Cuối tháng 12, chợ hoa xuân ở các địa phương đồng loạt khai trương. Đúng là một rừng hoa và cả một “rừng người” trong những ngày họp chợ. Chợ hoa xuân là thú chơi tao nhã thể hiện cốt cách lãng mạn của những người dân Nam Bộ. Người ta quan niệm: hoa mai đồng nghĩa với sự may mắn, một cành mai nở hoa vàng rực vào những ngày đầu năm sẽ báo hiệu những điều tốt lành cho cả năm. Sánh cùng những gian hàng mai kiểng là những chậu tắc cầu kỳ và độc đáo. Trái tắc Nam Bộ còn có tên là trái “hạnh” với hàm ý đem tới hạnh phúc cho mọi nhà. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân nhà vườn, tất cả trái tắc được xếp thành hình những con thú, ngôi sao, ngọn tháp… thật đẹp mắt. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của rất nhiều loại hoa trái rực rỡ sắc màu khác. Chợ hoa xuân thường chỉ họp tới chiều 30 Tết, sau đó đồng loạt dẹp bỏ trả lại nét phong quang sạch sẽ cho phố phường đón xuân.
Ngày 23 Tết tiễn Táo Quân về trời, các cụ nhắc nhở con cháu chọn đốn cây tre tốt, cao để dựng nêu. Cây nêu cao độ 4m, được trảy bỏ nhánh, chừa đọt có lá, chờ đến ngày 30 mới dựng và đến mùng 7 thì hạ xuống.
Sau ngày 23, nông thôn rộn ràng hẳn lên, người ta tranh thủ tát mương, chắt đìa, dỡ chà để bắt cá linh, lươn, ếch… đặc biệt là cá lóc, lươn được thả trong lu đất để làm thức ăn dự trữ trong ba ngày tết.
Ở miền Tây cũng có tục tảo mộ vào tiết thanh minh, thường là vào ngày hai mươi lăm tháng chạp âm lịch. Con cháu sẽ sửa sang lại phần mộ của ông bà và người thân, làm cỏ, quét dọn xung quanh và kì cọ những ngôi mộ cho sạch hết rêu và đất bám, sau đó sơn lại bằng một lớp sơn mới, thường là màu trắng.
Cứ vào dịp tết, nhà nhà lại chuẩn bị mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, tạo dáng vẻ tôn nghiêm, thành kính. Theo triết lý Khổng giáo, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ là năm yếu tố cấu thành vũ trụ. Vì vậy, nhiều vùng trong cả nước bày mâm ngũ quả có màu sắc theo ngũ hành. Riêng dân gian Nam Bộ lại có quan niệm rất đơn giản, cho rằng “quả” có nghĩa là thành quả lao động suốt năm, cho nên chọn năm loại trái cây, biểu trưng công sức của con cháu dâng lên tổ tiên và đất, trời với lời cầu chúc “ngũ cốc phong thu” mang lại may mắn, tài lộc.
Mâm ngũ quả ngày tết Nam Bộ thường là năm loại cây trái: mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài, mang hàm ý “cầu - sung - vừa (dừa) - đủ - xài”. Triết lý người xưa để lại cho con cháu qua mâm ngũ quả vùng Nam Bộ không đơn thuần là lời cầu chúc suông về tài lộc, mà còn nhắn nhủ khuyên răn biết “vừa đủ”, biết tiêu xài đúng lúc đúng chỗ. Đó là triết lý mang đậm bản sắc của những người mở cõi phương Nam.
Những loại bánh mứt truyền thống luôn là thứ không thể thiếu trong ngày tết của người dân miền Tây. Ngoài những chiếc bánh bông lan vàng tươi và mềm mịn, những sợi mứt dừa ngọt lịm với nhiều màu bắt mắt, những miếng mứt chuối đậm đà, những viên kẹo me chua ngọt…, người ta còn mua thêm kẹo thèo lèo, hạt dưa và một số loại bánh hộp.
Về món ăn mặn, có một món không thể thiếu trong ngày tết là thịt kho tàu, hay còn gọi là thịt kho trứng, thịt kho nước dừa. Món khổ qua dồn thịt cũng góp phần làm nên hương vị ẩm thực ngày tết ở miền Tây.
Ngày tết, người miền Nam ăn bánh tét. Nhân bánh tét có thể là nhân thịt, có khi vài trái chuối, có nhà còn trộn thêm đậu đỏ. Đêm 29 không khí lành lạnh, mọi người quây quần bên bếp lửa hồng canh chừng nồi bánh tét, vừa uống nước trà, vừa trò chuyện râm ran.
Ngày 30, mọi người tắm gội sạch sẽ để đón mừng năm mới. Đêm 30 tháng chạp, lúc 12 giờ, là thời khắc giao thừa thiêng liêng, đánh dấu sự chuyển mình từ năm cũ sang năm mới. Sau đó, một số người còn giữ thói quen đến các đền chùa để hái lộc, cầu xin phúc lành cho gia đình. Từ giao thừa trở đi, người ta kiêng cữ nhiều việc: không cãi vã lớn tiếng, không quét nhà, xách nước...
Trần Thanh Thảo Uyên
(Trường Đại học Đồng Tháp)