Du lịch thành phố Hồ Chí Minh kiên trì, chủ động, sáng tạo thích ứng với đại dịch
.jpg)
Với vị trí là đầu tàu kinh tế, là trung tâm văn hóa, xã hội, du lịch lớn nhất của cả nước, lại hoạt động trong lĩnh vực được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn, quyết tâm chủ động trong mọi tình huống, biến nguy thành cơ để đảm bảo phát triển bền vững, ổn định lâu dài. Trong năm qua, ngành Du lịch thành phố đã kiên trì, chủ động, sáng tạo thích ứng với đại dịch COVID-19.
Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã kiên trì bám sát mục tiêu kế hoạch đặt ra, theo dõi tình hình thực tế, diễn biến của dịch bệnh COVID-19 tham mưu cho lãnh đạo thành phố đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; kiên trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, tín dụng, thuế do Chính phủ ban hành. Ngành Du lịch thành phố đã đề xuất 15 kiến nghị đối với 6 bộ, ngành về những chính sách hỗ trợ thuế, phí, vay vốn, hỗ trợ tiền điện, sử dụng tiền ký quỹ cho doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn khó khăn. Kết quả, đã có một số kiến nghị được giải quyết như hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ cho hướng dẫn viên; giảm phí thẩm định cấp giấy phép lữ hành, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên, giảm 80% tiền ký quỹ, gia hạn thuế.
.jpg)
Ngành Du lịch thành phố đã tiên phong trong việc xây dựng và triển khai Kế hoạch phục hồi du lịch theo lộ trình 3 giai đoạn với phương châm “an toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa thì phải an toàn”; xây dựng Bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch COVID-19 và Đề án đón khách du lịch quốc tế; chủ động số hóa, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với xu hướng mới, như “bong bóng du lịch”, “làn xanh du lịch”, “du lịch không chạm” tăng khả năng trải nghiệm của du khách với các thiết bị và công nghệ tự động hóa để đạt được mục tiêu phục hồi du lịch một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, đã cập nhật 366 điểm đến du lịch trên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth; ký kết hợp tác với sàn giao dịch thương mại điện tử Traveloka Việt Nam,Shopee Việt Nam thúc đẩy phát triển du lịch và các chiến dịch giới thiệu sản phẩm du lịch đến với khách du lịch trong và ngoài nước; triển khai nâng cấp trang thông tin điện tử phiên bản mới www.visithcmc.vn, app du lịch… Đây là nỗ lực tăng cường chuyển đổi số và thực hiện các giải pháp du lịch thông minh, góp phần mang lại sức sống mới cho các điểm đến du lịch tại thành phố Hồ Chí Minh và truyền cảm hứng du lịch đến người dân địa phương, du khách trong nước và quốc tế.
Xác định đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là vấn đề rất khó khăn sau sự dịch chuyển cơ học nguồn lao động giữa các địa phương do tác động của đại dịch, ngành Du lịch thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ nhân lực trong giai đoạn tái khởi động hoạt động du lịch bằng nhiều hình thức (bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo…); hợp tác với các trung tâm ngoại ngữ trong và ngoài nước tổ chức các lớp tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản…, các lớp chuyên đề nâng cao kiến thức văn hóa, lịch sử, tôn giáo, sản phẩm du lịch mới… cho đội ngũ hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức các tọa đàm về “Quản trị rủi ro”, “Phát triển thị trường khách du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19” dành cho lực lượng quản lý, điều hành doanh nghiệp; các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, bàn… cho đội ngũ lao động trực tiếp trong khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long.
Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức các cuộc vận động hiến kế, cuộc thi khởi nghiệp, cuộc thi ảnh đẹp thành phố, phát động các chiến dịch vận động voucher hỗ trợ lực lượng tuyến đầu… để thu hút sự quan tâm, kết nối của cộng đồng đối với du lịch; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các sở ban, ngành tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tái khởi động du lịch nội địa liên tỉnh, liên vùng an toàn; kết nối các điểm đến, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp và hàng không xây dựng các chương trình du lịch trọn gói, có chất lượng, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch nội địa. Chuỗi các chương trình du lịch về nguồn khép kín, tri ân lực lượng tuyến đầu được đánh giá rất thành công, là hoạt động “tiền trạm” cho sự trở lại của hoạt động du lịch thành phố. Trong thời gian ngắn, ngành Du lịch thành phố đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 30 đoàn du lịch về nguồn khép kín “Hành trình xanh về miền đất thép” và “Cần Giờ - Thiên nhiên tươi đẹp” cho gần 3.000 y tá, bác sỹ và lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.
.jpg)
Cùng với đó, chủ động tham mưu cho lãnh đạo thành phố đẩy mạnh việc liên kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương, trong tình trạng tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng dịch COVID-19 còn chênh lệch, giữa các địa phương vẫn còn tâm lý e dè, thận trọng khi kết nối đón khách du lịch từ thành phố. Kết quả, sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, ngành Du lịch đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố trực tiếp làm việc với gần 20 địa phương là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, 8 tỉnh Tây Bắc và Tuyên Quang đề nghị tái khởi động các chương trình du lịch liên tuyến; sau chương trình làm việc trên, các doanh nghiệp đã tổ chức gần 100 tour với gần 2.000 lượt khách đi tham quan các tỉnh/thành.
Việc tổ chức các sự kiện, truyền thông quảng bá hình ảnh du lịch thành phố, kích cầu du lịch nội địa được chú trọng triển khai với nhiều hoạt động, sự kiện nổi bật như: Chương trình du lịch và tọa đàm cho các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, cơ quan báo chí nước ngoài tại Việt Nam; Tuần lễ du lịch thành phố Hồ Chí Minh - thành phố tôi yêu, phối hợp với Google Việt Nam quảng bá về ẩm thực…, qua đó quảng bá những nét đặc sắc của Du lịch thành phố, gửi gắm thông điệp về du lịch an toàn, khởi động lộ trình phục hồi du lịch, chuẩn bị sẵn sàng đón khách quốc tế.
Sự sáng tạo trong trạng thái bình thường mới bộc lộ rõ nét nhất khi ngành Du lịch tổ chức Ngày hội Du lịch thành phố trên nền tảng trực tuyến 2D và 3D. Với chủ đề “Điểm đến an toàn - hành trình sống động”, Ngày hội Du lịch lần thứ 17 đã quy tụ hàng trăm gian hàng ảo của 200 doanh nghiệp du lịch uy tín và ngành Du lịch của 59 tỉnh, thành phố; đáp ứng được sự trông đợi của người dân thành phố; cho thấy sự đồng lòng của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nhằm khôi phục hoạt động du lịch. Từ khi khai mạc Ngày hội Du lịch lần thứ 17 đến nay, số lượt truy cập đạt gần 10.000 lượt và hàng ngàn lượt khách liên hệ đặt tour với tổng doanh thu hàng tỷ đồng đi Cần Giờ, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc.
Mặc dù sự kiên trì, chủ động, sáng tạo của ngành Du lịch thành phố trong năm qua vẫn chưa thể tạo bước nhảy vọt nhưng đang từng bước khẳng định tính hiệu quả qua mỗi lộ trình. Hy vọng những kết quả đạt được ở mỗi giai đoạn sẽ tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo và là hành lang an toàn cho việc đón khách du lịch quốc tế trong năm mới 2022.
Nguyễn Thị Ánh Hoa
Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)