Nâng tầm giá trị điểm đến, thương hiệu du lịch Việt Nam…
Đó chia sẻ của CEO Vietfood Travel Phạm Duy Nghĩa với phóng viên Tạp chí Du lịch. Ông Nghĩa cho rằng, truyền thông rất quan trọng trong quảng bá sản phẩm du lịch của mỗi doanh nghiệp, của từng địa phương hay quốc gia. Thông qua truyền thông không chỉ giúp thu hút du khách tiềm năng mà còn góp phần tăng cơ hội để du khách quay trở lại điểm đến, giúp kích thích nhu cầu chi tiêu của khách hàng. Đặc biệt, “không chỉ đi du lịch để hưởng thụ mà những khách doanh nhân, doanh nghiệp và những người có đầu óc kinh tế luôn có cái “nhìn xa trông rộng” để có thể nhìn thấy những tiềm năng, thế mạnh của điểm đến, của địa phương… và từ đó nảy sinh nhu cầu đầu tư vào các điểm đến này”, ông Nghĩa nêu.
Từ góc nhìn của một CEO du lịch, ông Nghĩa phân tích vai trò của truyền thông không chỉ góp phần nâng tầm giá trị điểm đến mà còn giúp cho sự phát triển của các ngành kinh tế khác như dịch vụ ăn uống, giao thông, nông nghiệp… Ví dụ tại một khu vực vùng sâu vùng xa khi có truyền thông, thông tin về định hướng phát triển thành khu du lịch thì ngay lập tức hàng loạt các ngành nghề khác cũng sẽ phát triển theo, giá trị của điểm đến sẽ tăng lên, người dân địa phương có thêm nhiều cơ hội việc làm, thu nhập ổn định… Các hoạt động văn hóa được nâng tầm phục vụ du khách, vừa bảo tồn, vừa khai thác thương mại… Các ngành nghề tiểu thủ công nghệ, làng nghề truyền thống cũng được phát triển theo xu hướng phục vụ khách du lịch. Nhờ đó, đời sống người dân được thay đổi, chất lượng cuộc sống được nâng lên.
Ông Nghĩa cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng, giá trị phát triển du lịch nhưng truyền thông chưa thực sự mạnh. Mặc dù các cơ quan báo chí đều có chuyên mục, chuyên trang cung cấp thông tin tới bạn đọc nhưng với cách nhìn của doanh nghiệp du lịch thì nguồn thông tin chính thức từ cơ quan chủ quản, quản lý ngành Du lịch luôn được đánh giá cao, coi trọng và tin tưởng. Ở đó sẽ là nguồn thông tin chính thức, mang tính định hướng để các doanh nghiệp “chạy” theo đúng “đường ray”. Do đó, “tôi mong muốn Chính phủ, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch cùng các địa phương tập trung truyền thông cho du lịch nhiều hơn, mạnh hơn và đa dạng hơn nữa để quảng bá cho Du lịch Việt Nam, du lịch tại các địa phương”, ông Nghĩa bày tỏ.
… hiệu quả của cơ quan truyền thông ngành Du lịch
Ngày 16/01/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08- NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có nêu: “Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành Du lịch”. Ngày 9/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 44/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường hoạt động truyền thông về du lịch” đến năm 2025. Điều đó đã cho thấy tầm quan trọng trong công tác truyền thông về du lịch.
Theo Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa Phan Thanh Nam, bất cứ lĩnh vực nào muốn lan tỏa và thành công đều phải coi trọng công tác truyền thông. Với Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và tác động nhiều mặt đến đời sống xã hội thì lại càng phải coi trọng truyền thông, báo chí, nhất là trong bối cảnh 4.0 hiện nay. Trong thời gian qua, Du lịch là một trong những lĩnh vực được báo chí, dư luận quan tâm. Tuy nhiên, cũng vì quan tâm mà có lúc, có khi những thông tin về du lịch, về Ngành chưa thực sự chuẩn xác, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, điều hành nói chung và sự phát triển các sản phẩm du lịch nói riêng. Đó là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan báo chí thuộc Bộ VHTTDL, ngành Du lịch. Nội dung này cũng nên được bàn thảo trong Hội nghị toàn quốc về du lịch.
“Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí của Bộ VHTTDL đã kịp thời thông tin, phản ánh định hướng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Lãnh đạo Bộ VHTTDL đối với sự nghiệp phát triển Du lịch. Các cơ quan báo chí đã tổ chức đổi mới cách thức truyền thông, tăng cường thông tin, tuyên truyền về vị trí, vai trò động lực của ngành Du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; truyền thông về cơ chế chính sách phát triển du lịch, sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng miền địa phương, góp phần xây dựng, quảng bá, định vị hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam và thương hiệu Du lịch Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng...”, ông Phan Thanh Nam khẳng định. Mặt khác, với vai trò là cơ quan truyền thông của ngành VHTTDL, các cơ quan báo chí của Bộ đã kịp thời lên tiếng trước những thông tin chưa chuẩn xác, cung cấp những thông tin chính thống, góp phần định hướng dư luận, đem lại những hiệu ứng, hiệu quả tích cực.
Với hơn 10 năm khai thác dịch vụ du lịch Việt Nam - Ấn Độ, CEO Amit Singh bày tỏ sự quan tâm đến các thông tin trên báo chí Việt Nam, nhất là các thông tin từ cơ quan báo chí ngành Du lịch. Khi truyền thông xã hội chưa thật sự phát triển, bên cạnh các thông tin từ Đại sứ quán thì đây là nguồn thông tin phản ánh chi tiết, sâu rộng về các chính sách phát triển du lịch tại Việt Nam cùng những chính sách về visa, hộ chiếu, ngoại giao… của Việt nam cho khách quốc tế. Đến thời điểm công nghệ phát triển thì các thông tin về du lịch Việt Nam dễ dàng được cập nhật nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thông tin chính thống thì vẫn còn xuất hiện thông tin chưa chính xác. Do đó chúng tôi cần có nguồn kiểm chứng thông tin từ cơ quan báo chí chính thống của ngành Du lịch. “Thời điểm dịch COVID-19, tôi thường xuyên liên lạc với các bạn ở Việt Nam, đọc báo chí của Tổng cục Du lịch để nắm bắt các thông tin để có định hướng cho mình. Dịch COVID-19 kéo dài khiến chúng tôi khá vất vả trong việc cập nhật các thông tin, chính sách đối với du khách nước ngoài… Báo chí của các bạn đã giúp ích cho tôi rất nhiều”, Amit Singh nói.
“Trước khi khởi hành tới một điểm đến nào đó, chúng tôi thường dành thời gian để tìm hiểu về văn hóa bản địa, phong tục tập quán và lối sống sinh hoạt cùng những món ăn… để khi đến nơi không bị bỡ ngỡ. Ngày nay, thông tin trên mạng rất đa dạng và nhanh, nhiều trang cung cấp thông tin chi tiết hành trình, điểm đến… nhưng cũng có rất nhiều thông tin “ảo”. Để tránh rơi vào các trường hợp “dở khóc dở cười”, gia đình tôi vẫn đọc báo chí ngành Du lịch để tham khảo cho hành trình và chuyến đi của mình. Bởi với gia đình tôi, đây là nguồn thông tin chính thức nên khó có thể sai lệch được”, chị Việt Nga (Đống Đa) chia sẻ.
Cộng hưởng phát huy hiệu quả kép: Kinh tế và Du lịch
CEO Phạm Duy Nghĩa bày tỏ, khi điểm đến hấp dẫn, sản phẩm đa dạng nhưng thiếu truyền thông thì du khách không thể biết đến. Truyền thông du lịch là cầu nối, mắt xích không thể tách rời trong phát triển du lịch. Bên cạnh các phương thức truyền thông xã hội thì truyền thông từ các cơ quan nhà nước sẽ đóng vai trò định hướng và là kim chỉ nam cho các doanh nghiệp du lịch. Cơ quan báo chí của ngành Du lịch nên đa dạng hóa phương thức truyền thông để có thể “đánh trúng” nhu cầu “cần thông tin” của khách du lịch.
Bên cạnh đó, ông Lê Công Năng – Tổng Giám đốc Wondertour – người đã có hơn 10 năm quản trị hoạt động Truyền thông & marketing cho nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng, xu hướng cá nhân hóa trong thiết kế trải nghiệm du lịch và hoạt động tiếp thị đang ngày càng rõ nét. Nhiều tiềm năng xây dựng sản phẩm du lịch nhưng dường như chúng ta giống như việc có quá nhiều gia vị để tạo ra những món ăn ngon nhưng tại từng thời điểm chúng ta không biết dùng gia vị đó để nấu món nào đãi khách. Quy hoạch các sản phẩm du lịch thành các món ngon và đặc trưng, tạo sự khan hiếm, sự khác biệt là vô cùng cần thiết thôi thúc du khách quốc tế khao khát khám phá. Ví dụ về Hàn Quốc, bất cứ người Việt Nam nào cũng muốn trải nghiệm vẻ đẹp 4 mùa: mùa xuân có hoa anh đào, mùa hè có hoa cải vàng, mùa thu có lá đỏ và mùa đông có tuyết trắng. Còn ở Việt Nam sản phẩm du lịch lõi của chúng ta là gì? Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch thể thao hay du lịch MICE? Nếu trộn các tiềm năng để tạo sản phẩm du lịch hỗn hợp thì chủ lực phát triển tại địa phương nào?… Có một điều rất nguy hiểm trong truyền thông chính là khủng hoảng truyền thông bắt nguồn từ sản phẩm và dịch vụ. Vì vậy cần tuyên truyền, phổ cập tư duy làm du lịch chuyên nghiệp cho các cá nhân, hộ kinh doanh du lịch và cả doanh nghiệp làm du lịch. “Không phải công ty du lịch nào cũng có bộ phận phân tích, đánh giá thị trường, thậm chí có công ty còn không có bộ phận thiết kế tour du lịch. Những thông tin có giá trị định hướng của truyền thông Ngành là vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp xây dựng cho mình một kế hoạch kinh doanh hiệu quả”- CEO Wondertour nêu.
Ông Lê Công Năng khẳng định, vai trò truyền thông của các cơ quan báo chí Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Trung tâm xúc tiến du lịch tại các địa phương vô cùng quan trọng đối với sự phát triển ngành Du lịch nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành nói riêng. Sự phối hợp giữa truyền thông của ngành Du lịch và hoạt động marketing của doanh nghiệp lữ hành là phương án cộng hưởng nguồn lực, mang đến hiệu quả tối ưu để thu hút khách du lịch đến Việt Nam và kích thích nhu cầu du lịch của du khách nội địa, góp phần đưa Kinh tế và Du lịch song hành phát triển.
Để đáp ứng được kỳ vọng ngày càng cao của bạn đọc, yêu cầu của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa cho rằng: các cơ quan báo chí trong Bộ sẽ nỗ lực đổi mới cả nội dung lẫn hình thức; nâng cao chất lượng trong từng tin, bài về du lịch; kịp thời, chính xác và sâu sắc trước những vấn đề được phản ánh; liên kết với các cơ quan báo chí nhằm góp phần xây dựng và lan toả hình ảnh Du lịch Việt Nam thân thiện, mến khách và chất lượng. Đồng thời mong muốn các cấp, ngành và địa phương cởi mở hơn, cung cấp thông tin chuẩn xác, kịp thời cho truyền thông, báo chí. “Cần xác định, xây dựng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của cả xã hội, trong đó có cơ quan báo chí ngành VHTTDL. Chỉ có sự cộng hưởng và hợp tác hiệu quả thì công tác truyền thông về du lịch mới đạt được hiệu quả như kỳ vọng”, ông Nam nhấn mạnh.
Đoàn Hoa
(Tạp chí Du lịch tháng 3/2023)