Trong chuỗi hoạt động “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam” cũng sẽ giới thiệu tới du khách các nét văn hóa, phong tục, tập quán truyền thống của đồng bào các dân tộc, đồng thời góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, vùng, miền để thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo Ban Tổ chức, các hoạt động văn hóa tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có gần 100 đồng bào của 13 dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xê Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer đến từ 11 địa phương trên cả nước tham gia trình diễn.
Nổi bật là hoạt động sự kiện “Xúc cảm tháng Năm - Nhớ Bác” thể hiện tình cảm của đồng bào các dân tộc đang hoạt động tại Làng đối với Bác Hồ kính yêu qua những câu chuyện kể về Bác. Đồng bào các dân tộc phía Bắc sẽ kể những câu chuyện về Bác Hồ khi Người về hoạt động cách mạng tại Cao Bằng và xây dựng căn cứ địa cách mạng tại các miền núi phía Bắc. Tấm lòng, tư tưởng sự giản dị, ấm áp của Bác Hồ mãi mãi trong trái tim của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Màu áo chàm thân thương của đồng bào dân tộc Tày là hình ảnh gợi nhớ cho những ngày gian khổ ấy. Tại đây, du khách cũng sẽ được chứng kiến những cảm xúc của đồng bào Thái, nghe những câu chuyện rất bình dị qua lời kể của nghệ nhân Lò Thị Tóm (cháu ngoan Bác Hồ, người đã được gặp gỡ Bác). Cũng tại đây, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và Nam Bộ sẽ cùng nhau đọc những câu chuyện về Bác, những bài học từ cuộc đời của Người một cách gần gũi nhất để đồng bào mình hiểu hơn, yêu Bác hơn.
Từ tấm gương đạo đức phong cách của Người sẽ được lan tỏa qua câu chuyện kể của đồng bào các dân tộc như: nêu cao tinh thần tập thể dục, gìn giữ sức khỏe trong phòng chống dịch, yêu thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, đồng lòng, đoàn kết, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống của bà con bản làng, thi đua tạo nên những tấm gương đẹp, điển hình tiên tiến để bà con noi theo...
Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam” còn có nội dung biểu diễn dân ca dân vũ “Thương nhớ áo chàm”. Cụ thể, các tiết mục dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc Tày, Nùng hát về Bác với những làn điệu sli, lượn, hát Then, đàn tính, tiếng tính tẩu gợi nhớ không gian Việt Bắc cùng màu áo chàm thân thương hướng về Bác kính yêu. Đồng thời, trưng bày hình ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc gồm các hình ảnh, câu chuyện của Bác Hồ với đồng bào dân tộc. Kết hợp giữa hình ảnh, âm thanh tạo không gian hấp dẫn dành cho du khách.
Cũng trong khuôn khổ chuỗi hoạt động “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam còn có Lễ Phật đản năm 2022 tổ chức tại chùa Khmer. Lễ Phật đản nhằm duy trì hoạt động Phật sự hàng năm theo truyền thống phật giáo phục vụ đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của phật tử Hà Nội. Đồng thời, lan tỏa giá trị văn hóa, tâm linh của ngôi chùa Khmer thứ 454 và cũng là ngôi chùa duy nhất theo Phật giáo Nam tông giữa lòng Hà Nội. Chương trình cũng góp phần quảng bá với du khách trong nước và quốc tế về văn hóa tôn giáo, tinh thần đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Ngoài ra, các hoạt động du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như, thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc… trò chơi dân gian như, nhảy sạp, đi cà kheo, ném còn, đánh đu, đi cầu Kiều, đánh yến, tó má lẹ… cũng được tổ chức hàng ngày và cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Tuấn Hải