Lào Cai với vị trí trung tâm vùng, là “cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam). Nơi đây có Khu du lịch quốc gia Sapa với lịch sử hình thành và phát triển trên 110 năm, hơn 50 di tích, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, khí hậu mát mẻ quanh năm, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp, đặc biệt có đỉnh núi Fansipan cao 3.143m được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Năm 2019, kênh truyền hình National Geopraphic (Mỹ) bình chọn Hoàng Liên Sơn - Sapa đứng thứ 7/28 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, và là điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á... Giai đoạn 1991 - 2019, lượng du khách đến Lào Cai có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm (riêng năm 2019 đạt 5,1 triệu lượt). Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ngày càng được cải thiện, nâng cao cả về chất và lượng. Năm 2011, cả tỉnh có 435 cơ sở lưu trú, với tổng số 5.421 buồng. Đến năm 2019, tăng lên 1.310 cơ sở lưu trú với 16.000 buồng, trong đó có 2.846 phòng từ 3 - 5 sao. Du lịch Lào Cai đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ Du lịch Việt Nam, là địa phương dẫn đầu các tỉnh miền núi về đón khách quốc tế và là một trong 5 trung tâm du lịch đón khách quốc tế lớn nhất miền Bắc.
Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 27/08/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã khẳng định, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá” và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh, tạo đòn bẩy và là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 đón 13 triệu lượt khách du lịch trở lên, tổng thu từ khách du lịch đạt 63.540 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP của tỉnh đạt 25%, tạo ra khoảng 50.000 - 55.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 30.000 việc làm trực tiếp, 25.000 việc làm gián tiếp). Đến năm 2050, phấn đấu đón ít nhất 18 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đạt 121.600 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP khoảng 30%, tạo ra khoảng 80.000 - 100.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch (trong đó 50.000 việc làm trực tiếp, 30.000 việc làm gián tiếp).
Lào Cai sẽ hoàn thiện phát triển không gian du lịch theo 3 vùng du lịch trọng điểm: Vùng I - Tây Bắc (Sapa - Bát Xát - thành phố Lào Cai); Vùng II - Đông Bắc (gồm các huyện Bắc Hà - Mường Khương - Si Ma Cai); Vùng III - phía Nam (gồm các huyện Bảo Yên - Bảo Thắng - Văn Bàn); định hướng mở rộng không gian du lịch của Sapa kết nối với Y Tý, Trung tâm kinh tế cửa khẩu thành phố Lào Cai; đồng thời phát triển không gian du lịch mới tại Bảo Hà (thuộc huyện Bảo Yên), Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Văn Bàn và Si Ma Cai...; tạo ra hệ thống các sản phẩm du lịch đa dạng phục vụ các thị trường nội địa, quốc tế, hình thành hệ thống các sản phẩm du lịch đặc trưng tại 3 vùng trọng điểm du lịch.
Cùng với đó, xây dựng Khu du lịch quốc gia Sapa đạt danh hiệu đô thị du lịch sạch theo tiêu chí của Asean, với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa và du lịch cộng đồng đặc sắc, hấp dẫn; Y Tý (Bát Xát) trở thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng xanh theo tiêu chuẩn bền vững toàn cầu (GSTC); thành phố Lào Cai là khu du lịch hấp dẫn với các sản phẩm du lịch giải trí cao cấp (casino, golf, công viên giải trí, trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế - MICE), là “cầu nối” của các tour du lịch quốc tế với Vân Nam - Trung Quốc và ngược lại...; Khu du lịch Bắc Hà trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc.
Năm 2021, đại dịch COVID-19 khiến chuỗi tăng trưởng liên tục 10 năm của Du lịch Lào Cai bị “đứt gãy”, các chỉ tiêu phát triển du lịch trong năm 2021 không thể hoàn thành như mục tiêu đề ra. Theo thống kê, năm 2021 Lào Cai ước đón khoảng 1,3 triệu lượt khách, giảm 39,7% so với năm trước.
Để vượt qua thách thức, tranh thủ những cơ hội nhằm tái cấu trúc ngành Du lịch Lào Cai theo hướng phát triển có trách nhiệm với môi trường, bền vững, thực chất và có chiều sâu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục lan rộng toàn cầu, Du lịch Lào Cai cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình mới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đảm bảo thực hiện các giải pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, duy trì sự phục hồi ổn định các hoạt động du lịch và thúc đẩy tăng trưởng thị trường khách nội địa, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong và sau đại dịch.
Thứ hai, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đầu tư xây dựng một số hạ tầng kết nối giao thông (Cảng hàng không Sapa, hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch, đường giao thông kết nối các khu du lịch Sapa - Y Tý, Lào Cai - Y Tý, kết nối sân bay - Khu du lịch quốc gia Sapa...), hạ tầng số, phát triển du lịch an toàn, thân thiện…
Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng, có tính cạnh tranh cao nhằm kích cầu du lịch, phục hồi và tạo đà phát triển mạnh mẽ sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cụ thể, phát triển các sản phẩm du lịch dọc sông Hồng, các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa, du lịch sức khỏe, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm... Ngoài ra, một chuỗi các sản phẩm đặc trưng của địa phương cần được xây dựng thành thương hiệu như: Vó ngựa cao nguyên trắng Bắc Hà, Lễ hội tuyết Sapa, Lễ hội mùa thu Y Tý...
Thứ ba, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, du lịch thông minh, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo đó, mở rộng, tổ chức chương trình truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp “Lào Cai điểm đến thân thiện, an toàn hấp dẫn”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch theo tình hình mới; tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tại các thị trường du lịch trọng điểm sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát; đa dạng hóa các kênh truyền thông (trên cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội, các sự kiện du lịch trực tuyến, các kênh truyền thông quốc tế lớn...).
Nắm bắt xu hướng tất yếu của việc phát triển du lịch thông minh, tỉnh Lào Cai đã có những bước tiếp cận và triển khai ngay từ rất sớm. Tỉnh đã phê duyệt Đề án thí điểm du lịch thông minh giai đoạn 2018 - 2025. Lào Cai là một trong số 30 tỉnh, thành phố đầu tiên của cả nước ứng dụng và sử dụng bộ giải pháp du lịch thông minh do Tập đoàn VNPT cung cấp, với bộ 3 giải pháp du lịch thông minh gồm Cổng du lịch thông minh, Ứng dụng du lịch thông minh trên Smartphone, phần mềm Quản lý lưu trú. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng là sở chuyên ngành đầu tiên trong cả nước thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động du lịch.
Thứ tư, phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao. Đại dịch đã tước đi việc làm của hàng nghìn lao động du lịch, nhiều lao động đã phải bỏ nghề, chuyển nghề. Vì thế, việc quan trọng đầu tiên là cần có biện pháp giữ chân, thu hút, phục hồi lại lực lượng lao động cho ngành Du lịch. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là nhân lực du lịch chất lượng cao để bổ sung cho ngành Du lịch, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Thực hiện hiệu quả chiến lược tiêm chủng vắc xin để khôi phục hoạt động sản xuất cũng như khôi phục hoạt động du lịch, tỉnh Lào Cai đã ưu tiên đẩy nhanh tiến độ chiến dịch vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động trong lĩnh vực du lịch đồng thời từng bước tiêm phủ vắc xin trong cộng đồng.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác kết nối với các địa phương để xây dựng tour an toàn. Năm 2020, nhóm hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đã kí kết chương trình hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh. Với chương trình hợp tác này, tỉnh Lào Cai sẽ khai thác thị trường khách nội địa trọng điểm của tỉnh Lào Cai và khai thác thị trường khách du lịch phía Nam. Cuối năm 2021, tỉnh Lào Cai tiếp tục hợp tác với 11 tỉnh/thành khác ở miền Bắc nhằm tạo ra sự liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước của 12 tỉnh/thành phố, giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, ký kết hợp tác phát triển du lịch với các hãng du lịch lớn (Vietravel, Saigontourist, Hanoitourist...) để xây dựng các chương trình, sản phẩm thu hút khách du lịch trong trạng thái bình thường mới.
Thứ sáu, để xây dựng môi trường du lịch thân thiện, an toàn, Lào Cai sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về phát triển du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường; huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, các đơn vị kinh doanh du lịch và khách du lịch tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, an toàn, nhất là tại Khu du lịch quốc gia Sapa và các trung tâm du lịch của tỉnh.
Tại kỳ họp thứ ba, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai khóa 16, nhiệm kỳ 2021 – 2026 vừa diễn ra đầu tháng 12/2021, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết thành lập Sở Du lịch trên cơ sở chia tách từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện, tỉnh Lào Cai đang tiến hành các bước để Sở Du lịch tỉnh Lào Cai sớm đi vào hoạt động. Đây cũng được xem là giải pháp để Du lịch Lào Cai “cất cánh” trong thời gian tới, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn “đột phá” của tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang có ảnh hưởng lớn đến du lịch.
TS. Đặng Xuân Phong
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)