Phát biểu tại chương trình, Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội cho biết: Người khuyết tật luôn nỗ lực hướng đến việc hòa nhập với các hoạt động xã hội, trong đó có các trải nghiệm về du lịch. Cũng giống như người bình thường, du lịch là nhu cầu tự nhiên và thiết thực của người khuyết tật, cũng như tiếp cận các cơ sở lưu trú, sử dụng dịch vụ du lịch, tham quan danh lam thắng cảnh, tham gia các hội nghị, hội thảo… Sẽ có ngày càng nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế tại Việt Nam là những người khuyết tật, vì vậy để du lịch thực sự "cho tất cả mọi người" thì cần có những chính sách, những văn bản pháp luật chặt chẽ để người khuyết tật tiếp cận được các hoạt động du lịch.
Đại diện quỹ ABILIS (Phần Lan) tại Việt Nam, bà Đỗ Thị Huyền chia sẻ: Là tổ chức hỗ trợ người khuyết tật tại Phần Lan, Abilis mong muốn đóng góp vào sự thúc đẩy hòa nhập của người khuyết tật tại Việt Nam, để ngày càng nhiều người khuyết tật có cơ hội đi du lịch. Tại Phần Lan hầu hết các khách sạn đều có những hỗ trợ đầy đủ cho người khuyết tật như bản đồ đa phương tiện với ngôn ngữ khiếm thính, chữ nổi, hành lang riêng… Chính phủ tạo điều kiện tối đa cho người khuyết tật cho các hoạt động học tập hay du lịch, các công trình công cộng cũng được cải tạo theo hướng dễ dàng tiếp cận; cung cấp miễn phí (trong hạn mức nhất định) các dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật…
Theo kết quả hoạt động của dự án, hiện nay tại Việt Nam, người khuyết tật có nhu cầu cao về du lịch nhưng gặp nhiều hạn chế như thiếu thông tin về khả năng tiếp cận của các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch. Người khuyết tật khi có nhu cầu đi du lịch thường không biết nơi nào mình có thể tới được hoặc mức độ tiếp cận được đến đâu. Các Hội/ Nhóm người khuyết tật khi tổ chức các hoạt động cũng rất khó khăn khi tìm các địa điểm có thể tiếp cận. Đại diện dự án cho biết, ngoại trừ một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay các khách sạn lớn, hiện nay rất nhiều các cơ sở lưu trú và điểm du lịch tại Việt Nam không hỗ trợ cho người khuyết tật, dù là những trung tâm du lịch lớn ở Quảng Ninh, Ninh Bình, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng…
Xuất phát từ những hạn chế này, dự án đã tập trung xây dựng hệ thống thông tin du lịch tiếp cận trên mạng internet, và một trong những kết quả nổi bật của dự án là website http://dulichtiepcan.com/, với ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Đây là trang web đầu tiên cung cấp hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin, hình ảnh, video trực quan về các địa điểm, dịch vụ để hỗ trợ người khuyết tật đi du lịch tại Việt Nam. Trang web đã bước đầu cung cấp thông tin ở 10 tỉnh, thành phố trên cả nước với nhiều địa điểm, dịch vụ, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển công cộng cùng mức độ tiếp cận của những cơ sở, dịch vụ này; qua đó người khuyết tật có thể chủ động lựa chọn các phương tiện và dịch vụ phù hợp với hành trình tham quan của họ. Ngoài ra, những hình ảnh, video trong quá trình khảo sát được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội tạo đã thúc đẩy nhận thức xã hội về du lịch tiếp cận cho người khuyết tật.
HN