Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách TCDL Ngô Hoài Chung cho biết: Việt Nam là điểm đến dễ tiếp cận trong hành trình của các hãng tàu, do vị trí trung tâm ở khu vực Đông Nam Á, trên tuyến đường giao thông hàng hải giữa Bắc và Nam Á. Nằm gần các trung tâm cảng biển phát triển hiện đại trên thế giới như Hong Kong, Singapore, Thượng Hải… Việt Nam dễ dàng tham gia vào các tuyến hành trình ngắn và dài ngày giữa các điểm đến trong khu vực châu Á và Thế giới.
Tuy nhiên, du lịch tàu biển mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu tổng khách quốc tế đến Việt Nam (từ 2 – 3%) và tốc độ tăng trưởng chưa cao. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Kết cấu hạ tầng tại nhiều cảng biển còn hạn chế; chất lượng dịch vụ tại cảng biển chưa cao; thủ tục tại cảng biển đã được cải tiến nhiều những vẫn chưa thực sự thuận lợi; nguồn nhân lực phục vụ cho đón khách tàu biển còn hạn chế về trình độ, kỹ năng…
Các ý kiến tại hội thảo đặc biệt đề cao vai trò của cơ sở hạ tầng và dịch vụ tại các cảng tàu đón khách du lịch trong việc phát triển du lịch tàu biển. Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Công Bằng đề nghị: Các địa phương có cảng cần phải quảng bá, khuyến khích và có các hình thức ưu đãi đối với doanh nghiệp để đầu tư các bến cảng chuyên dụng tiếp nhận tàu khách du lịch quốc tế. Chỉ thông qua kêu gọi nhà đầu tư, các thành phần kinh tế cùng tham gia mới có thể gia tăng số lượng cảng chuyên dụng cho du lịch tàu biển trong thời gian gần.
Ông James Ngui, Giám đốc vận hành cảng khu vực Đông Nam Á của hãng tàu Royal Caribbean Cruises cho biết: Các cảng thương mại mang tới nhiều sự bất tiện cho du khách, không phù hợp và tạo ra trải nghiệm không thú vị vì thiếu dịch vụ chuyên chở, taxi; vậy nên cần phải có cảng tàu khách quốc tế chuyên dụng. Ngoài ra, phía Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia khác trên thế giới trong vấn đề quy trình thủ tục để thống nhất và thuận tiện. Việc hướng dẫn lưu thông trên biển để tránh xung đột luồng tuyến và va chạm cũng cần được thực hiện nghiêm túc, hợp lý. Các địa phương muốn phát triển loại hình du lịch tàu biển cần tổ chức định kỳ các hoạt động quảng bá du lịch trên các du thuyền. Riêng TP. Hồ Chí Minh là điểm đến vô cùng quan trọng, nhất thiết phải có một cảng tàu chuyên biệt phục vụ du lịch, có khả năng đón các du thuyền lớn.
Đại diện Tổ chức hợp tác tàu biển châu Á (Asian Cruise Cooperation, ACC), ông Wong Cheuk Hung nhấn mạnh về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp. Để loại hình này phát triển lâu dài và bền vững thì cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ ở cấp khu vực và quốc tế, xây dựng các hành trình giàu tính kết nối, thu hút thêm nhiều lượt tàu đến các điểm đến. “Không thực thể nào có thể đứng độc lập trong ngành này, bắt buộc các bên phải hợp tác chặt chẽ với nhau.” - ông Wong Cheuk Hung khẳng định.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng phụ trách TCDL Ngô Hoài Chung đề nghị các ngành Giao thông Vận tải, Công an, Biên phòng cùng các doanh nghiệp, đơn vị tăng cường hợp tác để loại hình du lịch tàu biển phát triển tương xứng với tiềm năng. Phó Tổng cục trưởng phụ trách TCDL Ngô Hoài Chung đưa ra một số nhóm giải pháp để du lịch tàu biển phát triển nhanh, hiệu quả cao và bền vững: Xây dựng đầy đủ, đồng bộ hệ thống luật pháp và cơ chế chính sách khuyến khích du lịch tàu biển; kêu gọi và khuyến khích đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch tàu biển; đa dạng hoá sản phẩm du lịch để giữ chân khách, tạo sự khác biệt và trải nghiệm mới hấp dẫn; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến; tăng cường hợp tác công tư và thắt chặt liên kết giữa các cơ quan, Ban, ngành hữu quan.
HN