Huyện Phục Hòa có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với hệ thống sông suối đa dạng (4 con sông: Bằng Giang, Bắc Vọng, Vi Vọng, Sầm Xuyên), tạo nhiều cảnh đẹp thiên nhiên với các thác nước, hang động tự nhiên hoang sơ, kỳ vỹ. Là một huyện biên giới nằm ở phía Đông của tỉnh Cao Bằng, Phục Hòa có gần 23km đường biên giới giáp với huyện Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc), giao thương qua cửa khẩu quốc tế Tà Lùng. Bên cạnh đó, nơi đây có văn hoá đậm nét của người Tày, Nùng với trang phục dân tộc, lễ hội, các làn điệu hát then của người Tày... Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đã có những phát triển rõ nét, hiện nay có 3 khách sạn, 19 nhà nghỉ với hơn 300 phòng nghỉ và trong thời gian tới có thêm 4 khách sạn với 100 phòng được khánh thành và đi vào hoạt động có thể đáp ứng trên 1000 khách nghỉ; có 6 nhà hàng phục vụ ăn uống tại hai thị trấn Hoà Thuận và Tà Lùng có sức phục vụ với mỗi nhà hàng trên 500 khách...
Ông Nguyễn Đạo Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch cho rằng: Những điểm đến ở Phục Hòa là những điểm rất mới, dù có rất nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nhưng hầu như du lịch Phục Hòa chưa được khai thác. Qua chuyến khảo sát lần này, mong muốn đoàn sẽ có những đánh giá cụ thể về những điểm đã khảo sát và chỉ ra những điểm nào có thể khai thác ngay, những điểm nào phải có thời gian mới có thể xây dựng sản phẩm, tour, tuyến để khai thác được hướng tới hỗ trợ cho huyện Phục Hòa phát triển du lịch lâu dài.
Sau thời gian khảo sát một số điểm du lịch của huyện Phục Hòa, đa số các ý kiến đánh giá các điểm đến như bản Giuồng (xã Tiên Thành), bản Buống (xã Triệu Ẩu) - quê hương của anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn... có cảnh quan đẹp và ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên chưa có những nổi bật đặc trưng để hấp dẫn du khách, chưa có nhà có khả năng phục vụ homestay cho khách lưu trú. Đồng thời, các ý kiến cũng cho rằng thế mạnh của Phục Hòa là còn giữ được sự niềm nở, thân thiện, thật thà của người dân, bản làng chưa hề bị thương mại hóa, đây là yếu tố quyết định để du lịch Phục Hòa phát triển. Do đó, chính quyền địa phương cần vận động người dân giữ được bản sắc dân tộc, những nếp nhà truyền thống, cảnh quan tự nhiên để phục vụ khách.
Yếu điểm nhất của Cao Bằng nói chung và Phục Hòa nói riêng là hạ tầng giao thông chưa tốt, thiếu biển chỉ dẫn, đường liên thôn liên xã cần cải thiện để đi lại dễ dàng hơn. Hiến kế nhỏ cho vấn đề giao thông, ông Nguyễn Hồng Dương - Giám đốc Công ty du lịch quốc tế Tây Nguyên (Thanh Hóa) cho rằng: từ trung tâm huyện Phục Hòa đến Tà Lùng chỉ có 20km nên cần kêu gọi các nhà đầu tư vừa và nhỏ đầu tư kinh doanh taxi để phục vụ khách, đẩy mạnh phát triển du lịch cửa khẩu biên giới. Ngoài ra, cần thiết có biển báo chỉ dẫn đường, có trung tâm cung cấp cứu hộ thông tin để du khách có thể liên lạc được.
Nhiều vấn đề khác được doanh nghiệp đề cập đến đó là vấn đề vệ sinh, cần vận động bà con nhân dân thay đổi, tách gia súc khỏi nhà; cần có thuyết minh viên tại điểm ở những điểm tham quan; đẩy mạnh thông tin quảng bá xúc tiến về Phục Hòa. Bà Dương Thị Công Lý, giám đốc chi nhánh Công ty Vietnamtourism Hà Nội tại Huế đề xuất: có những việc làm việc ngay được như quảng bá các địa điểm của Phục Hòa thông qua mạng xã hội, qua các phượt thủ và sự chia sẻ của các thành viên trong các đoàn khảo sát. Ý kiến khác thêm rằng, nên đưa sản phẩm video chất lượng vẻ đẹp Phục Hòa lên mạng, thích ứng nhu cầu và xu hướng du lịch của giới trẻ hôm nay; cần xác định điểm đẹp, xây dựng thêm các điểm dừng để du khách đến chụp ảnh đưa lên mạng...
Về sản phẩm, ý kiến của các doanh nghiệp cho rằng Phục Hòa cần xác định rõ đối tượng du khách cần hướng tới, để đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch cho phù hợp và hiệu quả, chẳng hạn tập trung sản phẩm du lịch giáo dục cách mạng, kết nối các điểm du lịch Pắc Bó, Hà Quảng tới Đông Khê; phát triển sản phẩm du lịch cửa khẩu, kết hợp tham quan du lịch Long Châu; hay du lịch thiên nhiên bản làng, kết hợp trải nghiệm famstay...
Ông Trương Thế Vinh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp thu và xử lý ngay việc chưa có thuyết minh viên tại điểm ở những điểm tham quan. Dự kiến từ 2018 trở đi sẽ có biển báo chỉ dẫn đường; Sở sẽ phối hợp với Phục Hoà trong công tác đào tạo người dân về du lịch, về cơ sở lưu trú homestay... Bên cạnh đó, đề nghị thời gian tới Phục Hòa cần quan tâm đầu tư hơn để những địa điểm có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sẽ thực sự phát triển.
Hoa Trang