Ngân sách nhà nước cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam còn hạn chế
Đối với đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, ngân sách nhà nước là nguồn vốn quan trọng tạo ra cơ sở vật chất, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy. Đây là nguồn vốn hết sức cần thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bao gồm vốn sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển. Vốn sự nghiệp là các khoản chi thường xuyên là các khoản chi gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của cơ sở thuộc phạm vi cấp phát vốn của ngân sách nhà nước, bao gồm chi cho con người, chi về nghiệp vụ chuyên môn, quản lý hành chính, mua sắm sửa chữa. Vốn đầu tư phát triển nguồn vốn ngân sách nhà nước là việc sử dụng nguồn vốn được hình thành từ ngân sách nhà nước cho hoạt động đầu tư, bao gồm các khoản chi đáp ứng nhu cầu xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
So với thực tế ngân sách nhà nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 85% nhu cầu vốn.
Trong giai đoạn vừa qua, nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đào tạo nhân lực du lịch tăng về quy mô nhưng có xu hướng giảm dần về tỷ trọng. Đầu tư kinh phí cho đào tạo các cấp học đều thấp và không ổn định trong những năm gần đây. Đào tạo nhân lực du lịch vẫn còn thể hiện sự bao cấp của nhà nước làm cho các cơ sở đào tạo du lịch công lập tiếp tục ỷ lại, trông chờ vào nguồn kinh phí cấp phát dễ gây nên hiện tượng độc quyền, bất bình đẳng trong việc hưởng thụ trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo du lịch công lập hiện mang tính bình quân, cào bằng, chưa gắn với nhu cầu đào tạo, cơ cấu ngành nghề và chất lượng đào tạo. Hiện nay, việc giao dự toán ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo nói chung và cơ sở đào tạo du lịch được thực hiện theo cơ chế khoán, căn cứ vào khả năng của ngân sách, dự toán được giao năm trước để làm căn cứ giao khoán năm sau. Hàng năm, có sự thay đổi nhiều về số lượng, cơ cấu đào tạo, giá cả... nhưng việc giao khoán không gắn với số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo. Việc đầu tư bình quân cho học sinh, sinh viên các ngành học khác nhau với một khoản kinh phí như nhau từ ngân sách nhà nước là điểm bất cập hiện nay. Với những ngành mà nhu cầu xã hội cần nhiều, người học thích học sẽ phải chịu một cơ chế khác so với những ngành học nhà nước cần nhưng người học chưa mặn mà.
Phát huy vai trò của ngân sách nhà nước cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch
Với thực trạng vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch như trên, trong thời gian tới, cần bổ sung, sửa đổi những nội dung về phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước cho phát triển nguồn nhân lực du lịch theo hướng đa dạng hóa đối tượng thụ hưởng, chuyển mạnh sang cơ chế cấp ngân sách căn cứ vào kết quả đầu ra của phát triển nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các chương trình đào tạo du lịch trọng điểm và các ngành đào tạo trọng điểm của quốc gia. Giai đoạn tới cần tập trung vào việc đổi mới phương thức xây dựng kế hoạch phân bổ và sử dụng ngân sách cho phát triển nguồn nhân lực du lịch, nhằm thực hiện công khai, minh bạch trong phân bổ và sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường giám sát hoạt động chi tiêu ngân sách nhà nước đối với các cơ sở đào tạo du lịch, gắn phân bổ chi thường xuyên với nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Cụ thể, cần thực hiện các giải pháp sau:
Đổi mới phương thức phân bổ, cấp phát ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên phát triển nguồn nhân lực du lịch
Xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách nhà nước đảm bảo mức chi cho phát triển nguồn nhân lực du lịch; hàng năm dành một khoản ngân sách để đền bù giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch cho các cơ sở xã hội hóa lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Các Bộ, Ngành và cơ quan ở địa phương cần phối hợp trong việc phân bổ, giám sát thực hiện dự toán ngân sách nhà nước chi cho đào tạo và dạy nghề du lịch hàng năm. Ngân sách nhà nước cấp kinh phí xây dựng cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo du lịch, mua sắm các trang thiết bị dạy nghề theo chiều sâu và có trọng tâm, trọng điểm.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn, nhà nước cần dùng tiền ngân sách để đầu tư thành lập mới một số trường công lập du lịch tại những địa bàn còn khó khăn; khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các trường đại học, cao đẳng tư thục du lịch tại các tỉnh, thành phố có điều kiện. Ưu tiên tập trung đầu tư thành lập mới và nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật các trường đại học và cao đẳng truyền thống đào đạo du lịch. Ban hành chính sách và cơ chế khuyến khích các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề hợp tác, liên doanh để tiến hành các hoạt động khoa học và công nghệ, thực hiện hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh, nhằm tăng cường năng lực tài chính cho các cơ sở đào tạo du lịch. Quy định các cơ sở đào tạo du lịch phải có cơ sở thực nghiệm, thực hành nghề để người học có điều kiện gắn kết giữa lý thuyết với thực tiễn.
Phân bổ ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên theo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết phát triển du lịch, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Đảm bảo học sinh, sinh viên chính quy trong các cơ sở đào tạo du lịch công lập được hưởng nguồn ngân sách hỗ trợ của nhà nước theo các tiêu chí: ngành nghề đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, vùng, miền đặt địa điểm và số lượng sinh viên chính quy quy đổi.
Cấp phát ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo du lịch công lập chuyển sang cơ chế đặt hàng đào tạo và dạy nghề, đấu thầu chỉ tiêu đào tạo và giao nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề cho các cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch. Ưu tiên đối với những cơ sở đào tạo du lịch đạt chuẩn kiểm định chất lượng, cơ sở đào tạo và dạy nghề đặc thù, cơ sở đào tạo và dạy nghề dân tộc nội trú, ngành, nghề đào tạo khó tuyển sinh, đào tạo và dạy nghề cho người năng khiếu, người tàn tật, nghề công nghệ cao, nghề trọng điểm.
Sử dụng ngân sách nhà nước cho phát triển nguồn nhân lực du lịch có hiệu quả
Sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư tập trung đồng bộ theo ngành, nghề, hình thành hệ thống mạng lưới cơ sở đào tạo, dạy nghề du lịch các cấp chất lượng cao; hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở đào tạo du lịch công lập ở các tỉnh khó khăn. Đối với các cơ sở đào tạo du lịch khó thực hiện xã hội hóa, ngân sách nhà nước cần đầu tư, xây dựng định mức chi phí đào tạo, chi xây dựng chương trình khung, xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình cho các ngành, chuyên ngành du lịch phổ biến.
Ngân sách nhà nước cần tập trung cho các lĩnh vực nhằm mục đích tiêu chuẩn hóa, xây dựng chuẩn danh mục trang thiết bị giảng dạy, đặt hàng đào tạo cho các ngành khó tuyển sinh mà thị trường có nhu cầu và những nghề nhà nước ưu tiên phát triển. Cần hỗ trợ học sinh, sinh viên học nghề du lịch gắn với nông thôn của các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách. Tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo và dạy nghề du lịch, xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng công lập, xây dựng tiêu chuẩn và biên soạn đề thi kỹ năng nghề, xây dựng các trung tâm đánh giá kỹ năng nghề quốc gia và hỗ trợ chi phí đánh giá kỹ năng nghề du lịch cho người lao động.
Kiểm tra, giám sát và nâng cao hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước
Xây dựng cơ chế chi tiêu nội bộ tại các cơ sở đào tạo du lịch trên nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Xây dựng bộ chỉ tiêu và quy trình đánh giá hiệu quả chi ngân sách nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chi ngân sách nhà nước.
Vận dụng và sử dụng có hiệu quả quyền tự chủ về mức chi, nội dung chi phân bổ ngân sách nhà nước.
Tài liệu tham khảo:
1.Bộ Giáo dục và Đào tạo (2009), Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014
2.Đinh Thị Hải Hậu (2015), Luận án Tiến sỹ kinh tế “Huy động vốn đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế”, Học viện Tài chính
TS. Đinh Thị Hải Hậu
(Tạp chí Du lịch)