Các yếu tố kinh tế
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, đặc biệt từ năm 1950, tại các nước công nghiệp đã phục hồi kinh tế từ đó dẫn đến thu nhập và quỹ thời gian rảnh rỗi của những người dân các nước này tăng lên. Đây là hai yếu tố cơ bản dẫn tới cầu du lịch tăng cao. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ 1% tăng trưởng GDP sẽ tạo ra tăng trưởng từ 2% - 2,5% trong chi tiêu cho du lịch. Đây cũng chỉ là một dự báo để tham khảo vì hoạt động du lịch bị ảnh hưởng mạnh do các yếu tố khác như thiên tai, bệnh dịch, khủng hoảng kinh tế, giá dầu... Vì vậy, để phát triển sản phẩm du lịch tại các điểm đến, các tổ chức quản trị kinh doanh điểm đến cần xem xét, nghiên cứu và dự báo các yếu tố kinh tế không chỉ trong đất nước mà cả khu vực và thế giới.
Các yếu tố thuộc về công nghệ
Ngày nay, người ta thường nói về cuộc cách mạng 3T (Telecommucation – Transport - Tourism), đó là cuộc cách mạng trong viễn thông, công nghệ, giao thông vận tải để thúc đẩy sự phát triển du lịch.
Điều này được thể hiện trong việc áp dụng động cơ phản lực trong ngành Hàng không, sự phát triển của công nghệ điện tử đã hỗ trợ việc tìm kiếm thông tin trực tuyến... Các tiến bộ về công nghệ này đang làm thay đổi hoạt động du lịch trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động thiết kế và phân phối sản phẩm du lịch.
Đối với khách du lịch, việc tìm kiếm sản phẩm du lịch, lên kế hoạch đi du lịch, đặt vé, đặt chỗ máy bay và khách sạn trên mạng Internet đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Do vậy, nếu các điểm đến du lịch không áp dụng công nghệ thông tin trong mọi khía cạnh của phát triển du lịch, từ quy hoạch, phân phối và tiếp thị sản phẩm du lịch... thì điểm đến đó sẽ thất bại trước các đối thủ cạnh tranh.
Các yếu tố chính trị
Các rào cản chính trị qua việc cấp thị thực (visa) đã hạn chế sự phát triển du lịch. Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, của kinh tế, du lịch như một ngành kinh tế cần khuyến khích phát triển, vì thế, nhiều quốc gia đã nới lỏng các thủ tục nhập cảnh cho khách du lịch. Các hình thức hộ chiếu điện tử hay visa điện tử sẽ thay thế cho hộ chiếu giấy. Trong tương lai, xu hướng đi lại giữa các quốc gia ngày càng trở lên đơn giản và thuận tiện hơn, tạo điều kiện cho du lịch phát triển, nhưng cũng là yếu tố cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến du lịch.
Tính toàn cầu hóa và địa phương hóa
Toàn cầu hóa được thể hiện ở việc đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn đa quốc gia. Trong lĩnh vực khách sạn, các tập đoàn khách sạn như: Hilton, Sharton, Sofitel Metropole, Shanglia, Marriott..., đã có mạng lưới khách sạn và hệ thống đặt buồng ở hầu hết các điểm đến du lịch lớn trên thế giới. Yếu tố này đang tác động không nhỏ đến hoạt động du lịch tại các nước đang phát triển. Sự xung đột giữa các yếu tố về bản sắc địa phương và các yếu tố hiện đại đang là mâu thuẫn cơ bản trong quản lý du lịch ở mọi cấp độ khác nhau và họ đang phải đi tìm một mô hình phát triển phù hợp cho từng cấp độ trên cơ sở tận dụng các yếu tố tài nguyên và điều kiện văn hóa xã hội.
Một số mô hình phát triển du lịch ở một số nước trên thế giới đã cho kinh nghiệm quý báu, muốn hạn chế sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa trong du lịch thì phải tăng tính địa phương hóa, có nghĩa là việc phát triển du lịch cần phải dựa vào việc sử dụng các yếu tố tại chỗ nhưng sản phẩm du và dịch vụ du lịch phải đảm bảo chất lượng mang tính toàn cầu.
Sự nhận thức về môi trường xã hội của khách du lịch
Việc xây dựng nhận thức về bảo vệ môi trường - xã hội cho khách du lịch cũng như việc giám sát của cộng đồng địa phương trong việc ra các quyết định phát triển điểm đến du lịch là yêu cầu quan trọng trong quá trình phát triển du lịch một cách bền vững.
Khách du lịch cũng cần nhận thức được những tác động của họ đến môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại điểm họ đến. Khu vực tư nhân kinh doanh tại các điểm đến du lịch cần nâng cao nhận thức của khách du lịch trong các hoạt động liên quan đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội của điểm đến.
Môi trường sống và làm việc của con người
Môi trường sống và làm việc hiện đại của con người ngày nay cũng là một yếu tố cần xem xét khi phát triển sản phẩm du lịch. Cuộc sống và công việc hàng ngày luôn gắn liền với máy tính và các thiết bị điện tử; sự tăng lên về thu nhập nhưng giảm đi về thời gian rảnh rỗi đang làm cho nhu cầu về du lịch tăng lên. Nhiều người mong muốn được đi du lịch đến một nơi khác biệt hoàn toàn với môi trường sống và làm việc hiện tại, mong ước có một ngày không cần phải sử dụng máy tính, không điện thoại và các thiết bị điện tử khác. Tuy nhiên, thời gian đi du lịch ngày càng hạn hẹp, thay vì đi du lịch dài ngày thì hiện nay các chương trình du lịch ngắn ngày đang trở lên phổ biến và nhiều người đã lựa chọn việc đi du lịch nhiều lần trong năm.
Marketing
Việc sử dụng các phương pháp và công cụ nghiên cứu thị trường hiện đại có ảnh hưởng trực tiếp đến việc cho ra đời một sản phẩm du lịch mới. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nghiên cứu marketing sẽ cho ra các kết quả chính xác hơn về các nhu cầu và xu hướng trong du lịch của từng thị trường hoặc từng phân khúc thị trường cụ thể để các nhà quản lý và kinh doanh du lịch có thể xây dựng được các sản phẩm du lịch phù hợp.
Sự an toàn của điểm đến du lịch.
Sự an toàn của điểm đến là một trong các yếu tố quan trọng hàng đầu khi khách du lịch quyết định lựa chọn điểm đến du lịch. Hoạt động du lịch sẽ không thể phát triển nếu như các điểm đến thường xảy ra chiến tranh, bất ổn chính trị, làm cho sức khỏe và an toàn của khách du lịch bị đe dọa. Các hiện tượng như: ăn cắp, cướp giật, khủng bố, bắt cóc con tin... tại các điểm đến du lịch sẽ làm cho khách du lịch sợ hãi và họ sẽ không bao giờ đến, dù điểm đến đó có sức hấp dẫn cao.
Trong thực tế hiện nay, một số điểm đến ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố này mặc dù có tiềm năng du lịch lớn.
Châu Anh