Theo ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân, ngành Du lịch đã đóng góp quan trong đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam những năm qua, với 7,5% GDP trực tiếp và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP. Tuy nhiên, ông Bình cũng bày tỏ sự quan ngại bởi sự phát triển đã đến ngưỡng giới hạn, cần sự thay đổi để đột phá.
Điểm lại một số ý kiến các diễn giả đã nêu trong phiên thảo luận thứ nhất, như đề xuất cho tư nhân đầu tư sân bay, ứng dụng công nghệ số trong đào tạo nhân lực du lịch, huy động nguồn lực xã hội, hợp tác công – tư trong xúc tiến, quảng bá… ông Bình nhấn mạnh sự thống nhất về quan điểm phát triển du lịch và đặt kỳ vọng “sẽ tháo gỡ được nhiều hơn nữa những ách tắc để du lịch phát triển thời gian tới”.
Ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh mở đầu phiên tham luận bằng những số liệu so sánh Du lịch Việt Nam với một số quốc gia khác. Hiện Việt Nam đã đạt 15 triệu lượt khách quốc tế, tăng 10% so với 2 năm trở lại đây, nhưng mức độ chi tiêu của khách còn thấp, số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ 96 USD/ngày; còn Thái Lan là 163 USD/ngày.
Theo ông John Lindquist, Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực và cho rằng nếu có sự nới lỏng visa hơn nữa sẽ có thể tạo cú hích về du lịch trong tương lai. Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến tăng 20%.
“Đây là thách thức lớn Việt Nam cần vượt qua. Visa là điểm yếu Việt cần cải thiện. Nếu Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu du lịch cần đầu tư hơn. Khi nhìn vào các thương hiệu du lịch đã duy trì bền vững qua hàng thế kỷ, ta có thể thấy điều cần thiết là nguồn tài chính ổn định”, ông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chương trình phù hợp để giúp du khách biết rằng cách du lịch Việt Nam dễ dàng như thủ tục visa đơn giản, hệ thống hàng không thuận tiện, đi lại dễ dàng.
Về hoạt động quảng bá của Du lịch Việt Nam, ông John Lindquist cho rằng,Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá du lịch hàng năm, trong khi nhiều nước chi hàng chục, trăm triệu USD. Do đó, cần tăng tỷ lệ đầu tư bởi du lịch là sản phẩm tiêu dùng cần cung cấp nhiều lựa chọn cho du khách.
Đến từ quốc đảo Singapore – một quốc gia rất thành công từ du lịch, ông Chang Chee Pey - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore chia sẻ, nhờ việc theo đuổi ba yếu tố: đa dạng thị trường; phát triển, quy hoạch đề án và bắt kịp xu hướng người dùng; ngành Du lịch Singapore đã phát triển nhanh chóng.
Tổng cục Du lịch Singapore hiện có 21 văn phòng đại diện tại các nước, tiếp tục hướng tới nhóm thị trường tiềm năng khác, ông Chang Chee Pey cho biết và nêu ý kiến về việc Việt Nam cân nhắc việc mở rộng mạng lưới văn phòng du lịch để định hình thị trường.
Một yếu tố đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch là cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng và các sản phẩm phụ trợ khác. Vấn đề này được ông Craig Douglas - Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group đề cập tại tham luận thu hút đầu tư nước ngoài tới thị trường Du lịch Việt Nam.
Việt Nam có nhiều tiềm năng du lịch, di sản, văn hóa, ẩm thực…tạo sức hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, cần cải thiện các dịch vụ để tăng trải nghiệm tốt cho du khách.
Việc phát triển các chính sách quảng bá để thu hút các nguồn đầu tư du lịch dài hạn cần chú trọng, tránh quan tâm quá nhiều tới các nguồn ngắn hạn, điều này không có lợi cho ngành du lịch tăng trưởng bền vững. Đầu tư nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy du lịch phát triển…
Phát biểu tổng kết Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi lời cảm ơn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến các chuyên gia, diễn giả từ nhiều quốc gia đã có mặt tại Diễn đàn. Đây là lần đầu tiên trong khuôn khổ ViEF có đề cập vấn đề du lịch.
Theo Phó Thủ tướng, du lịch liên quan nhiều ngành, nhiều người, mọi cấp độ. Những vấn đề, ý kiến tại diễn đàn đã được Chính phủ đã ghi nhận để làm sao cho Du lịch Việt Nam phát triển tốt hơn.
Phó Thủ tướng nhận định, tăng trưởng của Du lịch Việt Nam khá nhanh so với tốc độ phát triển của thế giới, giữ được tốc độ tăng trưởng này cũng là khó. Điều quan trọng hơn là khi phát triển nhanh sẽ đến một ngưỡng không thể giải quyết các thách thức trước mắt trong một đến hai năm, cụ thể như lĩnh vực hàng không.
“Du lịch hiện được coi là ngành kinh tế cùng nền kinh tế chung. Du lịch sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, cải thiện môi trường, kéo xếp hạng về tăng cường cải cách năng lực cạnh tranh lên cao hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Vai trò của công tác truyền thông cũng được Phó Thủ tướng lưu ý, làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống, đã hiện hữu.
Các nước có thể chỉ hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD để quảng bá, nhưng Việt Nam chỉ có một số ít triệu đôla, làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả.
“Việt Nam cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành Du lịch, cùng với đó là ưu tiên chất lượng, làm sao để khách du lịch muốn chi nhiều hơn cho những trải nghiệm; hai là phải ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
VH