Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Đông Hải - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Bình cho biết: Trong những năm qua, Thái Bình đã quan tâm đầu tư, khuyến khích thu hút đầu tư trong phát triển du lịch, sản xuất nông nghiệp đang chuyển hướng sang sản xuất hàng hóa, các sản phẩm đặc thù có giá trị chất lượng cao; tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả, dù địa phương còn nhiều tiềm năng. Tỉnh Thái bình luôn trăn trở việc duy trì, khôi phục nghề sản xuất muối; làm ở mức nào, theo hướng nào, kết hợp các giá trị thế nào để đứng vững và vươn ra thị trường; đi theo hướng nào để thu hút được đầu tư, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ đến để gắn kết, tận dụng những lợi thế, giá trị sẵn có và truyền thống nghề muối Thái Bình để đảm bảo đời sống diêm dân cũng như phát huy được thế mạnh, giá trị, nghề muối truyền thống. Sản xuất nông nghiệp đặc thù kết hợp các dịch vụ nông nghiệp khác, đặc biệt là du lịch là hướng đi quan trọng của Thái Bình những năm tới đây. Hội thảo khoa học mong muốn nhận được những ý kiến tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý và các doanh nghiệp trong việc khôi phục, phát huy nghề muối truyền thống, kết hợp với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đây còn là bước đi quan trọng trên hành trình khát vọng tìm kiếm phương thức và cơ hội phát triển cho ngành kinh tế du lịch của tỉnh Thái Bình.
Giám đốc Sở VHTTDL Thái Bình, Trương Thị Hồng Hạnh chia sẻ, Thái Bình là nơi duy nhất trong cả nước có phủ Bà Chúa muối, đền thờ Bà Chúa muối là di tích đã được công nhận. Thụy Hải (Thái Thụy – Thái Bình) là nơi còn giữ được nghề làm muối theo phương pháp phơi cát truyền thống, chất lượng muối Thái Thụy có giá trị to lớn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. “Việc phát triển kinh tế làng nghề gắn với du lịch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn, phát triển nghề muối truyền thống xã Thụy Hải, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Để vực dậy nghề muối truyền thống Thụy Hải, các cấp ngành của Thái Bình cần quan tâm tạo điều kiện, chỉ đạo quyết liệt cùng sự tham gia của người dân để kết hợp được hoạt động sản xuất muối và phát triển du lịch một cách hiệu quả” bà Trương Thị Hồng Hạnh khẳng định.
Hội thảo xoay quanh sản phẩm muối của Thái Bình, là sản phẩm nhiều năm qua gắn với thương hiệu Diêm Điền. Đặc biệt, muối Thái Bình còn gắn với truyền thống lâu đời là sắc phong Bà Nguyễn Thị Nguyệt Ảnh thành Tam phi của vua Trần Anh Tông, được dân gian tôn thờ là Bà Chúa muối và lập đền thờ đến ngày nay. Đây xem như là giá trị kết tinh của người dân vùng muối Thái Bình.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung: Sản phẩm muối Diêm Điền cần được bảo tồn và xây dựng thành thương hiệu có tính cạnh tranh cao; Xây dựng thương hiệu, sản phẩm muối hữu cơ phải kết hợp đồng bộ với du lịch muối, du lịch tâm linh gắn với di tích Bà chúa muối; Nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất muối để tạo ra được sản phẩm chất lượng đảm bảo, sản lượng cao; Cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế, hạ tầng giao thông để Thái Bình tiếp cận, liên kết nhanh nhất với các tỉnh trong khu vực; Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên nhằm khôi phục nghề muối, đảm bảo việc làm, thu nhập cho bà con nhưng phải thu hút được đầu tư cho du lịch; Việc thu hút nguồn nhân lực không chỉ đơn thuần đảm bảo mức thu nhập mà còn phải đảm bảo cuộc sống toàn diện về an sinh xã hội, văn hóa, tín ngưỡng, môi trường làm việc, phải là nơi nuôi dưỡng, tạo nguồn cảm hứng cho năng lực sáng tạo…
Các đại biểu cũng đã chia sẻ kinh nghiệm sản xuất muối chất lượng cao của nhiều nơi trên thế giới; đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển nghề muối Thụy Hải; xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, sức khỏe… gắn với sản vật muối Thụy Hải. Các đại biểu cũng đề xuất việc đánh giá cụ thể để khẳng định giá trị, chất lượng muối Thụy Hải, từ đó có cơ sở để triển khai các hoạt động tiếp theo. Bên cạnh đó cũng chỉ ra những vấn đề cần quan tâm để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với sản phẩm muối Thụy Hải, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu của du khách về việc tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm nghề sản xuất muối thủ công ở Thụy Hải…
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Lĩnh đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của đại biểu. “Khôi phục nghề muối truyền thống Thụy Hải là cần thiết, kết hợp việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kết hợp với phát triển du lịch. Các đơn vị chức năng trong tỉnh cần đánh giá cụ thể chất lượng muối, từ đó quy hoạch khu sản xuất muối, quy hoạch phát triển du lịch, trọng tâm tập trung liên kết phát triển các chuỗi sản phẩm”, bà Nguyễn Thị Lĩnh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội thảo, Sở VHTTDL Thái Bình đã ký văn bản hợp tác đạo tạo nguồn nhân lực du lịch với Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội cùng Cao đẳng Duyên hải Thái Bình; các doanh nghiệp cũng đồng thời ký kết triển khai các chương trình hợp tác xây dựng sản phẩm.
Trước đó, ngày 24/12, TCDL đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình tổ chức đoàn báo chí, doanh nghiệp và các chuyên gia thắp hương tại Lăng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, tham quan đền, phủ Bà Chúa muối, khảo sát quy trình sản xuất muối hữu cơ; tham quan, khảo sát khu du lịch sinh thái Cồn Đen.
Thanh Hiền