Chương trình đào tạo Du lịch văn bằng 2 gắn với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động
(VTR) - Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2016, cả nước có 218.800 người thất nghiệp có trình độ đại học. Trong khi số lượng khổng lồ các cử nhân tốt nghiệp ở nhiều ngành không có việc làm thì ngành du lịch lại đang rất thiếu nhân lực. Dự báo năm 2020, nhu cầu về nhân lực hoạt động trong ngành du lịch sẽ tăng 40% so với năm 2015. Theo ước tính, từ nay tới năm 2020 mỗi năm ngành Du lịch cần thêm khoảng 40.000 lao động nhưng các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 25.000 lao động.
Với chủ trương phải hành động để giải quyết kịp thời tình trạng cử nhân không có việc làm nêu trên để góp phần giải quyết vấn đề nhân lực của ngành Du lịch, Khoa Du lịch - Viện Đại học Mở Hà Nội nhận thấy cần có giải pháp theo hướng cung cấp các chương trình đào tạo bằng đại học thứ 2 với định hướng nghề để trang bị cho người học các kỹ năng, kiến thức và thái độ cần thiết để tham gia vào thị trường lao động của ngành du lịch sau khi tốt nghiệp. Với mục tiêu chương trình đào tạo này phải được xã hội công nhận về chất lượng, văn bằng, trong hai ngày (1-2/11/2017), Khoa Du lịch - Viện Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức hội thảo với chủ đề: “Chương trình đào tạo Du lịch văn bằng 2 gắn với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động” nhằm nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn, tư vấn kịp thời từ cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch; nhận được các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong ngành về chương trình và cơ chế phối hợp thực hiện giữa các bên tham gia; nhận được sự hỗ trợ và cam kết phối hợp của các doanh nghiệp và hiệp hội nghề để hỗ trợ sinh viên, học viên có cơ hội được thực hành nghề và được đào tạo nghề trong môi trường doanh nghiệp.
Chương trình đào tạo du lịch – khách sạn văn bằng 2 gồm: Mô hình tiếp cận: Tiếp cận theo mô hình đào tạo ở nước ngoài: Lý thuyết nghề -> Thực hành nghề tại trường -> Thực hành nghề tại doanh nghiệp -> Lý thuyết về quản lý -> Thực hành tại doanh nghiệp -> Thực tập -> Tốt nghiệp (Cử nhân); Chương trình khung: Tập trung vào các học phần chuyên ngành khách sạn (16 học phần, 66 tín chỉ), thời gian đào tạo tại cơ sở đào tạo 8 tháng, thời gian đào tạo, thực hành ở doanh nghiệp 14 tháng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh việc đào tạo văn bằng 2 là rất thiết thực, cần làm ngay để bù đắp nguồn nhân lực thiếu hụt cho ngành du lịch, đặc biệt là nhân lực làm việc trong khách sạn. Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội cần tiếp tục giữ vững truyền thống, đảm bảo chất lượng đào tạo theo yêu cầu doanh nghiệp; phải thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, đảm bảo sự thông hiểu giữa hai bên, xác định tính mùa vụ của du lịch để phân bố thời gian đào tạo tại cơ sở đào tạo và tại doanh nghiệp cho phù hợp; xây dựng chương trình đào tạo trên nền tảng công nghệ thông tin…
Được thành lập năm 1993, Viện Đại học Mở Hà Nội đã có hơn 24 năm gắn bó với sự nghiệp đào tạo cung cấp cho xã hội trên 150.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, thạc sỹ thông qua các loại hình đào tạo khác nhau như: tập trung chính quy, vừa làm vừa học, liên thông, song song hai văn bằng, đào tạo từ xa. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp được xã hội đón nhận, có việc làm ổn định. Nhiều sinh viên tốt nghiệp của Viện hiện đang giữ các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp, cơ quan và chính quyền các cấp. Theo điều tra sinh viên tốt nghiệp năm 2015, số sinh viên tốt nghiệp có việc làm trung bình chiếm tỉ lệ 92%.
Với phương thức đào tạo từ xa, thông qua việc liên kết với 75 cơ sở đào tạo thuộc hơn 40 tỉnh, thành phố từ Bắc đến Nam,Viện đã mang lại cơ hội học tập đến với nhiều người dân trên mọi miền đất nước, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những người khuyết tật,… góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Về hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch, ngay từ những ngày đầu thành lập, Viện Đại học Mở Hà Nội đã tiến hành đào tạo 2 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh du lịch – khách sạn và Hướng dẫn du lịch - Quản trị lữ hành.
Với phương châm “Dạy thật - Học thật - Kỷ cương, Nề nếp nghiêm” cùng với triết lý: “Chất lượng - Thực tiễn - Dễ học” đội ngũ giảng viên, cán bộ và sinh viên của ngành Du lịch của Viện Đại học Mở Hà Nội coi việc tiếp cận với thực tế nghề nghiệp trong quá trình giảng dạy. Nỗ lực đào tạo nhân lực phục vụ ngành Du lịch của Viện Đại học Mở Hà Nội đã cung cấp cho ngành hàng chục nghìn nhân lực có chất lượng cao. |
PV