Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập ngày 31/12/2015 với mục tiêu hình thành một khu vực tự do trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề, phát triển nguồn nhân lực du lịch nhằm nâng cao năng lực và chất lượng lao động du lịch các nước ASEAN để phục vụ khách du lịch trong và ngoài khu vực. Để thực hiện mục tiêu này, các nước ASEAN đã triển khai nhiều công việc quan trọng như xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và giáo trình đào tạo du lịch chung ASEAN đối với 6 nghề du lịch thu hút nhiều lao động nhất là Lễ tân, Buồng, Phục vụ nhà hàng, Chế biến món ăn, Điều hành du lịch, Đại lý lữ hành. Các nước cũng đã ký kết thỏa thuận Công nhận lẫn nhau về nghề du lịch (MRA-TP) để tạo hành lang pháp lý và các điều kiện cần thiết cho việc chuyển dịch lao động du lịch trong khu vực.
8 ngành nghề được công nhận lẫn nhau và tự do di chuyển trong khu vực ASEAN gồm: thực hành y tế, thực hành nha khoa, điều dưỡng, tư vấn kỹ thuật, kiến trúc, kế toán, kiểm toán, khảo sát và du lịch.
Đối với du lịch, trình độ của người lao động trong lĩnh vực du lịch của một nước ASEAN được một nước ASEAN khác công nhận, và được làm việc tại nước đó với điều kiện: làm việc 1 trong 32 lĩnh vực dịch vụ khách sạn và lữ hành được quy định cụ thể tại phụ lục MRA-TP (không bao gồm Hướng dẫn viên), có chứng nhận trình độ du lịch đáp ứng Tiêu chuẩn trình độ chung ASEAN về du lịch (ACCSTP) và được cấp bởi một Hội đồng chứng nhận nghề du lịch tại nước mình.
TS Đỗ Thị Thanh Hoa, Phó Viện trưởng ITDR nhận định, MRA-TP sẽ mở ra nhiều cơ hội cho Du lịch Việt Nam nói chung, lao động du lịch nói riêng, như tạo môi trường tốt để nâng cao tính chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập. Tuy nhiên, những rào cản cũng hết sức lớn về văn hóa, ngôn ngữ, khả năng làm việc nhóm, các kỹ năng mềm, kỷ luật, năng suất lao động… vốn là những điểm yếu của nhân lực du lịch Việt Nam.
Một khảo sát do ITDR tiến hành cho thấy, Singapore là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về mong muốn được đến làm việc của lao động du lịch Việt Nam, tiếp đó là Thái Lan, Malaysia, Philipines…
Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành của Việt Nam còn thấp (xếp hạng 67/136 quốc gia và vùng lãnh thổ, năm 2017), nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ “chảy máu chất xám” do xu hướng dịch chuyển lao động sẽ “hút” nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại nước ngoài, bởi môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ, an sinh xã hội hấp dẫn hơn. Điều này có thể dẫn tới nhân lực du lịch chất lượng cao suy giảm mạnh.
PGS.TS Nguyễn Bá Ngọc, Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho rằng, nguồn lao động chất lượng cao tìm kiếm các môi trường làm việc tốt hơn là quy luật của sự phát triển, doanh nghiệp muốn mạnh phải có chính sách thu hút người tài và có cơ chế đãi ngộ tương xứng để “giữ chân” họ.
Ông Ngọc dẫn chứng thực tế từ Australia – quốc gia rất thành công trong việc thu hút lao động trình độ cao, cách đây 10 năm nước này đã đưa ra cơ chế khuyến khích lao động làm việc trong lĩnh vực nấu ăn bằng những mời gọi hấp dẫn như thu nhập cao, có thể cư trú dài hạn, được bảo lãnh người thân sang sinh sống… nhờ vậy Australia đã thu hút được rất nhiều đầu bếp tài năng đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Ông Ngọc phân tích, quản lý dịch chuyển lao động trong lĩnh vực du lịch phải đặt mục tiêu phát triển du lịch lên trên hết, làm thế nào để tăng lượng khách, doanh thu, năng lực cạnh tranh. Hiện tại, 3 chủ thể chính của dịch chuyển lao động là cơ quan quản lý nhà nước (QLNN), doanh nghiệp, nhà trường, cá nhân người lao động đều có quan điểm khác nhau nên rất khó thực hiện mục tiêu chung. Ở góc độ QLNN liên quan đến nhiều vấn đề như chính sách xuất nhập cảnh, visa, an ninh, chính quyền địa phương; đối với doanh nghiệp thì mối quan tâm là doanh thu, lợi nhuận; nhà trường đào tạo những gì đang có, chưa theo kịp các tiêu chí đào tạo du lịch của khu vực.
Đồng tình với ý kiến này, TS Vũ An Dân, Trưởng khoa Du lịch Viện Đại học Mở Hà Nội cho rằng, các cơ sở đào tạo du lịch cần phải nhanh chóng đồng bộ hóa chương trình đào tạo để tương thích vớitiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch.
“VTOS cấp bằng theo từng giai đoạn, hoàn thành chặng nào được cấp bằng tương ứng với chặng đó, trong khi tâm lý chung vẫn chuộng kiểu cấp bằng ‘truyền thống’, ông Dân nêu ý kiến.
Theo TS Nguyễn Quang Việt, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, dịch chuyển lao động du lịch trong hội nhập ASEAN hiện nay còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết. Ngay trong thuật ngữ cũng hết sức phức tạp (như thế nào là lao động có kỹ năng, lao động có tay nghề, lao động lành nghề, lao động chuyên môn kỹ thuật, lao động qua đào tạo, lao động phổ thông…) mà tiêu chuẩn nghề cũng chưa có sự thống nhất.
Mặc dù Việt Nam đã chính thức ban hành Khung trình độ quốc gia (năm 2016) với cấu trúc 8 bậc đào tạo (từ sơ cấp đến tiến sỹ), là cơ sở để so sánh tương đương giữa giữa các bậc trình độ của Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN, làm nền tảng cho việc công nhận trình độ giữa các nước trong khu vực, song TS Nguyễn Quang Việt cho rằng “rất khó so sánh” bởi hiện tại Việt Nam chưa có nơi đào tạo Tiến sĩ (chuyên ngành) du lịch. Không những thế, ở bậc đào tạo Cao đẳng khi đưa ra so sánh với khu vực và quốc tế thì “không có bậc tương đương”.
Đến từ Tập đoàn Mường Thanh – một doanh nghiệp đặc biệt thành công trong lĩnh vực đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, Ths Trần Ngọc Lương, Phó Tổng giám đốc Mường Thanh cho rằng sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch có năng lực đang ngày càng trầm trọng, đây là mối quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp lưu trú, lữ hành. Ông Lương cho biết, trong vòng 2 năm tới, Mường Thanh sẽ khai trương khoảng 3 khách sạn nữa, nâng tổng số khách sạn của Mường Thanh lên 53 khách sạn, với số lượng nhân lực trên 10.000 người. Nhu cầu lớn, nhưng không phải tuyển dụng là sử dụng được ngay mà doanh nghiệp phải đào tạo lại.
“Mới đây Mường Thanh đã khai trương 1 khách sạn 5 sao tại Viêng Chăn, việc tuyển dụng lao động gặp rất nhiều khó khăn do lao động từ phía Lào có khả năng đáp ứng được các yêu cầu của công việc thì đã sang Thái Lan làm việc. Nhu cầu cần 100 người nhưng cả năm 2016 chỉ tuyển được 35 lao động, do vậy tập đoàn bắt buộc phải đưa lao động từ Việt Nam sang với chi phí cao và thủ tục rất phức tạp”, ông Lương chia sẻ và kỳ vọng dịch chuyển lao động sớm được thực thi sẽ tạo sự chủ động, thuận tiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, lưu trú…
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá khách quan những tồn tại vướng mắc, các chuyên gia cho rằng cần có lộ trình cụ thể để từng bước tháo gỡ các rào cản hiện hữu đối với quản lý dịch chuyển lao động du lịch như tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia để tiến hành các thủ tục so sánh và tiến tới công nhận tương đương trong ASEAN; thủ tục công nhận trình độ giữa các nước; thành lập Hội đồng nghề du lịch; chính sách nội bộ của mỗi nước ASEAN trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài…, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vấn đề cốt lõi vẫn là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch để tăng năng lực cạnh tranh trong xu thế hội nhập và phát triển…
Việt Hùng