Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, cơ chế của tỉnh Quảng Nam trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch

Trong những năm qua, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, tỉnh Quảng Nam đã tập trung nguồn lực, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy hoạch, đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông như: Quốc lộ: 1A, 14G, 14B, 14D, 14E, 40B, cầu Cửa Đại, đường ven biển Võ Chí Công… sân bay Chu Lai đang được tích cực nghiên cứu đầu tư nâng cấp, cầu cảng biển du lịch Cửa Đại được vận hành ra đảo Cù Lao Chàm. Đây là cơ hội lớn để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển khu nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí dọc ven biển của tỉnh. Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam dài gần 150km và quốc lộ 14D nối với cửa khẩu Nam Giang - Đắc-tà-ốc đã hoàn thành là điều kiện tốt để phát triển du lịch vùng núi phía Tây của tỉnh. Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án du lịch quy mô đầu tư và đi vào hoạt động như: Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An - Hoiana, Vinpearl Nam Hội An, Khu nghỉ dưỡng TUIBLUE Nam Hội An… Nhờ đó, thương hiệu du lịch Quảng Nam - Hội An, Mỹ Sơn được nhiều tạp chí, trang mạng quốc tế uy tín bình chọn, là điểm đến được du khách ưa thích khi đi du lịch ở Việt Nam. Đặc biệt, Phố cổ Hội An đã nhận hàng chục danh hiệu được bình chọn từ các Tạp chí danh tiếng trong nước và quốc tế trong nhiều năm liền; riêng năm 2021, Hội An được Tạp chí du lịch Travel + Leisure vinh danh trong hạng mục 15 thành phố tuyệt nhất châu Á trong giải thưởng The World's Best Awards 2021 và lọt vào top điểm đến phổ biến nhất thế giới năm 2021 tại Giải thưởng Tripadvisor Travellers' Choice năm 2021; The Nam Hải là khu nghỉ dưỡng và spa tốt nhất do Tạp chí CondeNats Traveller (Vương quốc Anh) bình chọn; Sân golf Montgomerie Links (Điện Bàn) là một trong những sân golf tốt nhất Châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn...
Nhờ sự tập trung lãnh chỉ đạo, định hướng chiến lược thời gian qua ngành du lịch của tỉnh có bước phát triển đáng kể. Tính đến cuối năm 2019, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch đạt 7.790.000 lượt khách, trong đó: khách quốc tế đạt 4.666.000 lượt khách. Thu nhập xã hội từ tham quan, lưu trú du lịch đạt hơn 14.570 tỷ đồng. Sau 20 năm (1999 - 2019), quy mô khách đến Quảng Nam tăng 25 lần, từ 312.719 lượt khách năm 1999 lên 7.790.000 lượt khách năm 2019. Quảng Nam là điểm đến được du khách ưa thích khi đi du lịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy giảm. Tăng trưởng kinh tế trong nước chững lại và thấp hơn so với cùng kỳ; tỉnh Quảng Nam cũng không ngoại lệ, hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế chịu ảnh hưởng; trong đó du lịch là ngành bị ảnh hưởng sớm nhất và nặng nề nhất, sụt giảm nghiêm trọng về lượng khách cũng như doanh thu, trong một thời gian ngắn, các chỉ tiêu về lượng khách và doanh thu sụt giảm mạnh, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động; một số đơn vị đứng trước nguy cơ phá sản; hàng ngàn lao động trong ngành du lịch bị cắt giảm, không có thu nhập...
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã quan tâm phối hợp hoạt động du lịch; ngành du lịch đã nỗ lực phấn đấu thúc đẩy phát triển du lịch, góp phần tạo bước chuyển biến tích cực, hiệu lực và hiệu quả nhiều mặt của du lịch đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tỉnh Quảng Nam tập trung xây dựng, ban hành các chính sách, cơ chế trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch và bước đầu mang lại hiệu quả; công tác xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch du lịch đã thể hiện được quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và đề ra được các giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện đạt được các mục tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch theo định hướng của Trung ương và của tỉnh. Việc thực hiện, chấp hành chính sách pháp luật của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đầu tư du lịch ngày càng được cải thiện và đi vào nề nếp, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch. Hạ tầng du lịch ngày càng được quan tâm đầu tư hoàn thiện, cơ sở vật chất du lịch phát triển nhanh, sản phẩm du lịch được tăng cường, số lượng và chất lượng lao động du lịch ngày càng tăng. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch được đẩy mạnh, tạo dựng được thương hiệu du lịch Quảng Nam trên thị trường quốc tế, một số kết quả cụ thể như sau:

Việc xây dựng, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Nam ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch như: Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng Tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025; Quyết định số 4143/QĐ-UBND ngày 30/10/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án hỗ trợ đầu tư cấp thiết hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2020; Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 30/3/2018 của UBND tỉnh về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh về việc triển khai Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025; Quyết định số 2090/QĐ-UBND ngày 27/6/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án định hướng phát triển du lịch phía Nam tỉnh Quảng Nam đến năm 2025; Quyết định số 4368/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Quản lý và khai thác một số bãi biển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, Kế hoạch số 6425/KH-UBND ngày 07/11/2018 của UBND tỉnh về việc đào tạo bồi dưỡng lao động du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2020; Kế hoạch số 6467/KH-UBND ngày 03/11/2020 của UBND tỉnh về quảng bá, xúc tiến du lịch Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025; mới đây nhất, Tỉnh uỷ Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 5177/KH-UBND ngày 10/8/2021 về phát triển du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025, chuẩn bị ban hành quy định hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, đây là chủ trương quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững trong thời gian đến.
Công tác quy hoạch, đầu tư và kết quả thu hút đầu tư
Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 2879/QĐ-UBND đã góp phần định hướng phát triển du lịch với mục tiêu khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, đảm bảo phát triển hợp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Các quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hội An đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; điều chỉnh quy hoạch ven biển từ huyện Điện Bàn đến thành phố Hội An; quy hoạch vùng đông của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn kết với quy hoạch du lịch ven biển từ Điện Bàn đến Hội An; quy hoạch vùng hồ Phú Ninh, quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Du lịch Mỹ Sơn giai đoạn 2008-2020; Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa... được phê duyệt làm cơ sở để triển khai.
Hạ tầng phục vụ du lịch được chú trọng đầu tư, năm 2007-2018 tỉnh Quảng Nam đã đầu tư một số tuyến đường đến các khu, điểm du lịch từ nguồn hỗ trợ vốn hạ tầng du lịch của Chính phủ, nguồn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn địa phương. Các công trình trọng điểm như: Tượng đài mẹ Việt Nam Anh hùng, Cầu Cửa Đại và tuyến đường ven biển nối Đà Nẵng - Hội An với vùng Đông Quảng Nam, là cơ hội lớn để thu đầu tư, thúc đẩy phát triển khu nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí dọc ven biển Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Một số tuyến đường nối các khu, điểm du lịch cũng đã được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty lữ hành đưa khách đến.
Công tác xúc tiến thu hút nhà đầu tư du lịch được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, đảm bảo theo đúng quy hoạch ngành du lịch, quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện dự án, UBND tỉnh giao Trung tâm Hành chính công và Xúc tiến đầu tư (trước năm 2019) và Sở Kế hoạch và Đầu tư (năm 2020) là cơ quan chủ trì, phối hợp các Sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu thực hiện việc quản lý dự án, từ khâu khảo sát thực tế, lấy ý kiến đến chủ trương đầu tư để thực hiện dự án. Đối với các dự án du lịch đầu tư trong phạm vi quản lý của Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai thì do Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai triển khai. Từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn tỉnh thu hút được 144 dự án du lịch, trong đó 90 dự án đầu tư trong nước, với tổng mức đầu tư 74.500 tỷ đồng và 54 dự án FDI, với tổng mức đầu tư khoảng 4.300 triệu đô. Nhiều dự án quy mô đã và đi vào hoạt động, tạo điểm nhấn thu hút du khách đến với tỉnh Quảng Nam như: Khu vui chơi giải trí Vinpearl Land Nam Hội An, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), Công viên văn hóa Ấn tượng Hội An, Khách sạn Sunrise Hội An, Boutique, Lebel Hamy, Mường Thanh, Tui Blue Nam Hội An, Khu du lịch hồ Phú Ninh, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời, Đông Giang…
Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 741 cơ sở lưu trú, với tổng số phòng là 16.111 phòng vượt chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra là 132 cơ sở lưu trú với 4.100 phòng. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016-2019 về số cơ sở lưu trú là 17%/năm và số phòng là 17,2%/năm.
Xây dựng những sản phẩm phục vụ du khách
Trong 10 năm qua, bên cạnh việc làm mới và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đang khai thác tại các di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn. Quảng Nam còn tập trung xây dựng hình ảnh du lịch Cù Lao Chàm bằng việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An năm 2009. Xây dựng các sản phẩm du lịch vệ tinh lân cận các di sản văn hóa thế giới để giảm áp lực du khách đến các khu di sản tại những mùa cao điểm. Phát triển các làng nghề gắn phát triển du lịch: rừng dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà (Hội An); trải nghiệm du lịch cộng đồng nhà vườn Triêm Tây (thị xã Điện Bàn); làng Trà Nhiêu (Duy Sơn), làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên). Du lịch khám phá vùng núi phía Tây và tìm hiểu bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số thu hút các công ty lữ hành xây dựng các chương trình tour đưa du khách lên vùng núi: làng Bhờ Hôồng, Dhờ Rôồng (Đông Giang), làng dệt thổ cẩm Zara, thác Grăng (Nam Giang), làng truyền thống Cơtu, Vườn cây di sản Pơ-mu (Tây Giang)...
Hiện nay, tỉnh đang tập trung mở rộng không gian du lịch vào phía Nam, đến nay du lịch phía Nam cũng dần được định hình, bước đầu thu hút lượng khách đến tham quan tại các Bãi tắm, Làng nghệ thuật cộng đồng Tam Thanh, Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng, địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ), Khu du lịch hồ Phú Ninh (Phú Ninh), Hố Giang Thơm (Núi Thành), làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước), Vườn sâm Tăk Ngo (Nam Trà My). Một số sản phẩm du lịch được các tổ chức du lịch trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch
Ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đang sử dụng khoảng 18.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp du lịch và hệ thống cơ sở dịch vụ du lịch. Về cơ cấu lao động ngành du lịch được phân theo ngành nghề như sau: Khối cơ sở lưu trú du lịch chiếm khoảng 70%; Lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên từ 10%; Khối các dịch vụ khác từ 20%. Trình độ đào tạo của lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú đã qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ từ sơ cấp trở lên đạt tỷ lệ 65% kể cả hình thức tự đào tạo tại doanh nghiệp. Lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn VTOS là 5%. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý các điểm du lịch được quan tâm thực hiện, nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo lao động du lịch còn khá khiêm tốn.
Công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, đơn vị du lịch
Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức nhiều Hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để xúc tiến thu hút đầu tư, tổ chức nhiều Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, định hướng phát triển; tại các Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo ngành du lịch gặp gỡ, đối thoại, tháo gỡ các vướng mắt liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh du lịch, qua đó góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch của tỉnh. Thực hiện tốt cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ Du khách tỉnh Quảng Nam nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, vướng mắc trong quá trình du khách trải nghiệm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh luôn được quan tâm, chú trọng. Thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng như: VTV1, VTV Đà Nẵng, QRT, các Báo Du lịch, Báo Quảng Nam và các trang website của Sở, website du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam... Ngoài ra, cũng tiến hành tổ chức các hội nghị để triển khai Luật Du lịch 2017; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 20/7/2021 về phát triển thương mại, du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 364/QĐ-UBND ngày 31/01/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 47/2018/NQ-HĐND ngày 06/12/2018 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 để tuyên truyền đến doanh nghiệp và du khách.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch ngành du lịch còn nhiều bất cập, chất lượng quy hoạch còn hạn chế; chưa thực hiện tích hợp quy hoạch ngành du lịch vào quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam. Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù thu hút đầu tư đối với lĩnh vực du lịch; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, các điểm tham quan, vui chơi, giải trí, phát triển dịch vụ du lịch. Việc đầu tư hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, nhiều hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch còn thiếu như: cầu cảng phục vụ du lịch, bãi đỗxe, nhà vệ sinh, nhà đón tiếp khách… Một số dự án đầu tư du lịch tiến độ triển khai còn chậm, nhất là các dự án du lịch có quy mô lớn dọc ven biển; xúc tiến, thúc đẩy nâng cấp sân bay Chu Lai, xây dựng cầu cảng du lịch tại Kỳ Hà để đón tàu biển quốc tế còn chậm triển khai. Chậm triển khai phát triển du lịch tại xã đảo Cù Lao Chàm, một trong 09 khu du lịch Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư. Một số điểm du lịch được xác định có tiềm năng ở phía Nam và phía Tây của tỉnh vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh...
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp như sau:
Thứ nhất, tập trung nghiên cứu triển khai xây dựng các cơ chế đặc thù trong thu hút đầu tư, phát triển du lịch phù hợp tình hình thực tế tại địa phương; nâng cao tính năng động và tiên phong của lãnh đạo các ngành, các cấp thực hiện vai trò trách nhiệm hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp; linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc; duy trì chế độ gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm lắng nghe phản ánh, kiến nghị để nắm bắt, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư và kinh doanh du lịch; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư, nhất là Bộ phận Xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp; đảm bảo tốt an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh du lịch.
Thứ hai, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư phát triển du lịch
Thực hiện tốt việc tích hợp quy hoạch du lịch vào quy hoạch tỉnh Quảng Nam đạt chất lượng tốt, là cơ sở quan trọng cho đầu tư các sản phẩm, dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn các nước phát triển du lịch. Tập trung thực hiện Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn, Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa Thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển du lịch của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, thông tin truyền thông, cấp thoát nước, môi trường và các lĩnh vực liên quan đảm bảo đồng bộ để phục vụ phát triển du lịch. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, trong đó tập trung các dự án: Chỉnh trang tuyến đường du lịch ven biển Điện Bàn - Hội An, đường du lịch ven biển Duy Hải - Chu Lai, đường Duy Hải - Mỹ Sơn, đường Tam Kỳ - Phú Ninh, đường Mỹ Sơn - Trung Phước - Tây Viên, cầu cảng du lịch Cửa Đại và Cù Lao Chàm, Tam Hải, một số tuyến đường vào các khu du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử ở các huyện; Nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò, sông Trường Giang, kết nối phát triển du lịch đường sông Quảng Nam - Đà Nẵng; Nâng cấp sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế; Xây dựng cầu cảng du lịch tại Kỳ Hà để đón khách tàu biển quốc tế; Liên kết với đường sắt để hình thành nhà ga đường sắt phục vụ du lịch; Phối hợp với tỉnh Sê Koong đẩy nhanh tiến độ nâng cấp cửa khẩu quốc gia Nam Giang - Đắc-tà-oọc lên cửa khẩu quốc tế để thu hút khách du lịch theo tuyến đường bộ từ các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan, thúc đẩy phát triển du lịch phía Tây Quảng Nam.
Tập trung thu hút đầu tư du lịch có trọng điểm, dự án quy mô, đẳng cấp khu vực; các vị trí cần thu hút các dự án động lực như: ven biển từ phía Nam Hội An đến giáp Quảng Ngãi; ven sông Cổ Cò, Thu Bồn và Trường Giang, Phật viện Đồng Dương, hồ Phú Ninh, xã đảo Tam Hải...
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là việc xây dựng “Kiến trúc Chính quyền điện tử” nhằm giảm bớt số lượng, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh như: thành lập doanh nghiệp, chấp thuận địa điểm đầu tư, giao đất, cho thuê đất, cấp phép xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm, tiếp cận nguồn vốn, điện năng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm...; thiết lập hệ thống giám sát thực hiện thủ tục hành chính, xử lý nghiêm khắc, kịp thời cán bộ có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà trong giải quyết công việc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Thứ tư, xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực du lịch như: đào tạo tại chỗ, đào tạo lại, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong vùng dự án, cử cán bộ quản lý du lịch đi học ở nước ngoài, khuyến khích doanh nghiệp du lịch đào tạo lao động, khuyến khích thành lập các trường (nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học) và các trung tâm đào tạo nghiệp vụ du lịch... Đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp làm du lịch đi đôi với giáo dục về du lịch cho cộng đồng dân cư. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức làm du lịch có phẩm chất tốt, hiểu biết về đất nước, có lòng tự hào dân tộc, biết bảo vệ lợi ích quốc gia, hiểu biết về văn hoá và ứng xử, có kiến thức về văn hóa quốc tế, có nghiệp vụ và có trình độ ngoại ngữ. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch ở nước ngoài trong việc trao đổi, tập huấn kỹ năng hoạt động du lịch. Tạo các diễn đàn giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về tổ chức và phục vụ khách cho người lao động ngành du lịch.
Thứ năm, xây dựng tốt hình ảnh du lịch Quảng Nam để thu hút du khách và thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đến với Quảng Nam. Xây dựng chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch theo thị trường khách du lịch, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Lựa chọn các thị trường chất lượng cao và lưu trú dài ngày để tập trung xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức, nội dung phù hợp như: tổ chức sự kiện, phim truyền hình du lịch, tổ chức roadshow, famtrip, tham gia hội chợ... Đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài...), trên các ấn phẩm (sách hướng dẫn, tờ rơi...), trên các phương tiện trực quan (pano, biểu ngữ...) tại các sân bay, bến cảng, thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch. Xây dựng hệ thống phần mềm du lịch thông minh tỉnh Quảng Nam.
Thứ sáu, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về du lịch, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế góp phần đẩy mạnh phát triển và hội nhập của du lịch Quảng Nam. Nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Nam trên trường quốc tế. Tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip đến các thị trường du lịch lớn Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, ASEAN tạo sự giao lưu, kết nối, hợp tác phát triển du lịch. Đẩy mạnh liên kết vùng Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, miền Trung - Tây Nguyên, liên kết giữa Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, thông tin truyền thông để xúc tiến quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Lê Trí Thanh
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam
(Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo “Du lịch Việt Nam – Phục hồi và phát triển trong bối cảnh mới”)