Niềm tự hào của người Hà Nội
Cùng với Ba Vì – Tản Viên, sông Hồng, sông Tô Lịch, hồ Gươm cũng là một trong những “điểm thiêng” quan trọng của Hà Nội.
Với một không gian cây xanh, mặt nước và kiến trúc khá rộng mà chỉ riêng hồ Gươm đã có diện tích 10,6 ha, chiều dài 700m, rộng 250m, khu di sản còn đóng vai trò là yếu tố tạo dựng nên diện mạo kiến trúc cho cả thành phố. Với đặc điểm phân bổ di sản ở trong mặt bằng tổng thể của thành phố, Hồ Gươm – đền Ngọc Sơn đóng vai trò một “điểm nhớ”, “điểm hẹn” cho cư dân Hà Nội và nhân dân cả nước khi về thăm thủ đô. Nhờ thế, khu di sản giúp chúng ta định hướng đến các khu trung tâm khác của Hà Nội trong vòng bán kính 5 đến 10 km như Lăng Bác, hồ Tây, Văn Miếu Quốc Tử Giám hay Tứ trấn của Thăng Long – Bạch Mã, Quán Thánh, Voi Phục và Kim Liên. Đây là chỉ báo quan trọng thứ hai làm căn cứ thứ hai cho các kiến trúc sư quy hoạch đô thị, các nhà bảo tồn tiếp cận, nhận diện giá trị, xây dựng kế hoạch bảo tồn khu di tích đền Ngọc Sơn – Hồ Gươm với tư cách là một bộ phận di sản kiến trúc đô thị đặc biệt.
Xứng đáng được tôn vinh
Đền Ngọc Sơn và hồ Gươm hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Đền Ngọc Sơn và hồ Gươm gắn liền với hầu như tất cả các giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc, nhiều danh nhân nổi tiếng của đất nước như: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Siêu, Nguyễn Trọng Hợp, Vũ Tông Phan ..v.v.. đặc biệt là đóng vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa Thăng Long – Hà Nội với tư cách là kinh đô của các triều đại phong kiến và thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam.
Đền Ngọc Sơn – Hồ Gươm được coi là “bông hoa kiến trúc” tạo nên một trong những khu vực kiến trúc cảnh quan điển hình của Hà Nội. Đến di tích chúng ta có cảm giác thật hạnh phúc và gần gũi với cảnh trí thiên nhiên vì các kiến trúc sư (qua nhiều giai đoạn phát triển đô thị) đã sử dụng có hiệu quả nghệ thuật sắp đặt để thiết lập một không gian nhân tạo mang tính tổng hợp và có chất lượng thẩm mỹ. Bằng nghệ thuật sắp đặt kiến trúc cảnh quan, các nhà quy hoạch đô thị đã tạo ra và duy trì cho người dân khu phố cổ Hà Nội và du khách một không gian sống rất rộng lớn, hấp dẫn, thơ mộng và tiện ích.
Mặt nước hồ Gươm, đảo Ngọc và cây xanh, vườn hoa bao quanh hồ là yếu tố thiên nhiên quan trọng trọng trong không gian kiến trúc cảnh quan của khu di sản.
Đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, tháp Búp, đài Nghiên, tháp Hòa Phong... là những hạng mục kiến trúc không lớn nhưng rất ấn tượng và đã đi sâu vào tâm thức người Hà Nội như một phần ký ức cuộc sống.
Trong khu di sản, kiến trúc được kiến tạo như một yếu tố bố sung (không gian cây xanh nổi trội, kiến trúc đền Ngọc Sơn được ẩn khuất phía sau và bên trong) vào khung cảnh thiên nhiên quanh hồ Gươm, làm cho cảnh quan thiên nhiên thêm hoàn chỉnh, gợi cảm và hấp dẫn. Ngược lại, các yếu tố thiên nhiên, cây xanh, bề mặt nước, đôi khi cả ánh sáng cũng như được kéo xích gần lại (cầu Thê Húc – hứng đón ánh sáng ban mai), trong chừng mực nào đó, còn hòa nhập vào không gian kiến trúc. Như vậy giá trị bề mặt kiến trúc cảnh quan của khu di sản phải được coi là chỉ báo thứ ba cần được quan tâm trong các quy hoạch, kế hoạch và dự án bảo tồn và phát huy di sản gắn với phát triển bền vững.
“Văn hóa tâm linh” cũng là yếu tố quan trọng lầm nên tính đa dạng văn hóa và tạo ra sức hấp dẫn của khu di sản đối với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đối với người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Gươm không chỉ là một khu vực ng trúc cảnh quan bình thường, một không gian đô thị đặc biệt mà còn là “không gian thiêng liêng” – nguồn cảm hứng vô tận cho văn thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh và nó hoàn toàn thích hợp cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa lớn nhân những ngày lễ lớn của cả nước cũng như của Hà Nội. Trong chúng ta, chắc chắn có nhiều người đã được trải nghiệm bầu không khí đậm chất văn hóa của người Hà Nội vào đêm giao thừa hàng năm xung quanh khu vực đền Ngọc Sơn và hồ Gươm. Có thể nói, chức năng văn hóa - xã hội cả khu di sản là thiết thân và gần gũi cho người Hà Nội nói chung cư dân quận Hoàn Kiếm nói riêng. Giá trị của khu di sản về nhiều mặt (không gian kiến trúc, kiến trúc cảnh quan và lịch sử - văn hóa) là những yếu tố cấu thành tài nguyên du lịch quan trọng của thủ đô. Như vậy, tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch dựa trên cơ sở di sản văn hóa chính là chỉ báo thứ tư cần được lưu tâm khi thảo luận vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Bảo tồn gắn với phát triển du lịch bền vững là định hướng chiến lược
Các hoạt động bảo tồn di sản luôn phải đứng vững trên nền tảng quan trọng: cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý. Đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Gươm là một bộ phận cấu thành di sản kiến trúc đô thị của Hà Nội. Theo định hướng “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô – Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, Hà Nội phải trở thành thành phố đạt được 3 mục tiêu chính là: thành phố Xanh (phát triển bền vững về môi trường), thành phố Văn hiến (cân bằng giữa bảo tồn và phát triển), thành phố văn minh (phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế trí thức).
Các giải pháp bảo tồn, các nguyên tắc khoa học về tu bổ, tôn tạo liên quan đến khu di tích lịch sử đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Gươm chỉ có tính thực tiễn và khả năng thực thi cao khi chúng góp phần đạt được những mục tiêu có tính chất định hướng nêu trên.
Điều 8 nghị định số 38/2010/NĐ –CP “Quy định về quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị” cũng có những nội dung liên quan tới không gian khu vực bảo tồn, trong đó có hai khoản cụ thể là: không gian khu vực bảo tồn phải được giữ gìn, phát huy giá trị đặc trưng của không gian kiến trúc cảnh quan vốn có; không gian, cảnh quan, cây xanh, mặt nước xung quanh và khuôn viên các công trình kiến trúc, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phải tuân thủ các quy định pháp luật và phải được kiểm soát chặt chẽ.
Những năm gần đây, trên phương tiện thông tin đại chúng có nhiều ý kiến trái ngược nhau về thái độ ứng xử chưa thật sự văn hóa đối với di tích đền Ngọc Sơn và khu vực hồ Gươm. Theo tôi, nguyên nhân chính vẫn là chúng ta chưa nắm vững và cũng chưa thật sự tôn trọng các quy định pháp luật liên quan đến quy hoạch phát triển đô thị. Trong “quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050” còn quy định nghiêm ngặt hơn “tất cả các giải pháp đô thị đều được thiết lập dựa trên tiêu chí bảo tồn. Đối với khu với khu vực lõi lịch sử: kiểm soát và giảm quy mô dân số từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu, khống chế tầng cao, mật độ xây dựng và có quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan từ đường vành đai 2 đến lõi trung tâm, đặc biệt khu vực xung quanh Hoàng thành, khu Ba Đình, khu phố cổ, phố Pháp, hồ Gươm, hồ Tây…”
Như vậy, các quy định pháp luật về quy hoạch phát triển đô thị và bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa đã tương đối hoàn chỉnh và cụ thể, điểm mấu chốt còn lại là ý thức pháp luật của những người hành nghề và sự tự giác của cộng đồng cư dân đang sống xung quanh khu di sản.
Hồ Gươm là một trong những trọng điểm căn bản trong quy hoạch mặt bằng tổng thể của thành phố không chỉ hôm nay và cả tương lai. Có thể coi đây là một chỉ báo quan trọng để xác lập thái độ ứng xử của chúng ta trong vấn đề bảo tồn khu di sản. |
PGS.TS. Đặng Văn Bài
(Tạp chí Du lịch)