Theo báo cáo của Chi hội PATA Việt Nam tại hội nghị giữa nhiệm kỳ 2007 - 2008 vừa tổ chức ở khách sạn New world - TP. Hồ Chi Minh thì công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho các thành viên từ hội nghị thường niên tại Quảng Ninh cho đến nay được Chi hội rất quan tâm, thông qua một số hoạt động thiết thực và bổ ích. Đó là: Tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Thị trường du lịch Nhật Bản” (tháng 01/2007 tại Hà Nội) đã góp phần nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và giúp các thành viên Chi hội cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường nguồn Nhật Bản cũng như du lịch toàn cầu;

|
Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Đổng Thị Kim Vui phát biểu tại Hội nghị |
Tháng 3/2007, với sự tài trợ của Dự án Phát triển nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam (Dự án EU), Chi hội PATA Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Tăng cường năng lực hội nhập nghề du lịch trong khu vực” tại Hà Nội. Hội thảo đã phổ biến, giới thiệu 33 tiêu chuẩn kỹ năng nghề lữ hành và khách sạn chung trong ASEAN mới xây dựng, xu hướng chuyển đổi sang mô hình đào tạo dựa vào tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch. Hội thảo đã góp phần định hướng cho các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp về phát triển nguồn nhân lực du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách, hình thành điểm đến khu vực chất lượng, hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao.

|
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Với mục đích cung cấp cho đại biểu những thông tin hữu ích về kinh nghiệm quản lý, phát triển du lịch gắn với di sản văn hoá thế giới; xu hướng thị trường du lịch khu vực và thế giới; cách thức xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng, tháng 5/2007, tại Thành phố Đà Nẵng, Chi hội đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng hình ảnh Du lịch Việt Nam gắn với các di sản thế giới”. Tháng 6/2007, tại Hà Nội, tổ chức buổi tọa đàm “Nghiên cứu cơ chế, chính sách liên quan đến rào cản du lịch” nhằm nghiên cứu cơ chế gây cản trở cho hoạt động phát triển du lịch như các chính sách về visa, miễn thị thực, hải quan, các cam kết trong kinh tế quốc tế, liên doanh, cấp phép…; đồng thời, là cơ hội để các đại biểu thảo luận và chia sẻ ý kiến về những chính sách hiện hành của Việt Nam để qua đó các chuyên gia sẽ đưa ra các đề xuất chung, tiến tới hài hoà hoá các thủ tục liên quan đến du lịch trong khu vực, nhằm tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, đầu tư, thu hút khách, phát triển du lịch. Tại TP. Hồ Chí Minh, vào trung tuần tháng 9 Chi hội vừa tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực sau khi Việt Nam gia nhập WTO”. Hội thảo tập trung phân tích đặc điểm thị trường Đức, Nga, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ; kinh nghiệm và biện pháp hiệu quả thu hút khách từ những thị trường này.

|
Ông Jyoti Kaput phát biểu tại Hội thảo |
Theo ý kiến của GS.TS Leo Kenneth Jago, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Du lịch và Khách sạn, trường Đại học Tổng hợp Victoria (Australia) phân tích về những nhân tố mà Việt Nam có thể lôi cuốn người Australia cho thấy: đó là yếu tố về văn hóa như gặp gỡ và trò chuyện với người dân địa phương, đi thăm cộng đồng các dân tộc thiểu số, chứng kiến âm nhạc và điệu múa truyền thống; yếu tố về sự thân thiện của con người Việt Nam thường là điểm sáng đối với các chuyến đi du lịch của người Australia, văn hóa ẩm thực Việt Nam và vấn đề an toàn cá nhân cũng là những điểm hấp dẫn người Australia… Về thị trường du lịch Ấn Độ, ông Jyoti Kapur, Chủ tịch Công ty Vietrade Tours and Travels Pvt Ltd (Ấn Độ) chia sẻ kinh nghiệm “Tranh thủ nguồn khách du lịch quốc tế từ Ấn Độ”. Trình bày về thị trường du lịch Hàn Quốc, đại diện Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc - bà Lee Hayoung khẳng định, Việt Nam là điểm đến thứ ba đối với khách du lịch Hàn Quốc trong khu vực ASEAN. Dưới góc độ là Giám đốc Tổ chức sự kiện của IMEX (Anh) bà Nalan Yilmaz đã phân tích, đánh giá về thị trường du lịch Đức, ngành công nghiệp du lịch Đức… ngành du lịch MICE Đức và thị trường MICE thế giới.
Có thể khẳng định, thông qua những nội dung trình bày của các chuyên gia quốc tế, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam một mặt đã nắm thêm những thông tin cập nhật về tình hình, xu hướng du lịch khu vực và trên thế giới, đặc điểm về thị trường, đặc biệt là các thị trường nguồn, tiềm năng; mặt khác, các doanh nghiệp sẽ chủ động nghiên cứu xây dựng và thực thi những biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, Hội thảo cũng được nghe nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, thảo luận của các đại biểu, học hỏi thêm kinh nghiệm từ những chuyên gia du lịch nổi tiếng trong từng lĩnh vực hoạt động của du lịch. Hội thảo là một diễn đàn để cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các đơn vị có liên quan đến hoạt động du lịch cùng nhau trao đổi về quan điểm và tập trung nghiên cứu các giải pháp mang tình khả thi cao để có thể nhanh chóng đưa vào áp dụng nhằm nâng cap chất lượng, tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Du lịch Việt Nam. - ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội PATA Việt Nam phát biểu bế mạc hội thảo./.
Bài và ảnh: MAI LINH