Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu đã trình bày dự thảo báo cáo “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Tây Nguyên”. Theo đó, định hướng phát triển sản phẩm đặc thù hướng đến thị trường quốc tế Đông Bắc Á, Tây Âu, Đông Nam Á là các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi, hồ kết hợp chữa bệnh, tham quan thắng cảnh; trải nghiệm văn hóa – làng nghề truyền thống; thể thao mạo hiểm... Đối với thị trường nội địa, định hướng phát triển các sản phẩm nghiên cứu tìm hiểu di sản văn hóa dân tộc bản địa; du lịch sinh thái, nghiên cứu đa dạng sinh học; du lịch nông nghiệp nông thôn công nghệ cao; du lịch nghỉ dưỡng núi, hồ trên núi...
Các ý kiến tại hội thảo đánh giá cao các kết quả của nhóm nghiên cứu; tuy nhiên cần quan tâm thêm đến yếu tố văn hóa Chăm, du lịch biên giới, sản phẩm cà phê Tây Nguyên, các đặc trưng văn hóa bản địa. GS.TS Nguyễn Văn Thanh (nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch - Viện Đại học Mở) cho rằng, xây dựng sản phẩm đặc thù phải gắn với núi rừng Tây Nguyên, phải có sự tham gia của đồng bào các dân tộc và phải bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa. Nhiều ý kiến khác cho rằng nên tập trung hướng đến ưu tiên khai thác thị trường Đông Nam Á; phải có sự lên kết nội vùng để xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh e-marketing; khai thác thế mạnh hoa dã quỳ đặc trưng; liên kết thu hút khách từ Phú Yên, Khánh Hòa. Cơ quan quản lý cũng cần quan tâm định hướng vấn đề đào tạo nhân lực nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ; điều phối trong các hoạt động sự kiện để đảm bảo hiệu quả; có chính sách hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm và khai thác khách quốc tế...
HN