Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết, việc điều tra đánh giá tài nguyên du lịch đã có nhiều cơ quan quản lý du lịch tham gia, tuy nhiên cho đến nay, tại Trung ương và địa phương và các vùng miền vẫn chưa có sự thống nhất về phương pháp cũng như tiêu chí. Vì vậy, hội thảo có ý nghĩa nền tảng, là bước đầu để hoàn thiện các tiêu chí, phương pháp điều tra tài nguyên du lịch. Nhân hội thảo này, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu mong muốn xin ý kiến, đóng góp của cơ quan quản lý du lịch địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp nhằm sớm hoàn chỉnh được nội dung.
Theo đó, Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tự nhiên và văn hóa. Trong thời gian qua, nhiều tài nguyên du lịch đã được khai thác cho phát triển du lịch, đạt nhiều kết quả quan trọng về thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước. Tuy vậy cho đến nay, ngành du lịch vẫn chưa thực hiện được công tác kiểm kê, thu thập thông tin, đánh giá và xếp loại tài nguyên du lịch làm căn cứ vững vàng cho việc lập quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển du lịch dài hạn của cả nước, vùng cũng như trong quản lý, khai thác tài nguyên du lịch tại từng địa phương.
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS . Đỗ Cẩm Thơ Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Tổng cục Du lịch cho biết, tài nguyên du lịch được chia thành 2 nhóm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, trong đó gồm 5 tiêu chí chính đánh giá tài nguyên du lịch (giá trị, sức chứa, mức độ hấp dẫn, phạm vi ảnh hưởng, khả năng khai thác phục vụ phát triển du lịch) với mức điểm tối đa để đánh giá là 1.176 điểm.
Mục đích của việc xây dựng tiêu chí đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch nhằm xác định những điểm tài nguyên nào có giá trị cho phát triển du lịch, phục vụ cho công tác kiểm kê, xếp loại, phát huy, khai thác, bảo tồn, quản lý phù hợp; Làm cơ sở để xác định, công nhận các khu, điểm du lịch;…
Theo thống kế sơ bộ, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 130 khu, điểm tham quan du lịch chính, dựa vào đặc điểm và giá trị của tài nguyên du lịch mà các khu, điểm tham quan du lịch hiện đang khai thác, bà Phạm Diễm Hảo, Phó trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch Sở Du lịch Hà Nội đã đề xuất các tiêu chí để đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch gồm: tiêu chí về giá trị của tài nguyên du lịch; tiêu chí về mức độ hấp dẫn của tài nguyên đối với hoạt động du lịch, tiêu chí về khả năng khai thác giá trị tài nguyên cho hoạt động du lịch; tiêu chí về mức độ sẵn sàng tham gia hoạt động du lịch của cộng đồng dân cư địa phương nơi có tài nguyên du lịch; tiêu chí về nguồn nhân lực của địa phương.
Về công tác kiểm đếm, khai thác và quản lý hiệu quả tài nguyên du lịch, đại diện Sở VHTTDL Cần Thơ đưa ra các giải pháp trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng, giá trị của tài nguyên du lịch đồng thời quan tâm công tác đào tạo, hướng dẫn tập huấn và hỗ trợ người dân kiến thức, kỹ năng du lịch; tăng cường công tác hợp tác liên ngành hỗ trợ cho người dân trong hoạt động du lịch. Ngoài ra đề xuất Tổng cục Du lịch và các Tổ chức trong nước và quốc tế xây dựng kế hoạch, phương án điều tra tài nguyên du lịch phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của địa phương, tổng hợp và số hóa tài nguyên du lịch để quản lý và phát triển du lịch.
Thu Thảo