Hiện trạng nguồn nhân lực du lịch tại Đà Nẵng
Hiện Thành phố có 33 cơ sở đào tạo về du lịch với 20 chuyên ngành, cung cấp khoảng 3.600 sinh viên cho thị trường lao động (năm 2021). Tuy nhiên, vẫn có sự mất cân đối giữa các ngành đào tạo, trình độ đào tạo với mức độ tập trung vào một số ngành quản trị khách sạn, quản trị lữ hành, nghiệp vụ nhà hàng, chế biến món ăn. Số lượng đào tạo về nghiệp vụ buồng phòng, lễ tân còn hạn chế. Một số ngành được dự báo có nhu cầu cao (tiếng Hàn Quốc, Thái Lan, marketing du lịch…) chưa được đào tạo hoặc số lượng còn ít. Đa số sinh viên tốt nghiệp chỉ có thể đáp ứng yêu cầu các vị trí công việc ở cấp thấp. Việc khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vị trí quản lý sẽ tiếp tục diễn ra trong trường hợp không có nguồn cung khác ngoài nguồn nội bộ như hiện nay.
Tổng số nhân lực du lịch năm 2021 của Thành phố ước đạt 11.476 người (giảm 60% so với năm 2019). Trong đó, nhân lực cơ sở lưu trú 4 - 5 sao chiếm 56,5% toàn khối. Do phải kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc để giảm tối thiểu chi phí vận hành, nhân lực tại các doanh nghiệp du lịch gặp nhiều khó khăn và áp lực. Tại các khu, điểm du lịch do Nhà nước quản lý vẫn duy trì 100% lao động làm việc. Các khu, điểm du lịch thuộc quản lý tư nhân chỉ duy trì 30% lao động làm việc luân phiên để thực hiện một số công việc thiết yếu, còn lại khoảng 70% lao động tạm thời nghỉ việc.
Tổng số nhân lực hoạt động lữ hành trong năm 2021 khoảng 230 người (giảm 87,5% so với năm 2019). Hầu hết các đơn vị lữ hành đã cho nghỉ việc toàn bộ lao động hoặc 50 - 80% lao động phải chuyển sang lĩnh vực khác. Các công ty lớn chỉ duy trì bộ phận kế toán và một số nhân viên điều hành hoạt động không lương và hưởng theo doanh số bán được.
Số lượng hướng dẫn viên đã được cấp thẻ là 4.464 người, trong đó số lượng hoạt động thực tế là khoảng 1.340 hướng dẫn viên; năm 2021 có khoảng 95% đã tạm ngừng hoạt động.
Hầu hết doanh nghiệp vận tải tạm ngưng hoạt động, cắt giảm số lượng lao động cơ hữu. Các cơ sở nhà hàng, mua sắm phục vụ khách du lịch đóng cửa khoảng 80 - 90%, khối còn mở cửa phục vụ thì cắt giảm mạnh về nhân sự.
Phát triển nguồn nhân lực du lịch Đà Nẵng – Những việc cần làm
Đối với cơ quan quản lý nhà nước
Khảo sát toàn diện nguồn nhân lực du lịch Thành phố (về số lượng, chất lượng, tình hình sử dụng nhân lực tại các đơn vị, nhu cầu/khó khăn của các doanh nghiệp và người lao động...) để có hướng bồi dưỡng, đào tạo lại và phát triển nguồn nhân lực du lịch hiệu quả, hợp lý.
Thu hút, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2025 theo Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công. Nghiên cứu đề xuất thêm các cơ chế, chính sách hỗ trợ, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên sâu đặc thù về du lịch.
Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các loại hình du lịch mới: sinh thái, kinh tế đêm, môi trường, thiện nguyện, tâm linh... Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng cao cấp về quản trị chiến lược, rủi ro, khả năng dự báo, phân tích số liệu...; các lớp tập huấn về chuyên môn, kỹ năng mới như chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cơ bản trong khai thác và quản lý hoạt động du lịch, sales - marketing online...
Triển khai các ứng dụng, nền tảng hỗ trợ công việc, giao tiếp, họp trực tuyến, QR Code, hệ thống thông tin chính quyền điện tử…;
Xây dựng hệ thống dữ liệu nguồn nhân lực du lịch đảm bảo 100% đơn vị kinh doanh được cập nhật thông tin thường xuyên, chính xác; giúp nhanh chóng tìm kiếm, tuyển dụng lao động khi ngành Du lịch hồi phục.
Tăng cường vai trò của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng trong công tác hỗ trợ, đào tạo, nghiên cứu và dự báo thông tin, thị trường nguồn nhân lực du lịch.
Mở rộng các hoạt động tôn vinh tài năng, phối hợp tổ chức các hội thi nghề nhằm tạo ra môi trường học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hoàn thiện năng lực của mỗi cá nhân hoạt động trong Ngành.
Đối với doanh nghiệp du lịch
Tận dụng chính sách đào tạo miễn phí kỹ năng và trao đổi việc làm ngắn hạn cho nguồn nhân lực (marketing online, thiết kế, thương mại điện tử…).
Triển khai 10 Bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong phục vụ khách du lịch, nâng cao nhận thức về tư duy dịch vụ chuẩn chuyên nghiệp.
Tổ chức tập huấn nghiệp vụ các chuyên môn, kỹ năng mới trong ngành Du lịch như chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cơ bản trong khai thác và quản lý hoạt động du lịch, sales - marketing online, phân tích dữ liệu...
Đà Nẵng cần xác định mục tiêu đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng tốc độ hồi phục; hình thành nguồn nhân lực du lịch có năng lực thích ứng với nhu cầu, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, tạo cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực du lịch theo hướng dữ liệu mở để phục vụ công tác quản lý và chia sẻ cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nghiên cứu. Qua đó, tăng cường liên kết các nguồn lực xã hội để kết nối, hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, đảm bảo nhu cầu phát triển ngành Du lịch Thành phố trong thời gian tới.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 về “xâyd ựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
2. Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, B��o cáo tổng kết tình hình hoạt động du lịch giai đoạn (2016 - 2020).
3. Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, Kế hoạch số 7513/KH-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng ngày 26/11/2020 về việc phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025…
Nguyễn Thị Kim Thoa
Lê Ngọc Nhất
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 4/2022)