Hoạt động du lịch tại Bình Liêu
Xây dựng Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa cộng đồng và nghỉ dưỡng, thực hiện mục tiêu đưa Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của huyện, tháng 7/2015, Nghị quyết đầu tiên - Nghị quyết số 01-NQ/HU về phát triển du lịch Bình Liêu đã chính thức được ban hành, mở ra cơ hội phát triển mới cho du lịch của địa phương. Triển khai Nghị quyết này trong thời gian qua, Bình Liêu đã tăng cường quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, thực hiện nhiều giải pháp kích cầu du lịch, ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, mời gọi nhà đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch... Nhờ đó, du lịch Bình Liêu đã được những kết quả đáng ghi nhận. Nếu như năm 2015, Bình Liêu chỉ đón trên 33.000 lượt khách thì đến năm 2019 đã đón khoảng 85.000 lượt, trong đó khách lưu trú ước đạt 17.000 lượt. Hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã khiến nhiều hoạt động, sự kiện du lịch của Bình Liêu không thể tổ chức. Tuy nhiên, ngay khi những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, Bình Liêu đã kịp thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu du lịch, thu hút lượng khách lưu trú tăng cao đến từ các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…
Nếu như năm 2015, trên địa bàn toàn huyện chỉ có 1 nhà nghỉ tại thị trấn Bình Liêu và khoảng 5 nhà nghỉ quy mô nhỏ tại cửa khẩu Hoành Mô thì đến thời điểm hiện tại đã có 18 cơ sở lưu trú với 197 phòng. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển du lịch dịch vụ, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư hoàn thiện như tuyến đường tuần tra biên giới, đường lên cột mốc biên giới phía Tây và cột mốc 1305; đường Lục Ngù - Khe Tiền, đường Nà Ếch - Khe Vằn; đường từ thị trấn Bình Liêu lên Khe Vằn (Húc Động)... Hệ thống giao thông đã kết nối các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách trong quá trình khám phá Bình Liêu. Trong thời gian tới, Bình Liêu đặt mục tiêu hoàn thành hạ tầng giao thông kết nối 104 thôn, bản, khu phố để hoàn thiện mạng lưới kết nối các điểm du lịch; tiếp tục đầu tư hạ tầng điện, viễn thông, triển khai hoàn thiện các quy hoạch trọng điểm như Quy hoạch xây dựng bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch tại bản Cáu (xã Lục Hồn), Quy hoạch khu du lịch trải nghiệm rừng Sở huyện Bình Liêu; hoàn thành Dự án Đài tưởng niệm liệt sỹ Cao Ba Lanh trở thành điểm du lịch văn hóa, tâm linh và giáo dục chủ quyền biên giới, Dự án điểm dừng chân cột mốc 1305…
Bình Liêu cũng đã triển khai xây dựng 7 nhóm sản phẩm du lịch theo chuyên đề, nổi bật là du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa, các lễ hội, ngày hội trên địa bàn... Qua đó hình thành nhiều sản phẩm mới, mang đến trải nghiệm thú vị cho du khách mà một trong số đó là vườn hoa Bình Liêu ở thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô có quy mô 2ha, do HTX hoa Bình Liêu đầu tư.
Qua nghiên cứu thực tế cho thấy, du lịch Bình Liêu còn tồn tại một số thách thức như chưa có chiến lược phát triển du lịch rõ ràng; chưa có sản phẩm du lịch đặc thù và hình ảnh nhận diện đủ mạnh; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch còn yếu; trình độ, kỹ năng của lao động du lịch còn hạn chế; một số nét văn hóa có thể khai thác trong du lịch đang có nguy cơ bị mai một trong cuộc sống thường ngày; các tuyến giao thông chủ yếu mới chỉ đáp ứng lưu thông xe nhỏ, vào mùa mưa lũ vẫn xảy ra hiện tượng sạt lở gây tắc đường…
Phát triển du lịch Bình Liêu bền vững
Để phát triển du lịch bền vững, huyện Bình Liêu cần xác định được điểm mạnh và trọng tâm phát triển du lịch, tránh sự đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Trên cơ sở quy hoạch, các sản phẩm, cơ sở hạ tầng du lịch của Bình Liêu cần tuân thủ triệt để nguyên tắc phát triển du lịch bền vững. Quá trình thu hút đầu tư phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo tồn di sản văn hóa, trong đó ưu tiên phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số và khai thác các thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, sinh thái.
Định hướng phát triển du lịch biên giới đã được đề cập trong quy hoạch phát triển du lịch Bình Liêu. Theo đó, cần lưu ý về tính chất phức tạp và sự tác động, chi phối của các yếu tố như chính trị, dịch bệnh, kinh tế… ảnh hưởng trực tiếp tới số lượng khách du lịch. Do vậy, việc xây dựng các dự báo và chiến lược ứng phó với các sự cố du lịch có thể xảy ra trong tương lai là cần thiết.
Do Bình Liêu cách xa các trung tâm du lịch trọng điểm của Quảng Ninh nên cần tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông đồng bộ, phương tiện giao thông hiện đại và thân thiện với môi trường nhằm rút ngắn khoảng cách địa lý, giúp du khách tiếp cận gần hơn với các sản phẩm du lịch của huyện.
Bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư, huyện Bình Liêu cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân lực, đặc biệt là về văn hóa giao tiếp, ngoại ngữ và kĩ năng phục vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Đồng thời liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp thiết kế các chương trình du lịch đa dạng, hấp dẫn, lấy yếu tố văn hóa bản địa làm điểm nhấn để tạo sự khác biệt; đa dạng hóa các dịch vụ bổ sung để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian của du khách tại Bình Liêu...
TS. Vũ Văn Viện
ThS. Hà Thị Hương
ThS. Nguyễn Thùy Dương
(Tạp chí Du lịch tháng 8/2022)