện lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác. Ngoài ra, để đầy đủ thông tin khi tổ chức du lịch cho khách du lịch, nhà cung cấp cần nghiên cứu các điều kiện khác liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ bổ sung (vui chơi giải trí, dịch vụ mua sắm...), các sự kiện đặc biệt có khả năng thu hút khách du lịch (các sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao...), các loại hình nghệ thuật sân khấu...
Bước 3: Thử nghiệm sản phẩm du lịch
Sau khi hoàn thành việc thiết kế sản phẩm, dự kiến về chủ đề, biểu tượng của sản phẩm, nhà cung cấp tiến hành công việc thử nghiệm sản phẩm. Mục đích của giai đoạn này là điều chỉnh hợp lý về đặc tính sử dụng của sản phẩm, kiểm tra các tiêu chí yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, kinh tế của sản phẩm. Quan trọng nhất, tiến hành việc mời các đối tượng khách hàng thử nghiệm và chuyên gia dùng thử và đánh giá về sản phẩm du lịch với số lượng vừa đủ. Từ đó, so sánh sản phẩm dự kiến với sản phẩm thử nghiệm có đạt các tiêu chí đã đề ra hay không. Thông thường người ta dựa vào thiết lập bảng hỏi, điều tra, phỏng vấn hoặc kết hợp với quan sát khách quan quá trình sử dụng và đánh giá sản phẩm du lịch.
Bước 4: Thương mại hóa sản phẩm du lịch
Việc thử nghiệm sản phẩm trên thị trường du lịch giúp cho nhà cung cấp có đủ dữ liệu để đi tới quyết định cuối cùng là nên tung sản phẩm đó ra thị trường. Trong giai đoạn thương mại hóa sản phẩm, nhà cung cấp phải quyết định 3 vấn đề: thời điểm thương mại hóa; địa điểm thương mại hóa; thị trường khách mục tiêu. Nhà cung cấp phải triển khai một kế hoạch hành động nhằm giới thiệu sản phẩm vào thị trường ngày càng được mở rộng. Để hoạt động này đạt kết quả tốt cần phải phân bổ ngân sách và nối kết các hoạt động khác với nhau.
Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển du lịch nước nhà cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức với các công ty du lịch. Với tư cách là những người chủ thật sự của Hạ Long, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch ngoài việc đảm bảo an toàn cho những chuyến tham quan thưởng ngoạn của du khách, còn phải có sứ mạng truyền tải đến mọi người nét văn hóa Hạ Long, văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, các công ty du lịch cần chú trọng yếu tố con người với những giá trị nhân bản cùng ý thức hệ tiên tiến.
Hy vọng, với những chính sách và giải pháp hữu hiệu từ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, vịnh Hạ Long – Di sản Thiên nhiên thế giới, Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới sẽ hội nhập và tỏa sáng, trở thành thương hiệu điểm đến độc đáo và khác biệt của Du lịch Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung./.
Vịnh Hạ Long đã được quốc tế ghi nhận với 9 giá trị độc nhất vô nhị: địa danh duy nhất hai lần được tôn vinh là Di sản Thiên nhiên thế giới; giá trị cảnh quan; giá trị địa chất - địa mạo; giá trị đa dạng sinh học; giá trị văn hóa - lịch sử; Di sản thế giới sở hữu nhiều giá trị nhất; giá trị du lịch - nghỉ dưỡng; đa dạng thủy hải sản; lượng khách quốc tế tham quan lớn nhất Việt Nam. |
Theo Tạp chí Du lịch