(VTR) - Ngày 9/11/2016, tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hội Kiến trúc sư Hà Nội phối hợp Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức Tọa đàm "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống phố cổ Hà Nội - Khó khăn và giải pháp”, với sự tham gia của các nhà khoa học, các kiến trúc sư, Hội Di sản Văn hóa Thăng Long.
Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu tham dự đề cập đến những giá trị của phố cổ Hà Nội đã được khẳng định cùng thời gian. Đó là tổng hòa giữa những kiến trúc nhà ở, các công trình tôn giáo, nghề cổ, nếp sống người Hà Nội, các tập tục, lễ hội gắn với các di tích, phố nghề... Thời gian qua, TP. Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đã có những biện pháp khai thác, phát huy giá trị phố cổ Hà Nội bằng nhiều biện pháp như: tu bổ di tích, khôi phục lễ hội, hỗ trợ tu bổ, khôi phục mặt đứng nhà một số tuyến phố, tổ chức phố đi bộ... nhưng nhìn chung, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại phố cổ Hà Nội còn nhiều thách thức, nhất là áp lực dân số, gây biến dạng kiến trúc.
Từ những góc độ khác nhau, các nhà khoa học và kiến trúc sư đã đề xuất những giải pháp để tạo nên sự hấp dẫn cho khu phố cổ trong bối cảnh hiện tại: song song với việc làm quy hoạch chi tiết, cần chỉnh trang các tuyến phố một cách đồng bộ hơn về kiến trúc, màu sắc, vật liệu xây dựng, cho đến biển quảng cáo, biển số nhà..., từ đó lựa chọn một số nhóm nhà tiêu biểu tái tạo hình ảnh "mái ngói thâm nâu" để khách du lịch hình dung rõ hơn về nét đẹp truyền thống của phố cổ; kiên quyết hơn với việc khống chế chiều cao của các khu nhà, có giải pháp hạn chế phát triển những mặt hàng thông thường, thay vào đó là các mặt hàng có giá trị thẩm mỹ, giá trị truyền thống; cần chọn mũi nhọn để ưu tiên bảo tồn…; huy động sự ủng hộ của người dân để người dân chung tay gìn giữ, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại phố cổ.
Bích Vân