Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, trong những năm qua, ngành Du lịch đang trên đà tăng trưởng phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên dịch COVID-19 đã gây ra tác động, ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế trong đó có du lịch, đặc biệt là người lao động. Chính vì vậy, hội thảo được tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề như làm sao để tăng doanh thu, cải thiện năng suất cả về chất lượng và số lượng, bởi yếu tố con người tác động chính đến năng suất lao động. Trong lĩnh vực lưu trú, ngoài yếu tố về chất lượng và số lượng, còn yếu tố về mối quan hệ giữa người lao động với khách du lịch. Trong đó du lịch là ngành dịch vụ, vì vậy yếu tố chất lượng dịch vụ quyết định đến năng suất, mối quan hệ tương tác và cả sự hài lòng của du khách.
Năng suất lao động (NSLĐ) không những là thước đo hiệu suất của lao động, hiệu quả quản lý lao động mà năng suất lao động là một yếu tố quan trọng để nâng cao sức cạnh tranh. Một quốc gia có nguồn lực dồi dào như Việt Nam, một ngành Du lịch đang trên đà phát triển mạnh mẽ, sử dụng và thu hút ngày một nhiều lao động dịch vụ rất cần được nghiên cứu để làm rõ và có những biện pháp để đẩy mạnh, tăng năng suất lao động.
Trình bày đề dẫn hội thảo, chủ nhiệm đề tài TS. Đỗ Cẩm Thơ, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính TCDL cho biết, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, việc cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan... Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước ASEAN-6.
Theo đánh giá Nguồn nhân lực và lao động Việt Nam của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF, năm 2021), Việt Nam đứng thứ 52 trong 140 quốc gia về năng lực phát triển du lịch, trong đó chỉ số cạnh tranh trụ cột thứ 4 về Nguồn nhân lực và thị trường lao động, Việt Nam được đánh giá chung xếp hạng 37, trên nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Lào, Campuchia. Năm 2020-2021, COVID-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành kinh doanh lưu trú, làm thay đổi và chuyển dịch khá lớn trong lao động tại các cơ sở lưu trú. Trong đó, các khách sạn 3-5 sao có sự ổn định nhất về số lượng/chất lượng lao động.
Tại Việt Nam, trong lĩnh vực lưu trú NSLĐ được Tổng cục Thống kê tính toán và công bố, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống năm 2020 giảm 21,11% so với năm 2019; trong đó, ngành dịch vụ lưu trú giảm 34,71%, ngành dịch vụ ăn uống giảm 16,37%, năm 2021 tiếp tục giảm 20%. Điều này góp phần không nhỏ vào thay đổi năng suất lao động của hoạt động lưu trú, ăn uống trong những năm qua.
Tham luận cũng đưa ra các nhóm giải pháp nâng cao NSLĐ trong lĩnh vực kinh doanh lưu trú ở Việt Nam, gồm: cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp nâng cao NSLĐ du lịch lĩnh vực lưu trú ở Việt Nam; quản lý và nâng cao chất lượng kinh doanh lưu trú gắn với nâng cao NSLĐ ở Việt Nam; cải tiến quy trình dịch vụ các bộ phận chính lĩnh vực lưu trú nhằm nâng cao NSLĐ ở Việt Nam; áp dụng công nghệ trong các bộ phận chính lĩnh vực lưu trú để hỗ trợ nâng cao NSLĐ; nâng cao nhận thức, đào tạo và tăng cường năng lực cho người lao động lĩnh vực lưu trú; nâng cao phúc lợi xã hội và quyền lợi người lao động lĩnh vực lưu trú.
Với kinh nghiệm về quản trị và quản lý chất lượng để nâng cao NSLĐ, đại diện tập đoàn Accor Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm mà tập đoàn hướng đến như: xây dựng tinh thần làm việc tập thể; tăng động lực thông qua ghi nhận các nỗ lực và thành tích, hiệu quả công việc; cung cấp một môi trường học tập không ngừng ngay từ khi ngày đầu tiên cho nhân viên mới, bắt đầu bằng các khóa đào tạo định hướng, tiêu chuẩn dịch vụ thương hiệu. Tăng cường hiệu quả giao tiếp, tổ chức các cuộc trao đổi công việc và phản hồi thường xuyên, thực hiện chính sách cởi mở. Cập nhật báo cáo thường xuyên để đo lường hiệu quả, năng suất và chất lượng…
Tại hội thảo, một số giải pháp số hóa cho doanh nghiệp nhằm cải thiện năng suất lao động trong các bộ phận của cơ sở lưu trú du lịch cũng được đề xuất gồm bộ sản phẩm của FPT là FPT.iHotel - Quản trị khách sạn theo chuẩn quốc tế; FPT.Skybeds - Quản trị khách sạn 0-3 sao; FPT E-ofice - Giải pháp văn phòng không giấy; FPT.eProcurement - Giải pháp đấu thầu và quản lý mua hàng; FPT.iHRP - Giải pháp quản lý nguồn nhân lực toàn diện; FPT CSF - Hợp nhất báo cáo tài chính.
Thảo An