Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trương Tiến Tùng - Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội nhấn mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Du lịch là công việc thường xuyên, liên tục và phải đặt lên hàng đầu. Để phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hội nhập được với Du lịch khu vực và thế giới thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là đặc biệt quan trọng. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Viện Đại học Mở Hà Nội đã xác định rất rõ phương châm hoạt động của Khoa Du lịch, đó là: Học đi đôi với hành; Thực hành là chìa khoá; Kiến thức là kho báu. Do vậy, trong quá trình học, sinh viên được trang bị các kỹ năng nghề cụ thể thông qua việc tham gia vào các hoạt động thực tiễn, thực hành, thực tập tại các doanh nghiệp du lịch.
Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, các doanh nhân, các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong lĩnh vực giáo dục và du lịch nhằm trao đổi học thuật và kinh nghiệm thực tiễn nhằm xây dựng, phát triển các chương trình, các module đào tạo gắn với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động nghề du lịch; thúc đẩy sự kết nối và hợp tác đào tạo giữa nhà trường với đơn vị sử dụng lao động và các đối tác khác trong lĩnh vực du lịch.
Các chương trình đào tạo có sự tham gia của doanh nghiệp khi được triển khai trong thực tiễn không chỉ góp phần tăng cường tay nghề cho các “kỹ sư thực hành” mà còn cung cấp một nguồn lực bán thời gian đảm bảo chất lượng cho các đơn vị sử dụng lao động, đồng thời là cơ hội hoàn thiện kiến thức và bằng cấp cho đội ngũ nhân sự đang làm việc trong ngành Du lịch.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận một số chủ đề như: Lợi ích của doanh nghiệp và phương thức doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực ngành du lịch cùng cơ sở đào tạo; Phát triển chương trình đào tạo dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch; Mối quan hệ giữa Di sản và Du lịch – Đào tạo nguồn nhân lực để phát huy di sản, phát triển du lịch theo hướng bền vững… Các ý kiến trao đổi của các đại biểu tại hội thảo cũng đã tập trung làm rõ những vấn đề: Kinh nghiệm và mô hình thực tiễn về tăng cường định hướng nghề trong hoạt động đào tạo ngành du lịch; Động lực thúc đẩy, rào cản và giải pháp đối với hoạt động giáo dục đào tạo theo định hướng nghề ở các cơ sở giáo dục đại học; cơ chế chính sách nhằm tăng cường định hướng nghề trong hoạt động đào tạo ngành du lịch; Tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo bậc đại học theo định hướng nghề.
Tại phiên hội thảo với chuyên đề: Chương trình đào tạo Du lịch văn bằng 2 gắn với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động; Các kiến giải về chương trình thực tập và công tác tổ chức thực tập cho sinh viên tại cơ sở lưu trú…, các đại biểu đã đóng góp ý kiến về chương trình đào tạo, cơ chế phối hợp thực hiện giữa các bên tham gia; mô hình phối hợp giữa nhà trường và đơn vị sử dụng lao động trong đào tạo văn bằng 2 du lịch đáp ứng yêu cầu thực tiễn và các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện; cam kết phối hợp của các doanh nghiệp và hiệp hội nghề để hỗ trợ sinh viên, học viên có cơ hội được thực hành nghề và được đào tạo nghề trong môi trường doanh nghiệp.
Công tác đào tạo nhân lực du lịch hiện nay của nước ta nói chung và tại các địa phương nói riêng vẫn còn khoảng cách tương đối lớn về chất lượng theo yêu cầu thực tế của doanh nghiệp và xã hội. Do đó để rút ngắn khoảng cách này, các bên liên quan trong ngành, từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp đến các cơ sở đào tạo cần sớm thiết lập một cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trong việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành du lịch trong thời gian tới.
Thanh Hiền