Đào tạo theo tín chỉ là sự tích lũy kiến thức của người học theo từng học phần (đơn vị: tín chỉ). Khác với hình thức lớp học được tổ chức theo một chương trình chung áp dụng nhất loạt cho tất cả người học. Khi tổ chức giảng dạy theo tín chỉ, lớp học được tổ chức theo từng học phần; đầu mỗi học kỳ, sinh viên được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực và hoàn cảnh của họ và phù hợp với quy định chung nhằm đạt được kiến thức theo một ngành chuyên môn chính nào đó. Sự lựa chọn các môn học rất rộng rãi, sinh viên có thể ghi tên học các môn liên ngành nếu thích. Sinh viên không chỉ học các môn chuyên môn của mình mà còn cần học các môn khác lĩnh vực, chẳng hạn sinh viên các ngành khoa học tự nhiên và kỹ thuật vẫn cần học một ít môn khoa học xã hội - nhân văn và ngược lại.
Đào tạo theo tín chỉ mang lại nhiều lợi ích: tính linh hoạt và khả năng thích ứng cao, mang lại hiệu quả rất tích cực về đào tạo, quản lí giáo dục, chi phí đào tạo giảm. Với mô hình đào tạo này, sinh viên được tự do lựa chọn chương trình và thời gian học phù hợp với điều kiện bản thân, từ đó tăng tính chủ động cho sinh viên, tăng tính tự học, tự tạo ra kiến thức. Hay nói cách khác đây là mô hình đào tạo kiểu mẫu, coi người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Ngoài ra, mô hình đào tạo này còn cho phép sinh viên chuyển đổi ngành nghề, chuyển đổi trường học và tích lũy kinh nghiệm thực tế từ đó giúp cho đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội.
Với những tính ưu việt nêu trên, việc chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ gặp khá nhiều thuận lợi. Trước hết là sự ủng hộ về chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước và các cấp quản lí giáo dục. Hơn nữa, trong những năm gần đây, người ta hay đặt vấn đề về chất lượng giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, nên việc thay đổi để có chất lượng đào tạo cao hơn chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của xã hội, đặc biệt là các nhà tuyển dụng. Thực tế thành công của giáo dục ở Mỹ và Nhật Bản đã minh chứng cho điều này. Đối với người học, sự linh hoạt và chủ động sẽ mang đến cho họ nhiều động lực hơn. Đối với giảng viên, tín chỉ là cơ hội để họ nhìn lại phương pháp dạy học và trau dồi kiến thức chuyên môn của mình. Tuy nhiên khi mới áp dụng đào tạo theo tín chỉ cũng sẽ gặp một số khó khăn: đó là cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên đang quen với phương thức đào tạo cũ, do đó khi thay đổi cũng sẽ gặp bỡ ngỡ; một vấn đề khó khăn nữa là cơ sở vật chất, chương trình môn học, giáo trình, bài giảng cần phải thiết kế mềm dẻo và linh hoạt. Nhưng việc chuyển đổi sang đào tạo theo tín chỉ về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà trường, giảng viên và sinh viên.
Đối với Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, có thể áp dụng đào tạo theo tín chỉ đối với hệ cao đẳng, sau đó khi nâng cấp thành Trường Đại học thì có thể áp dụng đối với các hệ khác. Để chuyển sang đào tạo theo tín chỉ nhà trường cần phải chuẩn bị tốt công tác tư tưởng cho cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên và sinh viên. Mở các lớp tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên và sinh viên về đào tạo tín chỉ. Chuẩn bị đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và giỏi về chuyên môn. Thiết kế, xây dựng chương trình môn học, giáo trình mềm dẻo và linh hoạt. Trong một ngành học thiết kế, xây dựng nhiều môn học trong đó có những môn học bắt buộc và tự chọn. Đặc biệt cần xây dựng hệ thống thư viện điện tử, chuẩn bị đầy đủ giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo để sinh viên tra cứu học tập. Đối với các phòng học và cơ sở vật chất khác cần thiết kế, xây dựng linh hoạt, có cả những phòng học lớn và phòng học nhỏ phù hợp với quy mô của từng lớp học. Về quản lý giáo dục nhà trường cần chuẩn bị và áp dụng các phần mềm quản lý về đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo.
Như vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hội nhập và phát triển nhà trường cần chuyển sang đào tạo theo tín chỉ đối với hệ cao đẳng. Đào tạo theo tín chỉ sẽ mạng lại hiệu quả cao cho nhà trường, giảng viên và sinh viên. Việc chuyển sang đào tạo tín chỉ là bước đi đúng đắn trong thời đại toàn cầu hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học và nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó đưa nhà trường hội nhập sâu rộng hơn với thế giới. Tuy nhiên, để chuyển sang đào tạo tín chỉ đạt kết quả cao, cần chú trọng đổi mới đồng bộ, từ chương trình đào tạo đến cách thức quản lý, đánh giá chất lượng.
ThS. Lương Thị Vân
(Tạp chí Du lịch)