Quy chế quản lý hoạt động du lịch sinh thái tại vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên
Theo Quyết định, DLST là hình thức du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương với sự tham gia của cộng đồng dân cư ở địa phương nhằm phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu du lịch trong tương lai. Nguyên tắc tổ chức DLST tại các VQG, KBTTN không được làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã, cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hoá của cộng đồng dân cư ở địa phương; lợi nhuận từ các dịch vụ DLST được tái đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong các VQG, KBTTN; cộng đồng dân cư ở địa phương được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động DLST để nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học.
Việc tổ chức các hoạt động DLST tại VQG, KBTTN phải được lập thành đề án cụ thể trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Mỗi VQG, KBTTN tổ chức hoạt động DLST có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách, có kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ DLST. Ban Quản lý VQG, KBTTN được cho các tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để phát triển DLST; thời gian cho thuê không quá 50 năm, sau mỗi chu kỳ 10 năm sẽ xem xét quyết định tiếp tục hợp đồng dựa trên kết quả đánh giá tác động môi trường. Ban Quản lý VQG, KBTTN phải lập kế hoạch lồng ghép công tác tuyên truyền, giáo dục bảo tồn cho du khách, cộng đồng dân cư ở địa phương trong các hoạt động DLST. Tổ chức, cá nhân kinh doanh DLST phải ưu tiên cộng đồng dân cư ở địa phương tham gia vào hoạt động này, từng bước nâng cao đời sống người dân địa phương.
Quy định quản lý các hoạt động DLST trong Quyết định 104/2007/QĐ-BNN nêu rõ các hoạt động không được phép tổ chức gồm: sử dụng các phương tiện gây tiếng ồn, gây ô nhiễm môi trường để phục vụ DLST; thu hái lâm sản, săn bắn trái phép động vật hoang dã và các hoạt động khác gây tác động tiêu cực lên hệ sinh thái VQG, KBTTN; mang hóa chất độc hại, chất nổ, chất dễ gây cháy, xả rác bừa bãi trong các VQG, KBTTN; mang theo động vật, thực vật ngoại lai xâm hại tới VQG, KBTTN trong các hoạt động DLST; các hành vi khác gây tác động xấu đến các công trình DLST và công trình bảo vệ rừng. Đối với công tác quản lý nguồn rác thải từ hoạt động du lịch, các khu nhà nghỉ, văn phòng làm việc trong VQG, KBTTN cần bố trí hệ thống thu gom, xử lý nước thải, không để nước thải trực tiếp đổ vào hệ thống sông, suối trong rừng; nước thải từ các cơ sở kinh doanh du lịch phải được xử lý đạt tiêu chuẩn hiện hành của Nhà nước; các chất thải rắn, chất thải sinh hoạt phải được thu gom, xử lý tại nơi quy định; đối với các chất thải vô cơ, độc hại, khó phân huỷ phải được đưa ra ngoài VQG, KBTTN để xử lý.
Quyết định 104/2007/QĐ-BNN quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động DLST tại VQG, KBTTN. Cụ thể, Ban Quản lý VQG, KBTTN có trách nhiệm xây dựng nội quy, quy định quản lý du khách, trong đó nêu những điều du khách không được làm khi tham gia DLST; quy định cụ thể lượng khách tối đã có thể đến thăm, ở lại trong rừng (sức chứa của môi trường) trong một ngày/một địa điểm. Ngoài việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, các tổ chức, cá nhân kinh doanh DLST không được nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép, việc trồng cây trong lâm phần được thuê phải có sự đồng ý của Ban Quản lý VQG, KBTTN; có trách nhiệm tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư địa phương tham gia các dịch vụ du lịch, ưu tiên tuyển dụng người địa phương vào làm việc. Du khách đến tham quan VQG, KBTTN chỉ được phép tham quan tại những khu vực được phép theo chỉ dẫn của Ban quản lý rừng; không đến quá gần động vật hoang dã; không săn bắt, thu hái mẫu vật thực vật rừng, động vật hoang dã và khai thác đất đá, khoáng sản trong VQG, KBTTN; nghiêm cấm các hoạt động mua bán các sản phẩn thực vật rừng, động vật hoang dã trái phép; chấp hành các nội quy, quy chế của VQG, KBTTN.
HẢI DƯƠNG