Cơm Lam - món ăn của núi rừng
Cơm Lam - món ăn của núi rừng
Thứ sáu, 12/05/2006 | 14:01 GMT+7
Hầu hết các tộc người vùng núi phía Bắc như Tày, Dao, Thái; đồng bào Ê Đê, M’Nông ở Tây Nguyên đều làm cơm lam.
Đối với bà con dân tộc, mọi thứ gạo nếp đều có thể nấu thành cơm lam nhưng ngon nhất vẫn là gạo nếp nương, mà tốt nhất là gạo khảu tan (nếp tan) thu hoạch vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Để làm cơm lam, gạo khảu tan được cho vào ngâm khoảng một giờ, sau đó vo sạch, rắc ít muối trộn đều rồi cho vào ống lam. Dụng cụ để lam chính là ống nứa vừa trải qua thời kỳ măng để khi nướng, ống chỉ cháy được ở phần ngoài và nước ngọt của cây ngấm vào thức ăn. Theo kinh nghiệm của bà con dân tộc Thái, nứa ngô dùng làm cơm lam là tốt nhất vì ống nhỏ, thường có lớp giấy lụa mỏng mịn bám chặt vào cơm sau khi nướng chín. Loại ống nứa non mỗi cây chỉ chặt được khoảng từ ba đến bốn ống, mỗi ống dài độ 30cm ở lưng chừng thân cây. Những gióng nứa như thế bao giờ cũng chứa sẵn thứ nước trong vắt và vô cùng tinh khiết. Chặt ống nứa, để lại một mấu, tránh làm giập ống. Khi cho gạo vào ống không được nén quá chặt, không đầy quá mà phải để cách miệng ống lam khoảng 4 - 6cm, sau đó lấy lá chuối non vừa chặt về hơ qua lửa cho mềm lá chuối nút vừa miệng ống, rồi lấy hai thanh nứa hoặc tre mềm cài hình chữ thập để giữ cho gạo không bị bung ra. Sau đó, dựng ống lam theo chiều thẳng đứng vào bếp lửa đang cháy. Đốt ống lam đều cho tới khi màu xanh bên ngoài ống lam ngả đen. Độ ẩm của nước trong ống nứa ngô cạn dần và ngấm vào hạt nếp cho tới lúc cạn kiệt là cơm lam vừa chín tới. Cơm lam chín lấy ra để nguội, róc hết lớp vỏ cháy bên ngoài, dùng tay tước lớp vỏ mỏng, để lộ dần một lớp "giấy" trắng ngà của ống nứa non bọc lấy những hạt cơm thơm dẻo. Khi ăn, ăn cả lớp "giấy" đó. Muốn để cơm lam được lâu, dễ vận chuyển, giữ được vị thơm ngon đặc biệt, người ta chỉ bóc hết lớp vỏ cháy bên ngoài, khi ăn mới bóc tiếp lớp còn lại.
Cơm lam là một món ăn giản dị của núi rừng mà chất chứa trong đó biết bao tinh túy của đất trời.
THU HẰNG