Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, Ban chỉ đạo Chương trình đã xây dựng Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong chương trình. Theo đó, Cao Bằng phấn đấu đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch của tỉnh với các giá trị đặc trưng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, hoạt động dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nhập xã hội. Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường; đưa Cao Bằng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Bắc và cả nước.
Việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được tỉnh Cao Bằng quan tâm và từng bước triển khai. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện có 214 di tích, trong đó có 91 di tích đã xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh). Những năm qua, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống, văn hóa, lịch sử địa phương; góp phần phát triển văn hóa du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số dự án đầu tư tôn tạo lớn như Khu di tích Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo đã và đang được triển khai. Các khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, rừng Trần Hưng Đạo, khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950 và khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, khu du lịch sinh thái Phja Oắc, Phja Đén, hồ Thang Hen… đang dần dần thu hút khách du lịch và trở thành điểm đến của nhiều du khách. Bên cạnh đó, những di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ như các thành cổ Na Lữ, Phục Hòa, cố đô Cao Bình; các di chỉ khảo cổ Ngườm Bốc, Ngườm Vài... cũng là những nét văn hóa độc đáo của vùng đất cổ Cao Bằng, là tiềm năng du lịch hấp dẫn chưa có điều kiện để tập trung khai thác.
Song song với hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh là kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú và đặc sắc như: các phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật trình diễn, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực… và nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác. Có thể nói, đây là thế mạnh để Cao Bằng phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, trải nghiệm giúp du khách khám phá những nét văn hóa độc đáo, nguyên sơ của các dân tộc. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc cũng đã được tỉnh quan tâm, chú trọng thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học về sưu tầm, nghiên cứu, các giá trị văn hóa, văn học - nghệ thuật dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc, lễ hội truyền thống của các địa phương như: nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn đám cưới, dân ca, dân vũ của người Dao đỏ; Lễ Thuổm Puôn của dân tộc Sán Chỉ; đám ma của người Lô Lô; nghệ thuật tuồng Dá Hai...; bảo tồn Lễ hội chùa Sùng Phúc - Hạ Lang, Lễ hội Nàng hai - Phục Hòa, Lễ hội Pháo hoa - Quảng Uyên, Lễ hội đền Kỳ Sầm - thành phố Cao Bằng... Ngoài ra, các di dản văn hóa phi vật thể đặc sắc cũng được nghiên cứu lập hồ sơ để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tính đến thời điểm hiện tại, Cao Bằng có hai di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là Nghi lễ then của người Tày Cao Bằng, Lễ hội nàng Hai xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa. Kết quả của những đề tài nghiên cứu khoa học này vô cùng có giá trị, là cơ sở để tiến hành bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, phục vụ cho các chiến lược phát triển du lịch. Trong thời gian tới, ngành Văn hóa xây dựng kế hoạch tiếp tục khai thác các di sản văn hóa phi vật thể để phục vụ phát triển du lịch như nghiên cứu bảo tồn Lễ hội Thanh Minh - Quảng Uyên, bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày xóm Khuổi Ky..., lập hồ sơ khoa học nghề rèn Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao... để đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...
Đặc biệt, vừa qua với điều kiện địa chất, địa mạo độc đáo, nhiều di sản văn hóa đặc sắc và đa dạng sinh học, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Danh hiệu này hứa hẹn sẽ tạo động lực mới trong phát triển kinh tế du lịch kết hợp với bảo tồn di sản bền vững.
Năm 2017, Du lịch Cao Bằng thu hút 952.680 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 28,5% so với năm trước (trong đó khách quốc tế đạt 59.494 lượt, tăng 47,5%, khách nội địa đạt 893.186 lượt, tăng 27,4 % so với năm 2016); tăng trưởng du lịch đạt 29%; thu nhập xã hội từ du lịch đạt hơn 416 tỷ đồng.
|
Mặc dù vậy, có thể khẳng định tiềm năng du lịch Cao Bằng chưa thực sự được khai thác hiệu quả, chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch còn hạn chế, việc tuyên truyền quảng bá du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Hiện tại, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tỉnh Cao Bằng đã và đang phát huy vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mình trong việc quảng bá hình ảnh quê hương Cao Bằng, phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách, các nhà đầu tư đến Cao Bằng tìm hiểu khám phá và lựa chọn cơ hội đầu tư. Tuy nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn vẫn chưa được khai thác đúng mức và có hiệu quả cao, một số văn hóa phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang có nguy cơ mai một. Nhiều di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh chưa thực sự trở thành sản phẩm du lịch hoặc chưa được khai thác để trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, trong thời gian tới Cao Bằng sẽ tập trung quan tâm giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu cho tỉnh xây dựng và hoàn thiện một chương trình hành động mang tính tổng thể nhằm bảo đảm cho mối tương tác giữa du lịch và văn hóa diễn ra thuận lợi. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa; mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa; tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; kết hợp hài hòa giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch. Bên cạnh đó, duy trì nghiêm túc việc tuyên truyền và thực hiện Luật Di sản văn hóa, tiến hành tổng kiểm kê, phân loại di sản văn hóa trong phạm vi toàn tỉnh để tạo cơ sở cho việc đánh giá tổng thể nguồn tài nguyên, đề ra giải pháp bảo tồn, khai thác di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch bền vững.
Sầm Việt An
Tạp chí Du lịch 9/2018