Trong thời gian qua, mặc dù là một trong những tỉnh khó khăn nhất cả nước, với sự hạn chế về cơ sở vật chất hạ tầng và nguồn nhân lực, song Cao Bằng đã quan tâm, đầu tư cho sự phát triển của ngành dịch vụ - du lịch.
Về phát triển hạ tầng giao thông: giai đoạn trước năm 2005, giao thông gặp nhiều khó khăn nên số lượng du khách đến Cao Bằng ít. Tuyến quốc lộ 3 kết nối giữa Cao Bằng với Bắc Kạn, Thái Nguyên và Hà Nội được cải thiện và mở rộng đã tăng lượng khách đến tỉnh này. Tốc độ tăng trưởng lượng khách đến Cao Bằng giai đoạn 2006 - 2010 đạt 45%, tăng gấp đôi giai đoạn 2000 - 2005. Giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng trưởng du lịch tỉnh đạt 16%/năm. 9 tháng đầu năm 2018, lượng khách du lịch đến tỉnh đạt 923.730 lượt; tăng 23,6% so với cùng kỳ, trong đó, khách quốc tế 78.905 lượt, tăng 95,5% so với cùng kỳ; khách nội địa 844.825 lượt, tăng 19,5% so với cùng kỳ.
Về cơ sở lưu trú, năm 2010, số lượng cơ sở lưu trú tại Cao Bằng chỉ có 65 cơ sở. Hiện nay, số lượng cơ sở lưu trú đã tăng gấp 3 lần so với năm 2010. Đến nay, tỉnh Cao Bằng có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 8 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao và 1 sao; 223 khách sạn, nhà nghỉ, homestay. Tốc độ tăng trưởng số lượng cơ sở lưu trú đạt 12% trong 5 năm vừa qua, được đánh giá cơ bản đáp ứng tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến Cao Bằng.
Bên cạnh đó, với 17 nhà hàng lớn có công suất phục vụ trên 3.000 khách nằm trong các cơ sở lưu trú, có khả năng đáp ứng các đoàn khách đông, các sự kiện lớn.
Về cơ sở hạ tầng, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã và đang tập trung triển khai với hơn 25 đề án, dự án đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch tại các khu điểm du lịch trọng điểm như: Dự án Nhà trưng bày và làm việc của Khu di tích lịch sử Pác Bó (huyện Hà Quảng); Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ tỉnh lộ 206 vào Khu du lịch động Ngườm Ngao, (huyện Trùng Khánh); Hạng mục cải tạo, nâng cấp đoạn đường tỉnh lộ 212 lên đỉnh Phia Oắc; Dự án cải tạo, sửa chữa đường tỉnh lộ 202 - đoạn từ quốc lộ 34 vào Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình)…
Đồng thời, theo sự tư vấn của chuyên gia UNESCO, đến nay tỉnh đã hoàn thành việc thi công xây dựng các hạng mục cơ sở vật chất trên 3 tuyến du lịch trong vùng Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng với 43 điểm tham quan du lịch ngắm cảnh; 5 trung tâm thông tin tuyên truyền công viên địa chất; 3 cụm tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa; phát triển 20 đối tác công viên địa chất; 21 bãi đỗ xe, dừng chân ngắm cảnh; 29 biển báo điểm công viên địa chất; 34 biển thuyết minh tại điểm di sản; 9 biển cổng chào/quảng bá công viên địa chất…
HN