Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn, vùng Bắc Trung Bộ tuy là khu vực dày đặc di sản, giàu tiềm năng du lịch tuy nhiên vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do chưa xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù đủ sức cạnh tranh với những điểm đến khác trong nước và trong khu vực. Sản phẩm du lịch đặc thù sẽ giúp Bắc Trung Bộ thành một vùng du lịch thống nhất, một điểm đến hấp dẫn và ngày càng thu hút được nhiều khách du lịch.
Hội thảo đã nghe trình bày dự thảo đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Bắc Trung Bộ”. Theo đó, các dòng sản phẩm du lịch đặc thù dự kiến được định hướng cho vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 dòng sản phẩm: du lịch văn hóa lịch sử gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ; du lịch văn hóa lịch sử triều Nguyễn gắn với quần thể di tích cố đô Huế; du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa lịch sử kiến trúc thành nhà Hồ - Lam Kinh; du lịch sinh thái gắn với di sản thiên nhiên thế giới và vùng cảnh quan tự nhiên độc đáo; du lịch học tập, nghiên cứu tìm hiểu các danh nhân văn hóa, lịch sử Việt Nam; du lịch nghỉ dưỡng biển...
Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí cho rằng việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù chung cho vùng Bắc Trung Bộ là cần thiết và có tính cấp thiết trong giai đoạn khắc phục tác động của sự cố môi trường biển tới hoạt động du lịch như hiện nay. Các đại biểu cũng có nhiều ý kiến đóng góp về kết cấu và nội dung nhằm giúp đề án hoàn thiện và đạt chất lượng tốt hơn.
Hội thảo cũng nêu ra một số hạn chế trong công tác xây dựng sản phẩm đặc thù chung cho cả vùng; đó là hoạt động du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ vẫn còn đang ở dạng nhỏ lẻ, manh mún, địa phương nào biết địa phương đó chưa thực sự có được sự hợp tác chặt chẽ và gắn kết giữa các điểm du lịch với nhau...
Để khắc phục tình trạng này, 11 nhóm giải pháp đã được đề xuất trong dự thảo đề án, trong đó có các nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, về huy động vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ tài nguyên môi trường, giảm tác động bất lợi do tính thời vụ...
HN